Đừng giải quyết mâu thuẫn "thực" bằng "mạng ảo" Facebook

Đó là nội dung mà luật sư Trần Minh Hùng muốn chia sẻ xung quanh câu chuyện "bị kỷ luật vì chê trường" trên Facebook.
Theo thông tin từ báo chí, giảng viên Đăng bị kỷ luật với 3 lỗi. Văn bản xem xét kỷ luật được ký vào ngày 19/11.
Đó là các lỗi: 1. Tự ý nghỉ việc 14 ngày mà chưa được sự đồng ý của ban giám hiệu nhà trường; 2. Tự ý nghỉ học Quản lý nhà nước không lý do từ ngày 5 đến 13/10. 3. Có hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức qua mail và thái độ, hành vi ứng xử trong các cuộc họp với lãnh đạo nhà trường.
Tuy nhiên, anh Đăng xác nhận với báo chí việc nhà trường kỷ luật mình về việc tự nghỉ việc và học mà không xin phép theo lý là đúng, nhưng xét về tình thì chưa chuẩn.
Thực tế, có nhiều cá nhân hễ mâu thuẫn hoặc gặp khó khăn thì lên Facebook kêu, thất nghiệp cũng than vãn trên facebook. Chuyện dùng Facebook để giải quyết vấn đề cá nhân đã đang phổ biến. Nhiều người nhận thức đơn giản, chỉ cần kêu lên để mọi người giúp đỡ là được.
1
"Nói xấu" trên Facebook bị kỷ luật
Để góp cùng bạn đọc cái nhìn về lợi bất cập hại khi sử dụng Facebook để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, PV có cuộc phỏng vấn ngắn với Ls Trần Minh Hùng, Trưởng VP Luật Gia Đình (Đoàn Ls Tp HCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, qua vụ sự việc “một giảng viên bị kỷ vì viết Facebook”, Luật sư có bình luận gì?
Hiện nay mạng xã hội facebook phát triển và thông dụng trên thế giới, ở Việt Nam không ngoại lệ vì. Facebook có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm nhất định nếu người dùng sử dụng không đúng mục đích. 
Gần đây tôi chứng kiến nhiều vụ kiện cáo, khiếu nại vì xúc phạm nhau trên facebook mà việc giải quyết đang là một vấn đề khó khăn đối với cơ quan chức năng. Theo cá nhân tôi vụ việc một giảng viên ở Trường Đại học Cần Thơ bị kỷ luật cách chức và điều động sang làm nhân viên Phòng đào tạo của trường chưa thể kết luận ai đúng ai sai vì còn nhiều thông tin mà các bên chưa tiết lộ. 
Tuy nhiên, đây là một hình thức kỷ luật nặng và ảnh hưởng tâm lý cho người bị kỷ luật và gây bức xúc cho dư luận vì quyết định này mang tính mệnh lệnh hành chính chứ không phải là một quyết định của tòa án dân sự.
Luật sư có đồng ý với việc sử dụng FB như một kênh giải quyết cá nhân, hoặc là căn cứ để "xử lý" cán bộ, nhân viên không?
Tôi hoàn toàn không đồng ý sử dụng facebook như một kênh giải quyết cá nhân, hoặc là căn cứ để "xử lý" cán bộ, nhân viên, vì bản chất FB là một mạng xã hội. Mọi tranh chấp phát sinh trên mạng xã hội và cuộc sống liên quan đến việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín đều phải được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.
Theo luật sư, người dùng FB và cơ quan quản lý cần xử sự như thế nào để đảm bảo quyền của mình mà vẫn đảm bảo trật tự xã hội?
 Theo tôi người dùng facebook nên dùng facebook như một trang thông tin giải trí, không nên có những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và các tổ chức trên trang cá nhân của mình. Còn cơ quan quản lý khi thấy người dùng facebook có những hành vi vi phạm thì cần nhờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp giải quyết, nếu thấy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì cần khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Tại điều Điều 25 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định về Bảo vệ quyền nhân thân như sau: Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền:
1. Tự mình cải chính;
2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;
3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Do vậy, một tổ chức đơn phương ra một quyết định kỷ luật giảng viên khi cho rằng giảng viên đó có những hành vi "nói xấu" tổ chức mình khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kết quả vụ việc đó theo tôi là chưa có căn cứ pháp lý và gây thiệt hại cho người bị xử lý kỷ luật.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Infonet

Tin mới