Đừng nhầm tưởng!

Trước một sự việc mới mẻ, luôn sẽ có những ý kiến trái chiều. Và điều này, trên không gian mạng xã hội đã trở nên quá đỗi bình thường.

Vậy nhưng với việc tỉnh Nghệ An xây dựng Khu Tượng đài V.I.Lenin ở thành phố Vinh, đang có một số luận bàn theo kiểu mượn sự việc để gán ghép, suy diễn, bỉ bôi tổ chức, cá nhân. Điều lạ lẫm đáng cười là những đối tượng có những luận bàn dạng này quá ngộ nhận khi cho rằng người dân Nghệ An cũng cùng chung suy nghĩ. Thật tình, phải nói một câu cho nét là họ đã nhầm tưởng!.

Về việc dựng Tượng đài V.I.Lenin, sáng 21/2/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến toàn quốc tháng 2/2020, tại điểm cầu Nghệ An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường cũng đã thông tin. Rằng công trình này được Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng phê duyệt. Đây là công trình ý nghĩa hướng về mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỉnh Ulyanovsk, quê hương V.I.Lenin. Và việc xây dựng, khánh thành Tượng đài V.I.Lenin càng có ý nghĩa hơn vì đúng vào năm 2020, là năm kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (30/1/1950 – 30/1/2020).

Trong vài ngày vừa qua, đã rất nhiều người dân Nghệ An, thành phố Vinh sử dụng facebook viết ra suy nghĩ về việc xây dựng Tượng đài V.I.Lenin. Và tựu trung lại, là ủng hộ một cách nhiệt thành.

Cá nhân tôi chưa từng đến Nga hay các nước trong Liên bang Xô viết trước đây. Nhưng qua sách báo, phim ảnh, biết về cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, sự kiện “Mười ngày rung chuyển thế giới”, với vị lãnh tụ cũng đồng thời là linh hồn của cuộc cách mạng này là V.I.Lenin. Và biết, dù nước Nga có những thay đổi về thể chế, nhưng người dân và kể cả những người đang lãnh đạo nước Nga cũng không quay lưng với lịch sử, mà vẫn kính trọng và tự hào V.I.Lenin – một nhân vật kiệt xuất, vĩ đại của nước Nga và của thế giới.

Biết trên khắp dải đất hình chữ S, suốt nhiều thập kỷ đã qua, từ thời còn chia cắt hai miền Bắc – Nam và cả ngày nay, có rất nhiều những dấu ấn mang nặng nghĩa tình của đất nước Nga. Riêng với Nghệ An – quê hương của Bác Hồ kính yêu, dấu ấn của nước Nga cũng rất nhiều; và thông qua việc kết nghĩa với tỉnh Ulyanovsk – quê hương của V.I.Lenin, thì càng đặc biệt sâu nặng. Tại thành phố Ulyanovsk, đã có trường học, đường phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; có Khu Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quần thể Tượng đài, Quảng trường Hồ Chí Minh. Vậy thì ở thành phố Vinh – Trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh Nghệ An, trước đã có đại lộ mang tên V.I.Lenin, nay có thêm Khu Tượng đài V.I.Lenin thì có gì đáng phải tranh luận?

Tôi đã tìm hiểu, biết được Khu Tượng đài V.I.Lenin được xây dựng trên khu đất bên cạnh ngã 5, nơi giao nhau của các tuyến đường Lênin, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Trường Thi, Võ Nguyên Hiến. Hướng chính của tượng đài là hướng Tây Nam, với tổng chiều cao là 6m (tượng V.I.Lenin cao 3m do tỉnh Ulyanovsk đúc tặng, chuyển giao). Tượng đài V.I.Lenin sẽ được đặt trong hệ thống không gian vườn hoa được tổ chức theo hình thức không gian mở; phía sau tượng đài trồng cây tán rộng, hai bên là các bồn hoa, tiểu cảnh, sân vườn, đường dẫn… Còn vòng xuyến ngã 5 (trước đây là vị trí cột đồng hồ cũ có đường kính 15m) sẽ được xây dựng thành Đài phun nước. Ở đây, sẽ được bố trí, sắp đặt các loại vòi phun kết hợp đèn led rọi theo tia nước để có thể tạo lên những bức tranh lung linh dưới màn nước, tạo nên một cảnh quan chung đẹp đẽ nhằm tôn vinh quần thể Tượng đài V.I.Lenin.

Tin rằng việc thực hiện Khu Tượng đài V.I.Lenin, thành phố Vinh sẽ có thêm một công trình làm đẹp mỹ quan đô thị; tỉnh Nghệ An sẽ có một công trình ý nghĩa tôn vinh V.I. Lê nin – Người thầy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Và chắc chắn một điều, người dân Nghệ An mong chờ ngày Khu Tượng đài V.I.Lenin được hoàn thành. Thế cho nên, đừng nhầm tưởng!