Dùng điện thoại kiểm tra chất lượng thực phẩm

Đây là hoạt động được TP Hồ Chí Minh xúc tiến trong tháng 11 và 12, nhằm siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các loại thực phẩm tươi sống.

Người tiêu dùng yên tâm

Hiện nay, việc tiểu thương đưa thực phẩm tươi sống vào chợ truyền thống tiêu thụ vẫn khá đơn giản. Vì vậy, khi mua bán mặt hàng này, không ít người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo lắng về chất lượng thực phẩm tươi sống tại các chợ. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng có thể tự truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng điện thoại thông minh sẽ khiến cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng yên tâm hơn.

Dùng điện thoại kiểm tra chất lượng thực phẩm ảnh 1

Người tiêu dùng có thể tự kiểm tra, truy xuất nguồn gốc mặt hàng thịt lợn tại các điểm kinh doanh đã đăng kí.

 Chị Đỗ Thị Hạnh, ngụ ở Phước Bình (quận 9) cho hay, từ trước đến nay, khi mua thực phẩm tươi sống chị thường mua tại các chợ lẻ và mua bán bằng cảm quan nên luôn phập phồng lo lắng về chất lượng.

“Tôi thường chỉ kiểm tra chất lượng thịt bằng mắt như nhìn miếng thịt còn đỏ, tươi màu… Nếu áp dụng việc kiểm tra được rõ ràng nguồn gốc thịt lợn bằng điện thoại thông minh sẽ giúp người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc của ngành hàng này, chủ cơ sở nuôi, nơi giết mổ… và nếu có thắc mắc về chất lượng sản phẩm chúng tôi cũng biết tìm đúng địa chỉ mà thắc mắc”, chị Hạnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tươi sống của người dân thành phố bình quân khoảng 850 - 900 con trâu bò, 9.000 - 10.000 con lợn, 120.000 - 130.000 con gia cầm và khoảng 200 tấn thịt gà, thịt trâu bò và phụ phẩm đông lạnh nhập khẩu. Để ngăn chặn thực phẩm bẩn tại các chợ, việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng điện thoại thông minh là một trong nhiều giải pháp hữu hiệu hiện nay. 

Đơn giản và dễ thực hiện

Sau 2 tháng chuẩn bị, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng điện thoại thông minh, hiện đã có sự tham gia của 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại; 11 cơ sở giết mổ (trong đó có 2 cơ sở trên địa bàn, 3 cơ sở tại Đồng Nai, 5 cơ sở ở Long An và 1 ở Bình Dương)... 

Đối với hệ thống phân phối truyền thống, 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt lợn là Bình Điền, Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố. Ở loại hình chợ lẻ, có 4 chợ triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình. Đến nay, gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại 4 chợ này đã đăng ký tham gia. Đối với hệ thống phân phối hiện đại, hiện có 5 hệ thống siêu thị với 59 siêu thị đăng ký tham gia như Co.opmart, Big C, Satramart, Aeon, Aeon Citimart. Ngoài ra còn có sự tham gia của 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi.

Theo đề án này, quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt lợn bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Hệ thống quản lý công nghệ thông tin có thể lưu trữ tất cả các thông tin trên từ 5-10 năm, có khả năng phân tích, sàng lọc và lên danh sách đen hoặc khoanh vùng những khu vực, đối tượng, hiện tượng nghi ngờ vi phạm để các nhà quản lý và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý. Qua đó hệ thống cũng hỗ trợ người tiêu dùng thông qua bản đồ các điểm bán thịt lợn đã được kiểm soát theo quy trình để biết và thuận tiện lựa chọn mua sắm.

Dùng điện thoại kiểm tra chất lượng thực phẩm. Ảnh minh họa internet
Dùng điện thoại kiểm tra chất lượng thực phẩm. Ảnh minh họa internet

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, giai đoạn 1 của đề án bắt đầu triển khai thí điểm tại các đơn vị đăng ký tham gia ban đầu từ ngày 10/12 và triển khai chính thức trên toàn thành phố từ ngày 1/3/2017. Giai đoạn này, việc quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ. Giai đoạn 2 sẽ triển khai quản lý theo chu trình khép kín hoạt động sản xuất, chăn nuôi lợn từ khi mới sinh cho đến người tiêu dùng. 

Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Giám đốc Trung tâm truyền giống Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho rằng, đây là một giải pháp quản lý rất tiến bộ đối với sản phẩm thịt lợn mà người tiêu dùng đang mong đợi. Vào thời điểm hiện tại, giải pháp này được đánh giá là hoàn hảo đối với chuỗi giá trị thịt lợn từ trang trại đến người tiêu dùng do một doanh nghiệp (DN) thực hiện, vì đương nhiên là DN đó phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về sản phẩm thịt lợn của mình. Nhưng trong trường hợp chuỗi giá trị thịt lợn bị cắt khúc với sự tham gia của nhiều DN thì tính pháp lý khi truy xuất nguồn gốc về trách nhiệm của từng DN trong chuỗi giá trị cần phải được tính đến để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. 

Theo Hoàng Tuyết/baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới