Đừng hạ thấp ngành giáo dục bằng từ "giá"

Người làm thầy giáo, cô giáo hiếm có ai tự coi công việc dạy học là cuộc mua bán để mà định giá.

Dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có giải thích lại về việc đổi từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” nhưng với tư cách một phụ huynh, tôi vẫn không đồng tình.

Nếu việc này được thực thi, sau này cha mẹ, con cái sẽ phải quên đi cái từ ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa từ xưa đến nay ai ai cũng dùng là “học phí”. Như vậy, cần một từ khác để thay thế nhưng phải đúng nghĩa, dễ sử dụng hơn từ cũ. Đối chiếu tiêu chí ấy thì cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” rõ ràng là không đáp ứng.

Thử tưởng tượng một ngày con bạn, cô giáo của con bạn nói rằng: “Ba mẹ ơi, tới ngày đóng giá dịch vụ đào tạo rồi đấy!”, hoặc buổi sáng bạn đưa cho con một cái phong bì và bảo: “Hôm nay con nhớ đóng giá dịch vụ đào tạo nhé!”, nghe thật dài dòng và quá nghịch tai. Đâu có nhất thiết phải rườm rà hóa vấn đề như vậy?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm dư luận bức xúc việc muốn thu “giá dịch vụ đào tạo” thay vì thu “học phí” như lâu nay. Ảnh: Trọng Phú
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm dư luận bức xúc việc muốn thu “giá dịch vụ đào tạo” thay vì thu “học phí” như lâu nay. Ảnh: Trọng Phú

Lý giải một cách luật học thì “phí” là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Phí gắn với tiền cụ thể, nộp phí là nộp tiền, thu phí là thu tiền, mức thu ít nhiều sẽ theo yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ.

Ngược lại, “giá” là giá trị được biểu hiện bằng tiền, không gắn với đồng tiền cụ thể nên không thể thu hay nộp. Như vậy, rõ ràng “thu giá” là cụm từ vô nghĩa.

Riêng trong lĩnh vực đào tạo, tôi cho rằng nếu dùng “giá dịch vụ đào tạo” sẽ làm cạn kiệt luôn chút giá trị phi vật chất còn sót lại trong mối quan hệ thầy trò hiện nay. Giữa thời buổi mà người ta bắt đầu lo lắng về sự nhạt nhẽo trong tình nghĩa thầy trò, hình ảnh người đưa đò trong mắt học sinh đã khác xưa rất nhiều thì đề xuất này sẽ càng làm cho mối quan hệ ấy trở nên sòng phẳng, ngã hẳn vào vòng xoáy kinh doanh, mua bán.

Tuy không phải thầy cô đi dạy vì mục đích được “tôn sư” nhưng theo quan sát cá nhân, tôi thấy rõ người học càng tôn trọng việc học, tôn trọng, cảm kích người dạy mình bao nhiêu thì sẽ học tập tốt bấy nhiêu. Ở chiều ngược lại, người làm thầy giáo, cô giáo hiếm có ai tự coi công việc dạy học là cuộc mua bán để mà định giá.

Tất cả chi phí viết ra được bằng con số trong công cuộc trồng người thực ra không phải là giá trị cao nhất của việc đào tạo, vậy nên đừng tự hạ thấp ngành cao quý bằng từ "giá". 

Tin mới