Ế ẩm chợ truyền thống

(Baonghean.vn) - Dịp xả hàng cuối năm, nhiều cửa hàng ở TP. Vinh đua nhau giảm giá, bên cạnh đó xu hướng mua sắm online khiến tiểu thương ở các chợ lo lắng vì hàng hóa ế ẩm..

Một thực tế dễ nhận thấy khi vào chợ truyền thống hiện nay là khách thưa thớt, hàng hóa ế ẩm. Tuy vào mùa đông nhưng ở nhiều chợ tiểu thương ngồi bó gối đợi thượng đế. Chỉ cần thấy một khách nào là quầy này quầy kia mời chào đon đả trong khi chưa hẳn khách đã có nhu cầu mua mà chỉ đi qua thôi.  

Đợt giảm giá lớn nhất của Black Friday vừa qua và các đợt giảm giá thanh lý hàng cuối mùa càng làm cho các chợ ế ẩm do lượng khách lớn đã đổ xô đi săn các hàng hóa giảm giá của các thương  hiệu lớn.

Nhiều hàng giày dép ế ẩm. Ảnh: Thanh Tâm
Nhiều hàng giày dép, túi xách ế ẩm ở chợ Ga Vinh. Ảnh: Thanh Tâm

Chị Nguyễn Thị Dung - hộ kinh doanh quần áo ở tầng 2 chợ Ga Vinh đã nhiều năm nay, cho biết: “Kinh doanh ở chợ lượng bán ra ít, chủ yếu là khách bình dân, hàng bán đến đâu nhập vào đến đó, mỗi sản phẩm chỉ lãi 20-30 ngàn đồng, chúng tôi cũng biết đang có đợt giảm giá lớn, nên không hy vọng vào những ngày này nhưng cũng mong chờ vào khách hàng thu nhập bình dân. Nói thế chứ hàng giảm giá ở các quầy ốt ngoài kia cũng đắt bằng mấy lần sản phẩm chúng tôi bán".

Cùng kinh doanh ở tầng 2 chợ Ga Vinh, anh Trần Văn Sỹ - chủ cửa hàng kinh doanh quần áo nam cho biết: Mấy ngày nay một số cửa hàng thời trang thực hiện tuần lễ giảm giá hưởng ứng Black Friday nên khách hàng là thanh niên đến chợ mua đồ giảm hẳn. Hơn nữa, hiện nay khách hàng cũng đã mua bán qua mạng nên chúng tôi chưa biết xoay xở ra sao.

Chị Nga - chủ một cửa hàng kinh doanh dày dép ở chợ Quang Trung cho biết: “Ngồi cả buổi sáng nhưng mới chỉ bán được vài ba đôi giày. Bây giờ buôn bán ở chợ khó khăn lắm, hàng hóa ẩm, rất ít người đi chợ mua đồ vì họ thường ngồi ở nhà mua online hoặc ghé các shop trên các tuyến đường cho tiện. Chúng tôi rất lo lắng vì mình bán ở chợ mất tiền ốt, tiền thuế… khó cạnh tranh được với hàng online”. 

Tuy nhiên, ông Hiển - 50 tuổi ở phường Đông Vinh đến mua quần áo, cho biết: “Tôi vẫn thường vào chợ Ga mua quần áo vì tôi thấy ở đây giá cả hợp lý. Một chiếc quần ka-ki  chỉ 200-300 ngàn đồng; trong khi vào các shop quần áo trên phố ngày thường thấy niêm yết giá 700-800 ngàn đồng, nếu có giảm giá thì vẫn đắt hơn ở chợ nhiều mà không biết chất lượng có tốt hơn hay không. Tốt hơn hết là đến chỗ quen ở chợ mua cho tiện.”

Ngày cuối tuần nhưng chợ ga Vinh thưa thớt khách do ảnh hưởng của đợt giảm giá Black Friday. Ảnh: Thanh Tâm
Ngày cuối tuần nhưng  các chợ thưa thớt khách. Ảnh: Thanh Tâm

Ngoài ra, cũng cần nói rằng, khách hàng quay lưng với chợ là do cung cách bán hàng của tiểu thương. Việc niêm yết giá không rõ ràng, nói thách vô tội vạ “nói cả, trả nửa”, chèo kéo, bắt chẹt, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm phổ biến ở một số chợ khiến không ít người ngại vào mua hàng chợ.

Thêm nữa giá ki-ốt cao, thuế phí liên tục tăng là một thách thức đối với chợ truyền thống khi giá sản phẩm phải cộng vào các chi phí đó. Trong khi hàng bán qua mạng không phải nộp thuế, lại lấy từ gốc. 

Từ xu hướng mua hàng của khách thì tiểu thương các chợ truyền thống cũng cần đổi mới phương pháp bán hàng, có giải pháp thu hút khách về với mình đúng phương châm" khách hàng là thượng đế". 

 Thanh Tâm

TIN LIÊN QUAN

Tin mới