Đường đến Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia của 'hai anh em' thành Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước khi đạt giải Nhất toàn tỉnh và là dự án duy nhất của bậc THPT được chọn tham dự cuộc thi toàn quốc, tác giả và chính Dự án "Hệ thống ngưng tụ nước bằng công nghệ bán dẫn" không được đánh giá cao. Tuy nhiên sự kết hợp tưởng như "khập khễnh" của hai em lại đem đến thành công.

Đồng tác giả thực hiện dự án là 2 học sinh Hồ Mạnh Thắng và Nguyễn Nhân Nhật Minh với một hành trình đáng khâm phục, dù cả hai không cùng trường, không cùng độ tuổi và một tính cách hoàn toàn khác biệt...

“Phép thử” của hai anh em

Góc cầu thang nơi phòng khách và căn phòng nhỏ trên tầng 2 của em Hồ Mạnh Thắng tại phường Lê Mao như một phòng thí nghiệm thu nhỏ với “lỉnh kỉnh” máy móc, các mạch điện tử, hóa chất và một số sản phẩm đang trong quá trình nghiên cứu... Đây cũng là nơi mà Thắng và Minh đã dành rất nhiều thời gian kể từ khi cả hai quyết định tham gia Cuộc thi KHKT cấp tỉnh.

Hồ Mạnh Thắng hiện đang học lớp 12, Trường THPT Lê Viết Thuật và Nguyễn Nhân Nhật Minh là học sinh lớp 11 chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Hai học sinh Hồ Mạnh Thắng và Nguyễn Nhân Nhật Minh. Ảnh: Mỹ Hà

Hai học sinh Hồ Mạnh Thắng và Nguyễn Nhân Nhật Minh. Ảnh: Mỹ Hà

Hai anh em chưa từng biết nhau, cho đến khi biết đến Cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Người kết nối là cô giáo Đặng Thị Thơm - giáo viên trực tiếp hướng dẫn và cũng là mẹ của Nhật Minh.

Tôi dạy Vật lý lớp của Thắng, nhưng vì đây là lớp thiên về khối D nên số học sinh quan tâm đến môn Vật lý không nhiều. Nhưng Thắng thì khác biệt, vì dường như tiết học nào của tôi em cũng lên hỏi và thỉnh thoảng em còn chia sẻ một số đề tài mà em thực hiện. Sau này, có “duyên”, tôi là người trực tiếp hướng dẫn đề tài khoa học kỹ thuật mà em thực hiện và kết nối với Nhật Minh để có thể phát huy thế mạnh của từng cá nhân.

Cô giáo Đặng Thị Thơm - Trường THPT Lê Viết Thuật

Trước khi đồng hành với nhau trong dự án này, Mạnh Thắng là người xây dựng ý tưởng và triển khai những bước đi đầu tiên. Riêng Nhật Minh, từ ngày đầu được mẹ dẫn đến nhà anh Thắng làm quen và sau đó cả hai có một ngày cùng tham gia ngày hội “tam giác khởi nghiệp” tại Hà Nội để giới thiệu về ý tưởng thì em đã thực sự bị thuyết phục.

Ấn tượng của Minh về người anh của mình đó là rất đam mê nghiên cứu khoa học “đã làm là không quan tâm đến xung quanh”, khả năng tự học cao, kiên trì và có sự tư duy sáng tạo. Điểm yếu duy nhất của Thắng đó là “ lý thuyết”, “sắp xếp các vấn đề” lại là lợi thế của học sinh chuyên Vật lý như Minh. Nhờ có sự bổ trợ như vậy, nên chỉ sau một thời gian ngắn làm quen, cả hai bắt tay vào thực hiện dự án một cách hào hứng.

Ý tưởng triển khai đề tài được học sinh Hồ Mạnh Thắng ấp ủ trong gần 3 năm. Ảnh: Mỹ Hà

Ý tưởng triển khai đề tài được học sinh Hồ Mạnh Thắng ấp ủ trong gần 3 năm. Ảnh: Mỹ Hà

Trong quá trình đó, cô giáo Đặng Thị Thơm đóng vai trò như một “trợ lý” để lắng nghe, góp ý cho các ý kiến của học trò, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ, thảo luận về các phần thuyết thuyết trình và kết nối với một số giáo viên khác để xin tư vấn, hỗ trợ. Cô giáo Đặng Thị Thơm cũng nói rằng: Dự án “Hệ thống ngưng tụ nước bằng công nghệ bán dẫn” là một dự án hoàn toàn do học sinh thực hiện từ khi lên đề tài, xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai cho đến khi hoàn thành. Cá nhân tôi cũng bất ngờ khi đồng hành với các em…

Đưa nước ngọt về cho vùng khó

“Hệ thống ngưng tụ nước bằng công nghệ bán dẫn” là một công trình không có hình thức bắt mắt, bởi ngoài “bộ khung” được gia công ở một xưởng cơ khí gần nhà thì phần còn lại đều do Thắng và Minh tự thiết kế, thi công.

Nói về dự án này, Thắng cho biết: Khi tìm hiểu thực tế, chúng em nhận thấy việc thiếu hụt nguồn nước ngọt đang là vấn đề đáng báo động trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhất là những vùng hải đảo, vùng có nguồn nước ngầm nhiễm phèn, hay những vùng đất có thời tiết khắc nghiệt. Dự án của chúng em tập trung vào công nghệ bán dẫn, một ngành công nghiệp đang phát triển trên thế giới, giúp tối ưu hóa các hệ thống, ngày càng thu nhỏ các thiết bị điện tử để tiết kiệm năng lượng, dễ sử dụng và giúp ích cho việc tác động đến môi trường toàn cầu.

Nhật Minh và Mạnh Thắng cùng giáo viên hướng dẫn thực nghiệm công trình tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà

Nhật Minh và Mạnh Thắng cùng giáo viên hướng dẫn thực nghiệm công trình tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà

Vì nhiều lý do khách quan và để bảo mật cho cuộc thi sắp tới nên nhóm tác giả không chia sẻ nhiều về dự án của mình. Tuy nhiên, bằng một cách đơn giản, Thắng dễ dàng giúp người xem hiểu được quy trình vận hành. Trong đó, điều quan trọng nhất đó là làm sao để tận dụng hơi nước trong không khí để tạo thành nước sinh hoạt. Trong quá trình triển khai, Thắng cũng nói rằng, cả hai đã tranh luận rất nhiều bằng cách một người đưa ý tưởng, một người phản biện và bàn bạc để tìm tiếng nói chung. Ngoài ra, cả hai đọc rất nhiều tài liệu, tham khảo internet, chuyên gia, người bảo trợ…

Trước đó, nhóm tác giả cũng chia sẻ: Từ năm 2019, một nhóm sinh viên đã thực hiện đề tài này nhưng đã không thành công. Vì vậy, bước đầu triển khai, chúng em cố gắng khắc phục lỗi hạn chế mà nhóm sinh viên chưa giải quyết được. Quá trình thực hiện, chúng em cũng đã mất ít nhất 4 lần thử nghiệm mới thành công.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Nhất cho học sinh Hồ Mạnh Thắng và Nguyễn Nhân Nhật Minh. Ảnh: Mỹ Hà

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải Nhất cho học sinh Hồ Mạnh Thắng và Nguyễn Nhân Nhật Minh. Ảnh: Mỹ Hà

Tự tin nhờ nghiên cứu khoa học

Để đi đến giải Nhất cấp tỉnh, Dự án “Hệ thống ngưng tụ nước bằng công nghệ bán dẫn” cũng đã trải qua khá nhiều chông gai. Ngược xuôi và đưa dự án này đến với cuộc thi không ai khác chính là Hồ Mạnh Thắng - người xây dựng và cũng là tác giả chính thực hiện.

Trước đó, từ năm lớp 9 tại Trường THCS Lê Mao, Thắng đã từng tham gia Cuộc thi KHKT cấp thành phố và từng đạt giải Nhất. Tuy nhiên, khi lên THPT, với một cá tính khá đặc biệt và không phải là người chăm chỉ trong học tập nên Thắng không phải là cậu học trò dễ dàng tạo được niềm tin với thầy, cô giáo. Có lẽ vì thế, năm lớp 11, Thắng cũng có dự án tham dự Cuộc thi KHKT ở trường nhưng em không thành công.

Việc bàn bạc thảo luận giúp 2 em tìm được tiếng nói chung trong quá trình thực hiện. Ảnh: Mỹ Hà.

Việc bàn bạc thảo luận giúp 2 em tìm được tiếng nói chung trong quá trình thực hiện. Ảnh: Mỹ Hà.

Sang lớp 12, dù ngày nào Thắng cũng hỏi về cuộc thi này, bày tỏ mong muốn được tham gia nhưng em vẫn không tạo được sự chú ý. Người đầu tiên hiểu Thắng và luôn ủng hộ Thắng chính là cô giáo Lê Việt Hà - giáo viên chủ nhiệm Thắng ở lớp 12D.

Kể về điều này chị cho biết: Thắng rất thông minh nhưng không chăm chỉ và rất thích phản biện. Điều đó, có khi khiến thầy, cô phiền lòng. Chỉ riêng nói về việc nghiên cứu khoa học là em say mê và nói hoài không chán. Để thuyết phục thầy, cô tin vào dự án của mình, Thắng cho biết, em bắt đầu tìm hiểu từ đầu năm lớp 10 và đã có 3 năm chuẩn bị. Khát khao lớn nhất của em là được tham dự Cuộc thi KHKT.

Góc cầu thang nhỏ của gia đình là nơi để Mạnh Thắng thực hiện các ý tưởng nghiên cứu. Ảnh: Mỹ Hà

Góc cầu thang nhỏ của gia đình là nơi để Mạnh Thắng thực hiện các ý tưởng nghiên cứu. Ảnh: Mỹ Hà

Tình yêu nghiên cứu khoa học của Thắng không phải ngày một, ngày hai mà đã được nhen nhóm từ nhỏ. Chứng kiến quá trình này của cậu con trai út, bố của Thắng không ít lần phiền lòng bởi từ bé “đồ chơi mua về là Thắng tháo nhỏ ra để nghiên cứu. Máy tính của bố, nồi cơm điện của mẹ, “hở ra” là Thắng lại mày mò, có khi làm hư hỏng. Đến hết năm lớp 9, để có những sản phẩm riêng cho mình, Thắng đã làm hư ít nhất 5 cái ti vi. Ngay cả bây giờ, nhiều khi ngồi trong nhà nhưng bố mẹ vẫn lo lắng vì thỉnh thoảng Thắng lại mua một ít hóa chất về để chế tạo”.

Sau này, từ phản đối, gia đình Thắng chuyển sang đồng tình, ủng hộ và chấp nhận cả sự khác biệt của cậu con trai út. Có sự đồng hành của gia đình, Thắng được tạo điều kiện để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Trong quá trình thực hiện các dự án, bố em cũng cùng thảo luận và góp ý và sẵn sàng dành thời gian để đưa các con đi thực tế, thực nghiệm và hỗ trợ cả về kinh phí.

Vì yêu thích công việc này nên Thắng xem và nghiên cứu rất nhiều các tài liệu trên mạng. Cậu bé có một biệt tài đó là có thể không thuộc lý thuyết trên lớp, ngữ pháp Tiếng Anh không giỏi nhưng có thể lắp ráp, hoàn thiện các mạch điện, tự sửa chữa đồ điện gia dụng trong nhà như một thợ lành nghề. Riêng Tiếng Anh, nhờ “nghiên cứu” đến nỗi học thuộc rất nhiều clip nước ngoài mà nay Thắng có thể nghe, nói Tiếng Anh thành thạo, có thể tự thuyết trình bằng Tiếng Anh.

Cô giáo Đặng Thị Thơm và học trò. Ảnh: NVCC

Cô giáo Đặng Thị Thơm và học trò. Ảnh: NVCC

Biết được điểm yếu của mình nên Hồ Mạnh Thắng đánh giá rất cao người cộng sự - Nguyễn Nhân Nhật Minh.

Nói thêm về điều này, Thắng thú nhận: Em không giỏi tìm kiếm thông tin về lý thuyết, em nói hay sai các thông số về nhiệt độ, công thức vật lý, em ăn nói cũng không khéo nên Nhật Minh đã giúp em hệ thống kiến thức, soạn thảo văn bản và hỗ trợ phần thuyết trình. Nhật Minh cũng là người rất thông minh, em ấy có thể biết đến nghiên cứu khoa học muộn hơn nhưng em ấy có thể vận dụng lý thuyết, tính toán rất tốt và tiếp cận nhanh với dự án…

Em nghĩ rằng, công phần lớn thuộc về dự án là thuộc về anh Mạnh Thắng và em tự hào vì được đồng hành cùng anh trong dự án này.

Đối với em, việc dự án đạt giải Nhất đã đem đến niềm vui nhưng đó không phải là tất cả. Quá trình tham gia dự án, em biết được có thời điểm anh Thắng khá tự ti vì từng bị bạn bè trêu đùa hoặc không phải ai cũng tin vào anh ấy.

Chính em ngày trước cũng vậy và sau này khi dự án được Ban Giám khảo trao giải Nhất đã giúp anh Thắng vượt qua được sự tự ti đó. Em vui, vì đã giúp anh tự tin, vượt lên chính mình.

Nguyễn Nhân Nhật Minh

Với khát khao chinh phục Cuộc thi khoa học kỹ thuật, Hồ Mạnh Thắng và Nhật Minh đã thành công và tháng 3 này dự án của các em vinh dự được chọn tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia tại tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là dự án duy nhất của bậc THPT được đến với cuộc thi trong năm học 2022 - 2023./.

Tin mới