“Được mùa chớ phụ ngô khoai”…

Trong hàng trăm lời bình bàn về lá đơn của cô giáo xin nghỉ việc vì mức lương 8 triệu đồng/tháng “không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống”, tôi thích nhất câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai”.

Trước khi nói ra lý do, xin thẳng thắn rằng, trước cô rất, rất nhiều năm, đã có không ít người đang làm việc ở khu vực hưởng lương ngân sách xin nghỉ để chuyển sang môi trường mới. Tôi cũng có những bè bạn như vậy. Lý do, thì rất đa dạng. Có người, vì có những ẩn ức tế nhị khó nói ra. Có người, vì nhận thấy mình không phù hợp với nghề đã đeo đuổi. Có người, vì may mắn tìm được cơ hội việc làm mới có chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến tốt hơn… Nhưng họ, tuyệt nhiên không có phát ngôn như cô.

Như Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát, anh Phan Xuân Diện (Facebook Mạc Diện) là một ví dụ. Phan Xuân Diện từng là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông – một vị trí công tác được xem là tương đối thuận lợi. Chính vì vậy, khi biết anh có ý định nghỉ việc chuyển sang một lĩnh vực mới, khác lạ – ngành nghề chế biến, kinh doanh dược liệu – thì người thân, bạn bè đều đánh giá đây là quyết định mạo hiểm, không đồng tình.

Phan Xuân Diện đã phải suy nghĩ, tính toán, viết đi viết lại lá đơn xin nghỉ việc, và phải đến một năm trời, anh mới chính thức đệ đơn lên cấp trên. Câu chuyện Phan Xuân Diện xin nghỉ việc, rời chức Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông đã qua đi vài năm. Đến nay, dù còn rất vất và để chèo lái, điều hành doanh nghiệp còn non trẻ, nhưng anh đã có những thành công nhất định. Và nhiều lần tâm sự, Diện đã nói để có được thành công bước đầu ấy, ngoài nỗ lực của bản thân, của gia đình, bè bạn thì những ủng hộ, giúp đỡ từ nhiều mặt của cơ quan, đồng nghiệp cũ là hết sức quan trọng. Và sở dĩ có được những ủng hộ, giúp đỡ từ cơ quan, đồng nghiệp cũ, bởi anh trân trọng, gìn giữ được những ân tình…

Dẫn cụ thể ra một ví dụ như vậy, để khẳng định trong mỗi chúng ta, khi có một cơ hội mới tốt đẹp hơn thì ai cũng có quyền nắm bắt, giữ chặt lấy. Nhưng đừng nên vội vàng nói lời phũ phàng với những gì ta đã từng gắn bó. Như với cô, có trong tay nghề giáo được xã hội trân quý. Là cái nghề cô đã phải dành phần lớn tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời để học được, và sau đó, còn gắn bó thêm đến 16 năm trời.

Trên mạng xã hội, rồi cả báo chí truyền thông người ta nói không ít về “lối rẽ” có thu nhập cao hơn mức lương 8 triệu/tháng của cô. Tôi thực sự không quan tâm đến điều này. Chỉ nghĩ, ròng rã 16 năm làm nghề giáo, dù eo hẹp, dù phải chắt lót, tính toán chi ly… nhưng cô và gia đình đã sống được bằng tiền lương đó như bao người làm việc, hưởng lương từ ngân sách. Vậy thì cớ gì khi có được cơ hội tốt, lại phải viết ra trong đơn một lý do đầy tính miệt thị là “Thu nhập từ công việc dạy học không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi”?

Tôi thích lời bình “Được mùa chớ phụ ngô khoai” bởi đây là câu ca dao có tính răn dạy của cha ông đã nghìn năm được trao truyền cho bao thế hệ. Bởi hơn ai hết, một giáo viên cấp tiểu học như cô thì hẳn phải thuộc nằm lòng, để 16 năm qua, trao truyền cho nhiều thế hệ học sinh.

Vâng, được mùa chớ phụ ngô khoai! Nếu không làm được điều gì tốt đẹp hơn để lưu lại chút tình thì xin cô hãy cứ quay đi, đừng có vì một lý do nào khác ẩn sau mà làm tổn thương nghề giáo!