Đừng tin mấy lời ngọt

(Baonghean.vn) - Thấy người miền xuôi những ngày vừa qua xình xịch sốt theo giá đất đai mà bà con bản mình cũng ngóng theo. Hết báo chí rồi đến mạng xã hội đâu đâu cũng bàn chuyện giá đất.

Thấy mấy người trong nhóm bạn bè của mình hôm trước lên “phây” chỉ nói chuyện “văn - thể - mỹ”, ấy vậy hôm sau đã rao bán miếng đất này, lô đất kia. Rồi cũng lại thấy có người chụp ảnh cả một xấp tiền to ơi là to khoe môi giới thành công lô đất cho khách hàng. Có người còn khẳng định, nhờ “vía nhẹ”, mối lái giỏi đã nâng thu nhập hằng tháng lên 8 - 9 con số, họ còn chụp ảnh biên lai chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nữa. Nói chung ai cũng trở thành đại gia bất động sản rồi.

Ngẫm mà tiếc cho bản mình. Đất rừng, nương rẫy rộng cả héc ta mà chẳng có cơn sốt nào. Cũng bởi ở vùng cao, nơi sơn cùng thủy tận thì ai quan tâm chứ. Tiếng là nhiều rừng, nương rẫy nhưng toàn ở trên núi, được đám đất bằng phẳng nào thì dành để xây dựng trường học, trung tâm hành chính, còn lại phải bố trí nơi ở, sản xuất cho người dân. Còn rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và sản xuất thì giờ đây ai dám động đến.

Nói vậy mà cũng không phải vậy! Trước đây có nhiều trường hợp người dân bán đất lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, sử dụng lâu dài. Đó là loại đất được Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng lâu dài vì mục đích lâm nghiệp theo Nghị định 163/1999. Các hộ khi được giao đất theo chính sách này đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Vì không có khả năng quản lý, sản xuất lâm nghiệp, nhiều hộ đã nghe lời ngọt nhạt, lôi kéo của những đối tượng sẵn tiền âm thầm bán luôn diện tích đất được giao. Vì vậy, mới có chuyện, trên danh nghĩa diện tích đất lâm nghiệp vẫn đứng tên Lầu Vả Xềnh nhưng thực tế đất đã thuộc quyền người khác. Và các đại gia bất động sản miền núi không chỉ mua của một hộ mà nhiều hộ, nhiều thửa với số lượng lên đến hàng chục, hàng trăm héc ta. Hiện nay, khi thấy lợi ích của việc sản xuất rừng, trồng rừng thì những người đã bán đất lâm nghiệp chẳng biết làm gì ngoài việc tiếc nuối. Nhiều người trở thành người làm thuê ngay trên chính mảnh đất mình được Nhà nước giao quản lý, sản xuất.

Trở lại chuyện sốt đất ở miền xuôi. Cán bộ xã mới đây bảo: Ảo cả thôi. Các giao dịch đất cát mà mọi người thấy trên mạng xã hội chủ yếu là do mấy tay “cò mồi” mua đi bán lại với nhau. Không tin được đâu. Bà con chớ sốt ruột, cũng đừng nghe lời rủ rê mà bán đất, bán nương rẫy. Mai mốt nhỡ có ai tìm về bản làng nói chuyện đất đai, mua bán thì báo ngay cho công an xã. Đừng tin mấy lời ngọt. Chẳng ai dưới xuôi họ về miền núi mua đất để ở hay trồng cây đâu.