EC kêu gọi ‘Kế hoạch Marshall’ cho châu Âu, Tây Ban Nha muốn ‘nền kinh tế thời chiến’

(Baonghean.vn) - Người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây đã hối thúc các khoản đầu tư lớn vào ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh khủng hoảng do virus Corona. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng bày tỏ mong muốn có một “nền kinh tế thời chiến” theo sau đó là một chương trình phục hồi.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Theo DW, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã kêu gọi các quốc gia EU đầu tư hàng tỷ euro vào ngân sách của khối nước này nhằm ngăn chặn những hậu quả kinh tế thảm khốc từ cuộc khủng hoảng hiện nay do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra.

“Chúng ta hiện cần một Kế hoạch Marshall dành cho châu Âu”, bà viết trong một bài báo trên tờ Welt am Sonntag, đề cập đến kế hoạch phục hồi được Mỹ đưa ra trong giai đoạn 1948 - 1952 nhằm giúp các nền kinh tế Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bài khẳng định rằng ngân sách của EU được toàn bộ các quốc gia thành viên chấp thuận là một công cụ san bằng những sự bất bình đẳng theo tinh thần đoàn kết và hiện cần phải được điều chỉnh để ứng phó với cuộc khủng hoảng.

“Nhiều tỷ euro hiện cần phải được đầu tư để chuyển hướng một thảm kịch khủng khiếp hơn sẽ giúp gắn kết các thế hệ lại với nhau”, bà viết, gọi cuộc khủng hoảng đang xảy ra là cơ hội để làm mới ý thức cộng đồng giữa các quốc gia của châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đưa ra một lời kêu gọi tương tự về “Kế hoạch Marshall” trong một bài viết đăng trên một tờ báo khác của Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung. Ông cũng thúc giục châu Âu thiết lập các biện pháp kinh tế tức thời như thể đang trong một cuộc chiến.

“Châu Âu cần phải thiết lập một nền kinh tế thời chiến và áp dụng các biện pháp bảo vệ, tái thiết và phục hồi kinh tế của châu Âu”, Sanchez viết, khẳng định điều này cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm bù đắp các khoản nợ mà nhiều quốc gia đang chồng chất trong đại dịch do virus Corona.

Ông cũng viết: “Nếu virus không cần biết đến các đường biên giới, thì các cơ chế tài chính cũng không được làm vậy”. Nhà lãnh đạo này khẳng định hành động quyết đoán, tham vọng có thể biến cuộc khủng hoảng thành một “cơ hội để tái thiết một EU mạnh mẽ hơn nhiều”.

EU hiện đang mải mê tranh luận cách thức giải quyết gánh nặng nợ nần giữa các quốc gia thành viên. Bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro dự kiến sẽ bàn thảo về các vấn đề tài chính của khối nước này trong bối cảnh khủng hoảng do Covid-19 vào ngày 7/4 tới.

Tin mới