Đường sắt xin vay hơn 4.600 tỷ đồng đầu tư đầu máy mới

Ngành đường sắt với những toa tàu, đầu máy tuổi thọ trung bình khoảng 30 năm đang là một trong những nguyên nhân kéo lùi sự tăng trưởng của hình thức vận tải này. Vì thế, việc thay thế những đầu máy già cỗi đang là nhu cầu cấp thiết của ngành đường sắt. 

Báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện VNR có 294 đầu máy với 11 chủng loại, tuổi đời trung bình của các đầu máy trên 30 năm; gần 1.000 toa xe hành khách, 5.000 toa xe hàng hóa và trung bình tuổi thọ các toa tàu cũng khoảng 30 năm.

Về chất lượng toa tàu khách, hiện có 994 toa tàu khách, trừ toa mới đóng xong còn toa gần nhất cũng 14 năm và thường tuổi thọ các toa là 30 năm.

“VNR đặt ra mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa xe cũ, đóng toa mới. VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới bởi hiện nay có những đầu máy chi phí chênh lệch nhiên liệu trong khoảng 5 năm thì đủ mua một đầu máy khác. Chúng tôi sẽ mua 50 đầu máy và tự đóng mới 50 đầu máy còn lại. Đây cũng là điều kiện cho cơ khí đường sắt phát triển, dự kiến năm nay cơ khí đường sắt sẽ tăng 300-400% khối lượng công việc vì trước đây chúng ta chỉ đi nhập toa tàu, không đóng mới” - ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty VNR cho biết.

Trước tình hình trên, ông Minh thông tin, VNR vừa kiến nghị lên Bộ GTVT đề xuất về phương án đầu tư, vay vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 4.658,8 tỷ đồng.

Ngành đường sắt với những toa tàu tuổi thọ trên 30 năm
Ngành đường sắt với những toa tàu tuổi thọ trên 30 năm.

Luật Đường sắt thay thế Luật Đường sắt 2005 sẽ quy định niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe. VNR dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ thay thế dần các chủng loại đầu máy, toa xe lạc hậu kỹ thuật, công suất nhỏ để giảm chi phí giá thành bằng toa xe khách được sản xuất bằng công nghệ mới hiện đại của các nước công nghiệp phát triển vào khai thác và vận dụng trên các tuyến đường sắt tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác.

Cụ thể, VNR sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển container (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/giờ (550 tỷ đồng).

Trong đó, vốn đối ứng của Tổng công ty và các Công ty cổ phân vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn là 1.397,64 tỷ đồng (chiếm 30%), số tiền còn lại 3.261,16 tỷ đồng (chiếm 70%) là vốn vay ngân hàng.

Về việc đề nghị vay vốn của Ngân hàng VDB, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay.

Đáng nói, hiện điều cản trở khiến VNR khó tiếp cận nguồn vốn chính là các dự án của Tổng công ty không thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 5, 6 của Luật Đường sắt sửa đổi năm 2017, Tổng công ty Đường sắt sẽ được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc cấp bảo lãnh của Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật đến ngày 1/7/2018 Luật Đường sắt mới có hiệu lực.

Để đáp ứng kịp thời việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như ngành đường sắt, VNR đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bên cạnh đó, phía VNR cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các thủ tục vay vốn nếu được Chính phủ chấp thuận, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo đúng quy định của hợp đồng vay vốn.

Trước đó, ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1254 phê duyệt điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Tổng công ty ĐSVN. Theo đó, Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2017-2019 điều chỉnh tăng vốn điều lệ tổng công ty từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng (tăng 982 tỷ đồng).

Khi được hỏi về việc VNR sẽ sử dụng tiền từ việc tăng vốn điều lệ này như thế nào, ông Vũ Anh Minh cho biết, về bản chất, tăng vốn này là tăng quy mô của vốn chủ sở hữu hay quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp, tăng tương ứng hơn 40%. Tăng quy mô về vốn sẽ tăng các hệ số an toàn về tài chính cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là tạo cơ hội cho Tổng công ty ĐSVN có thể tiếp cận các nguồn vốn tốt hơn, để sử dụng các công cụ, đòn bẩy tài chính cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ, với vốn điều lệ 2.268 tỷ đồng, theo quy định tổng nợ phải trả tối đa sẽ gấp 3 lần vốn, như vậy khả năng vay và huy động vốn cùng các khoản nợ khác tối đa chỉ được gần 7.000 tỷ đồng. Nhưng với vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, con số này lên tới 9.700 tỷ đồng.

“Khi chỉ số tài chính đẹp hơn, tổ chức tín dụng cảm thấy an toàn hơn khi cho doanh nghiệp vay vốn nên tổng công ty sẽ vay được vốn tốt hơn. Mặt khác, hoạt động tài chính của tổng công ty cũng an toàn hơn”, ông Vũ Anh Minh cho hay. 

Theo Báo Chính phủ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới