Đường đến trường nhọc nhằn của nam sinh 11 tuổi mới vào lớp 1

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - 11 tuổi vào lớp 1 và đến nay 16 tuổi, Nguyễn Văn Tú mới vào lớp 6, chậm hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Hành trình đến trường của Tú dẫu gặp rất nhiều khó khăn nhưng em chưa bao giờ nguôi hy vọng về ngày mai tươi sáng.

Học sinh nhiều tuổi nhất trường

5 năm trước, Nguyễn Văn Tú ở khối Tân Hòa, phường Vinh Tân (thành phố Vinh) là một học sinh đặc biệt của Trường Tiểu học Vinh Tân, bởi 11 tuổi em mới chính thức vào lớp 1. Nhớ lại thời điểm đó, cô giáo Nguyễn Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tú được mẹ nuôi đưa đến trường và xin vào học lớp 1. Cháu chưa biết chữ, mẹ của cháu cũng không đọc, không viết được nên gửi gắm vào nhà trường vì không muốn Tú cũng thất học như mình. Vì hoàn cảnh khó khăn nên mẹ Tú bảo cho cháu đi học một buổi, một buổi có thể cháu phải nghỉ để đi làm…”.

Nguyễn Văn Tú và những tấm giấy khen em nhận được trong những năm học tiểu học tại Trường Tiểu học Vinh Tân. Ảnh: Mỹ Hà

Nguyễn Văn Tú và những tấm giấy khen em nhận được trong những năm học tiểu học tại Trường Tiểu học Vinh Tân. Ảnh: Mỹ Hà

Ngày mới vào lớp 1, Tú nhỏ con, đen nhẻm nên dù đứng với các em thua mình 4, 5 tuổi, nhưng trông Tú không có quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, suy nghĩ và hành động của Tú thì khác, bởi em luôn mang trong mình những mặc cảm riêng. Kể thêm về Tú, cô giáo Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Tú bắt đầu học lớp 1 mà không cần cô giáo kèm cặp thêm vì em có thể tự học và tiếp thu bài tốt. Nhưng vì lớn tuổi hơn nên thời gian đầu Tú khá nghịch ngợm và ít nhiều khiến thầy, cô đau đầu. Biết hoàn cảnh của Tú, tôi thường động viên, nhiều khi còn gặp riêng để chia sẻ và khích lệ em. Có lần Tú ngồi nghe cô giáo tâm sự mà nước mắt của em chảy dài. Thương Tú nên 5 năm học ở Trường Tiểu học Vinh Tân, trường miễn tất cả các khoản đóng góp và thường có thêm quà động viên vào những dịp lễ, Tết hoặc tổng kết cuối năm học”.

Khi tôi bắt đầu chủ nhiệm lớp của Tú, tôi đã đặc biệt chú ý đến học sinh “nhiều tuổi nhất lớp”. Trong quá trình dạy học, tôi cũng biết đến hoàn cảnh của Tú và rất thương em. Tú học 2 buổi/ngày nhưng chưa bao giờ ăn bán trú ở trường. Học xong buổi sáng, em thường về nhà bảo để “nấu ăn cho hai bà cháu”.

Rất nhiều lần, tôi bảo cháu lấy thức ăn ở trường về để hai bà cháu đỡ vất vả nhưng lần nào em cũng từ chối bảo cháu tự lo được. Sau này, nhờ sự chỉ bảo của thầy, cô, Tú tự giác, chăm chỉ và học tiến bộ hơn rất nhiều. Cuối năm lớp 5, cháu hoàn thành các môn học và được nhà trường tặng Giấy khen vì “có nhiều tiến bộ trong học tập”.

Cô giáo Nguyễn Thị Vinh – chủ nhiệm lớp 5 của Tú

Mẹ bỏ đi từ khi Tú 2 tuổi, em chỉ nhớ, từ khi sinh ra đã sống với bà ngoại tại một căn nhà trọ tồi tàn sát chợ Vinh. Hoàn cảnh của bà ngoại Tú vô cùng éo le, bà bị mờ 2 mắt, không biết gia đình ở đâu, từ nhỏ đã lưu lạc đến đây làm ăn sinh sống. Ở tuổi 83, đã gần đất xa trời nhưng bà vẫn chưa một ngày được yên lòng vì còn phải lo cho cháu, cho gia đình. Lúc còn có sức, bà cháu sống bằng nghề hát rong. Sau này khi đã nhiều tuổi, bà sống bằng nghề đi bán hàng rong với gánh hàng chỉ có vài vật dụng đơn giản như que tăm, cây bút.

Bà cũng biết, mấy món hàng của bà bán chẳng ai mua: “Có chăng, người ta thương tôi rồi mua hàng để cho thêm bà cháu đôi đồng, rau cháo nuôi nhau”.

Tú bên người mẹ nuôi của mình. Những năm qua, dẫu khó khăn nhưng mẹ nuôi vẫn luôn động viên Tú đi học để không bị thất học như mẹ, như bà. Ảnh: Mỹ Hà

Tú bên người mẹ nuôi của mình. Những năm qua, dẫu khó khăn nhưng mẹ nuôi vẫn luôn động viên Tú đi học để không bị thất học như mẹ, như bà. Ảnh: Mỹ Hà

Vì hoàn cảnh đặc biệt nên trước 11 tuổi, Tú không có giấy khai sinh và em chưa một lần đến trường. Cậu bé có lẽ sẽ lớn lên trong hoàn cảnh mịt mù như vậy nếu không gặp được “mẹ nuôi” của mình - chị Nguyễn Thị Nguyệt. Chị thuê cùng dãy trọ với bà cháu Nguyễn Văn Tú và biết được hoàn cảnh của gia đình, thương bà cháu côi cút, chị bàn với bà xin cho Tú đi học lớp 1 và cũng là người làm giấy khai sinh cho Tú. Chị nhận Tú làm con nuôi và từ đó, Tú gọi chị là mẹ.

Nuôi giấc mơ đi học

Cuối tháng 5/2022, Tú hoàn thành chương trình tiểu học. Vừa nghỉ hè, Tú đã xin mẹ và bà đi làm ở Thanh Hóa vì có người quen làm nghề xây dựng (chủ yếu là làm sơn và trần nhà). Lần đầu đi làm, công việc khá vất vả nhưng Tú mừng lắm vì em được bao ăn ở và còn được trả lương. Gần cuối tháng 8, mẹ nuôi của Tú gọi điện muốn Tú về nhà để chuẩn bị vào học lớp 6.

Nhận được điện thoại của mẹ, ban đầu Tú tần ngần vì điều em lo ngại nhất là em đã lớn tuổi, “đi học sợ bạn cười”. Hơn nữa, sau hơn 1 tháng đi làm, được trả lương, Tú muốn tiếp tục kiếm tiền lo cho bà. Để khích lệ cháu đến trường, bà của Tú phải an ủi cháu, mẹ nuôi cũng động viên Tú đi học tiếp để sau này còn học nghề, có việc làm ổn định. Tháng lương đầu tiên, Tú gửi gần hết cho mẹ nuôi và bà. Còn lại một ít, Tú mua vài món quà nhỏ rồi nhờ mẹ nuôi chở sang trường tiểu học để gặp cô giáo hiệu trưởng, thầy Tổng phụ trách Đội của trường và các thầy, cô của trường để cảm ơn.

Có tháng lương đầu tiên, học sinh Nguyễn Văn Tú đến cảm ơn các thầy cô giáo cũ ở Trường Tiểu học Vinh Tân. Ảnh: NTCC

Có tháng lương đầu tiên, học sinh Nguyễn Văn Tú đến cảm ơn các thầy cô giáo cũ ở Trường Tiểu học Vinh Tân. Ảnh: NTCC

Gặp cô, gặp thầy, được thầy cô khuyến khích, Tú quyết định đi học trở lại và nhập học tại Trường THCS Vinh Tân. Trước ngày khai giảng, dù không biết chữ nhưng mẹ nuôi của Tú đã nhờ người quen mua đủ sách, vở cho Tú đến trường. Vượt qua những trở ngại ban đầu, Tú cũng đã đặt quyết tâm ít nhất phải học cho xong lớp 9 dù phía trước còn rất nhiều khó khăn.

Cố gắng để Tú không phải bỏ học giữa chừng nhưng cho đến nay, bà và mẹ nuôi của em vẫn còn rất nhiều trăn trở, bởi cuộc sống của gia đình 4 miệng ăn vẫn còn những khó khăn chồng chất. Hiện gia đình Tú vẫn đang phải ở trong một căn phòng trọ cũ ở số nhà 17, ngõ 1, đường Ngô Thúc Tự, phường Vinh Tân, và nhiều năm nay vẫn thuộc thành phần “tạm trú”. Trong 4 người, chỉ có Tú và con của mẹ nuôi là biết chữ, còn lại đều không biết đọc, biết viết.

Hoàn cảnh của mẹ nuôi Tú cũng thật éo le, bởi chị lớn lên ở xóm vạn chài Vinh Tân và không có người thân. Ngày còn nhỏ, chị sống nhờ sự cưu mang của một gia đình nghèo lênh đênh trên sông nước. Sau này, ông bà qua đời, chị lưu lạc một mình. Ở tuổi gần 50, giờ chị có thêm một đứa con gái nhỏ (năm nay học lớp 4) và sống bằng nghề “đào giun bán lấy tiền mưu sinh”.

Mẹ nuôi và bà ngoại của Nguyễn Văn Tú. Sau nhiều năm chờ đợi, mẹ của Tú vui mừng vì đã có giấy hẹn để hoàn thành việc nhập hộ khẩu. Ảnh: Mỹ Hà
Mẹ nuôi và bà ngoại của Nguyễn Văn Tú. Sau nhiều năm chờ đợi, mẹ của Tú vui mừng vì đã có giấy hẹn để hoàn thành việc nhập hộ khẩu. Ảnh: Mỹ Hà

Vì thu nhập của mẹ nuôi Tú và bà đều “bữa có, bữa không” nên cả hai thống nhất cùng góp tiền trả tiền trọ, tiền điện nước và tiền cơm cháo hàng ngày. Ước mơ nhiều năm qua của cả nhà là có hộ khẩu ở phường Vinh Tân để được hưởng chế độ hộ nghèo như bảo hiểm y tế, hỗ trợ cho người cao tuổi hoặc miễn tiền học phí.

Cuối tháng 8 vừa rồi, sau nhiều lần nỗ lực, chị Nguyệt đã được tạo điều kiện làm hộ khẩu và làm thẻ căn cước công dân. Chị cũng hy vọng sau chị, các con và bà của Tú sẽ được nhập khẩu để sớm ổn định cuộc sống. Những năm qua, gia đình của Tú sống trong sự cưu mang của nhiều người, đặc biệt là ông bà chủ trọ. Thậm chí, biết gia đình Tú không có hộ khẩu, chủ trọ còn sẵn sàng cho mẹ nuôi Tú mượn hộ khẩu để mua trả góp đồ dùng trong gia đình. Hai năm dịch Covid-19, cả nhà không đi làm, không có thu nhập, chủ trọ còn miễn phí tiền thuê nhà trong nhiều tháng.

Góc học tập của Tú trong căn phòng trọ. Ảnh: Mỹ hà
Góc học tập của Tú trong căn phòng trọ. Ảnh: Mỹ hà

Với hoàn cảnh khó khăn hiện nay, gia đình mong Tú sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ khi trở lại trường học. Đó cũng là nguồn động viên khích lệ để em vững tin trong chặng đường tương lai và viết tiếp ước mơ tới trường.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

+ Em Nguyễn Văn Tú, số nhà 17, ngõ 1B, đường Nguyễn Thúc Tự, khối Tân Hòa, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An.

+ Chị Nguyễn Thị Nguyệt (mẹ nuôi của Nguyễn Văn Tú): 0868.004.754

Tin mới