Dựng lều cho con học chữ ở Con Phen

(Baonghean) - Mùa Đông, vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ trở nên  buốt giá hơn bởi nơi đây tích tụ khí lạnh của núi rừng, và cái lạnh của mặt nước lòng hồ mênh mông. Phía xa xa, những mái lều tạm bên bờ suối đầu bản Con Phen, xã Hữu Khuông (Tương Dương) như đang run rẩy trong giá lạnh. Đó là nơi ở của 18 học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông. Bố mẹ lênh đênh, mải miết mưu sinh giữa lòng hồ, buộc con cái phải dựng lều “nhặt chữ”...

Thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho biết: “Đây là chỗ ở của học sinh ở Chà Coong, Xốp Lằm, Kim Hồng, Nhạn Nhinh, Nhạn Mai và Nhạn Pá. Những bản này thuộc diện di dời về các khu tái định cư ở Thanh Chương, một số hộ hoặc cố tình không di dời, hoặc đã di dời nhưng rồi trở về quê cũ làm ăn. Con em các hộ này phải gửi học ở điểm trường Con Phen, trường không có nhà bán trú, do không có hộ khẩu ở địa phương nên các em không được hưởng chế độ ưu tiên của Nhà nước. Vì thế, đến học tại đây, bố mẹ các em phải tự túc từ chỗ ăn, chỗ nghỉ và các khoản đóng góp”. 
Đan tranh làm lều cho con trọ học.
Đan tranh làm lều cho con trọ học.
Chúng tôi bước về phía dãy lều, rất đỗi đơn sơ, nằm chênh vênh bên bờ suối. Mái được lợp bằng lá cọ, phên thưng bằng nứa đan, cột kèo là những cây rừng vừa thấp, vừa nhỏ. Có cảm giác như chỉ cần một trận gió mạnh, sẽ cuốn phăng tất cả xuống suối, trôi về phía lòng hồ. Chúng tôi đến vừa lúc vợ chồng anh Lô Văn Phương đang sửa sang lại mái lều cho các con trọ học. Người chồng hì hục với chiếc cưa và tấm ván làm cánh cửa. Còn người vợ tỉ mẩn với từng chiếc lá cọ để đan tranh. Anh Phương chia sẻ: “Chiếc lều này, vợ chồng tôi dựng đã mấy tháng để các con có chỗ trọ học, vì đường xa, phải đi thuyền nên không thể đi về trong ngày, bố mẹ lại không có thời gian đưa đón. Tuần trước về, cháu bảo lều bị dột, gió tràn vào lạnh quá không ngủ được nên phải tranh thủ đến sửa sang cho kín hơn, để các con đỡ rét”. Nhìn nét mặt của vợ chồng anh, chúng tôi đọc được những nỗi vất vả và lo toan...
Gần trưa, sau hồi trống tan trường, các em lần lượt trở về mái lều của mình để lo việc cơm nước. Theo chân các em vào lán, các vật dụng bên trong hết sức đơn sơ. Chiếc bục được làm bằng tre nứa chiếm phần lớn diện tích. Đó vừa là chỗ nằm nghỉ, vừa là chỗ ngồi học và cất đặt sách vở, lại vừa là chỗ để bày biện bữa cơm hàng ngày. Tiếp đến là khu bếp, xung quanh bề bộn với những củi khô; ngổn ngang xoong nồi, xô chậu và bát đĩa. Các em phân công nhau mỗi người một việc, người xuống suối vò gạo nấu cơm, người nhặt rau, người rửa bát. Bữa trưa chỉ có canh rau rừng chan cơm nhưng các em ăn rất ngon lành, cười nói vui vẻ như những thiếu thốn, thiệt thòi đó chẳng đáng là gì so với niềm đam mê con chữ. Em Lương Văn Nguyễn, học sinh lớp 4, đến từ Chà Coong, cho biết: “Hôm nay gần cuối tuần, thức ăn dự trữ đưa từ nhà đã sắp hết, buổi sáng bận học không đi bắt cá được nên đành ăn tạm thế thôi. Chiều học về sớm sẽ xuống suối bắt cá về cải thiện bữa ăn chú ạ!”. 
Khi màn đêm phủ khắp đại ngàn Hữu Khuông, cái rét về đêm như thấm vào từng làn da, thớ thịt, chúng tôi mượn chiếc đèn pin men theo lối mòn dựng đứng để trở lại dãy lều trọ của các em. Từ 6 chiếc lều bé nhỏ bên bờ suối hắt ra những tia sáng yếu ớt từ những chiếc đèn dầu lọt qua kẽ hở tấm phên. Tất cả đều lặng lẽ, im lìm trong bóng đêm, giữa mênh mông của núi rừng và làn sương dày đặc. Thi thoảng, từ trong lều vang lên những tiếng “ê, a” học bài, tiếng trao đổi của các em. Những âm thanh ấy nhanh chóng hòa lẫn trong tiếng suối chảy rì rào, tiếng gió rừng xào xạc. Trong lòng chợt dâng trào một nỗi cảm thương và suy tư về những thiếu thốn, vất vả đủ bề của những đứa trẻ đang sinh sống trong những mái lều tạm bợ kia. Giá như bố mẹ chúng cứ yên tâm về sinh sống, làm ăn ở khu tái định cư, trước mắt có thể vất vả, khó khăn nhưng việc học hành và tương lai của con cái sẽ xán lạn hơn nhiều. Đằng này, họ cứ bám lấy quê cũ mà sinh sống, cho dù không còn hộ khẩu tại đây, buộc con trẻ phải gánh chịu bao nỗi thiệt thòi, hành trình đi tìm con chữ trở nên vô cùng gian nan, trắc trở... 
Công Kiên

Tin mới