Đường Trường Sơn sáu mươi năm trước

Năm nay, cả nước kỷ niệm 50 năm (1959-2009) đường mòn Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh. Tròn nửa thế kỷ nơi đây biết bao tướng lĩnh, sĩ quan, quân dân ta đã vượt qua muôn ngàn gian khổ- đã ghi cả một kho lịch sử bằng vàng. Tôi không được vinh dự cùng đồng đội hành quân chiến đấu trên con đường chống Mỹ thuở ấy, nhưng thật may mắn, tôi là anh Vệ quốc quân đã từng nếm trải những gian lao vất vả trên đường mòn Trường Sơn từ những năm chống Pháp...

Ấy là đầu năm 1950 (Canh Dần), rời Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, tôi được chọn đi học lớp văn hoá kháng chiến tại Bạch Ngọc (Đô Lương). Lớp học do nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng giảng dạy như Nguyễn Tuân, Đào Mộng Long, Trúc Quỳnh, Hoàng Tích Linh, Chu Ngọc... Sau khoá học, một số chúng tôi được thành lập Đoàn văn công Bình -Trị - Thiên do nhà soạn kịch Bửu Tiến làm trưởng đoàn. Đoàn gồm hơn hai chục người.

Một số là bạn Thiếu sinh quân như Đình Lạng, Danh Huế, Vũ Bằng, Phạm Ngọc Cảnh (sau ở Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, trở thành nhà thơ), Phùng Quán (sau trở thành nhà thơ). Có một số anh chị lớn tuổi như anh Cao Xuân Hạo (sau này là giáo sư), chị Tân Nhân (sau này là ca sĩ), còn lại toàn là thanh niên học sinh Nghệ-Tĩnh mới tuyển. Đoàn chúng tôi đóng quân ở Châu Phong (Đức Thọ- Hà Tĩnh) để dàn dựng tiết mục. Sau một tháng, đoàn đã hoàn thành tiết mục chủ công là Vở kịch "Trên nớ" do Bửu Tiến biên soạn và đạo diễn. Vở kịch kể chuyện vỡ mặt trận Huế, cụ Ưng Uý- một hoàng thân có uy tín đã rời bỏ gia đình và hoàng cung lên chiến khu (trên nớ) để cùng toàn dân đánh giặc. Ông Bửu Tiến trực tiếp đóng vai cụ Ưng Uý- nhân vật chính- rất thành công. Sau một đêm công diễn phục vụ đồng bào Đức Thọ, đoàn chúng tôi lên đường vào Bình-Trị-Thiên khói lửa.


Vượt qua Đèo Ngang sang đất Quảng Bình. Ngày nghỉ, đêm hành quân. Hồi này, hầu hết tỉnh Quảng Bình đã bị giặc Pháp chiếm, nhưng ta và địch trong thế cài răng lược hoặc ngày thì tề nguỵ đêm thì Việt Minh. Chúng tôi qua Ròn, lên Minh Cầm và thực sự bắt đầu băng rừng vượt suối. Đi trắng đêm, độ sáu bảy chục cây số, lại gặp một binh trạm, nơi đón tiếp khách ra vào.

Đi ra thì ít, nhưng đi vào thì đông. Góp thành đoàn, anh em giao liên lại dẫn chúng tôi đến binh trạm khác. Chúng tôi theo lối mòn vượt những cánh rừng rậm, lại qua những trảng cỏ lau lút người, lại qua cánh rừng rậm khác. Đi rừng ngại nhất là cái nạn... vắt. Những con vắt vừa nhỏ vừa dài như con đỉa mén quê nhà, chúng đậu vắt vẻo trên cành cây, hễ người đi qua là nhảy bắn vào người. Nhất là vào tai vào cổ. Hắn hút máu no tròn rồi lăn xuống cạp quần. Thấy ngứa ngáy, thò tay bốc vứt đi. Thật kinh khủng! Chuyến đi rừng năm ấy, tôi nhớ nhất hai kỷ niệm.


Hôm trước vượt dốc Ba Rền mệt lử, vài hôm sau lại phổ biến là chuẩn bị vượt dốc U Bò. Không biết nó cao bao nhiêu, nhưng nhìn chỉ thấy mịt mù những cây xanh đại ngàn. Cả đoàn chúng tôi phải dừng chân dưới dốc chuẩn bị cơm nắm, nước uống, gậy gộc.

Chiều tối bắt đầu đi lên. Những lối mòn ngoằn nghèo. Nhiều đoạn phải vạch lá vạch cây mà đi. Có đoạn dốc thẳng đứng, trán người sau chạm chân người trước. Hơi thở ra cả đằng mồm đằng tai, nhưng ai cũng cứ đi, không thể dừng được. Cứ thế cho đến sáng hôm sau mới xuống đến chân dốc, mới gặp lối mòn uốn mình giữa bãi cỏ lau.


Lần ấy, chúng tôi đến vùng đất Cùa ở Quảng Trị, một vùng rừng núi hoang vu. Ở binh trạm, người ta cho biết ở đây có con hổ cụt chân dữ lắm. Nghe đâu do một lần bị bắn gãy chân con vật càng hung hăng chuyên rình vồ người đi rừng. Theo kinh nghiệm, cầm gậy nứa, bám sát bên nhau, giơ cao ngọn đuốc lửa cháy rùng rùng thì cọp nào cũng sợ.

Theo giao liên dẫn đường, đoàn chúng tôi (có thêm một số bộ đội chủ lực ) vừa đi vừa thấp thỏm. Cả đoàn lửa đuốc sáng rực cả một góc rừng, những ngọn nứa nhô lên, nhô lên tua tủa. Chưa có sự cố gì. Không khí căng thẳng khó tả. Tôi bám chặt người đi trước, vừa đi vừa cầu trời khấn Phật. Bỗng "rầm", "rào rào" và tiếng la thét nổi lên. Con cọp đã nhào vào đoàn và tha mất một anh lính chủ lực. Đau xót quá! Đúng là con cọp rừng Cùa.


Đoàn quân chúng tôi cũng vào được chiến khu ba lòng, rồi chiến khu Hoà Mỹ và xuống vùng duyên hải Bắc Thừa Thiên.


Bắt đầu những đêm diễn ở vùng du kích. Trong đoàn có một chú tên là Cháu, khoẻ,lại vui tính như trẻ nhỏ. Chú vừa là anh nuôi ngày hai bữa lo cơm nước cho đoàn, vừa lo dựng rạp, phông màn và ánh sáng. Ngày đó, làm gì có đèn măng sông (tất nhiên không có điện), làm gì có loa đài tăng âm. Anh em phải tập nói to, rõ tiếng, giọng tự nhiên lại vang rền. Bà con xa gần báo nhau đến xem "văn công". Anh Cao Xuân Hạo cầm đàn ghi ta đánh nhịp cho dàn hợp xướng. Anh Danh Huế ôm ác- cooc đệm giọng cho chị Tân Nhân ca. Rồi đến vở kịch dài, bà con im lặng dõi theo.

Cảm động nhất là cảnh cụ Ưng Uý mở chiếc lồng sơn son thiếp vàng, bắt con chim vàng anh cụ rất quý, thả cho nó tự do bay về rừng, để rồi cụ rời cảnh giàu sang đi lên "'trên nớ " (chiến khu) theo tiếng gọi Cụ Hồ, một lòng đánh Tây cứu nước. Khán giả vỗ tay, reo lên. Diễn xong, dỡ rạp, đoàn chúng tôi lại hành quân sang ngủ lại ở một làng cách đó chừng ba bốn cây số. Vùng này ven biển, đồng bào vừa làm ngư, làm nông. Chỉ những lúc giặc Pháp nống ra càn quét, làng xóm mới nhao nhác tan hoang. Nhưng hết giặc càn, du kích cùng bà con thu dọn, cuộc sống lại bình yên trở lại...


 
Sau lần ta thắng lớn ở trận Thanh Hương( tháng 6 năm 1950), tôi rời đoàn, được điều lên Chiến khu công tác ở Ban Tuyên huấn Trung đoàn 95. Sang đầu năm 1951, tôi bị sốt rét nặng phải đi điều trị ở bệnh xá Phân Khu. Bệnh sốt rét đã qua nhưng sức khoẻ tôi sụt hẳn. Người gầy, da vàng, tóc rụng gần hết, mắt bên trái hỏng hẳn.

Trung đoàn cấp giấy cho tôi giải ngũ, thành một bệnh binh trở về quê. Khi đi, tuổi 16, có đội, có đoàn, vượt rừng qua suối, hồ hởi tuổi xuân. Bây giờ về một mình, một ba lô lép kẹp vài bộ quần áo, một bao gạo thắt lưng, một chiếc gậy tre rừng. Vẫn theo lối mòn xưa, hết binh trạm này đến binh trạm khác, khi thì nhập vào đoàn này khi thì nhập vào đoàn khác. Vượt đường 9, qua Đèo Ngang, về Hương Sơn, Hương Khê rồi qua Thanh Chương. Đúng một tháng đườngtrường, tháng 8- 1951, tôi về đến thị trấn Đô Lương, cách quê nhà 26 cây số.


 
Con đường mòn Trường Sơn năm xưa tôi đã đi, con đường đón những đoàn quân dân đi vào Bình-Trị-Thiên, lên Tây Nguyên, xuống Khu 5 vào Nam Bộ. Con đường tiễn những đoàn cán bộ quân dân ra Thanh-Nghệ-Tĩnh tự do, ra Việt Bắc "thủ đô gió ngàn", có lẽ là tiền thân con đường mòn Hồ Chí Minh sau này (từ năm 1959). Rồi con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số... Chỉ có thời đại Hồ chí Minh, mới có những con đường huyền thoại như thế!

Trần Hữu Dinh

Tin mới