Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2018), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Công Anh – Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xung quanh vấn đề xây dựng Đảng hiện nay.

PV: Trong chặng đường 88 năm xây dựng, trưởng thành, bên cạnh những thành tựu, Đảng ta cũng đang đối diện với những khó khăn, thách thức. Theo đồng chí đó là những vấn đề gì?

Đồng chí Trương Công Anh: Ngày 3/2 này, Đảng ta tròn 88 tuổi và năm 2017 vừa qua cũng tròn 90 năm ra đời tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Ngay trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nêu mối quan hệ cách mạng và Đảng; cách mạng trước hết phải có Đảng, Đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Đây chính là quan điểm đầu tiên và xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trước khi đi xa, trong Di chúc, điều đầu tiên Người căn dặn trước hết về Đảng và đầu tiên là xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “... Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền, trước hết đó là sự đoàn kết trong Đảng, đoàn thể dân tộc, đoàn kết quốc tế; giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đảng cầm quyền thì phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đó còn là chăm lo đạo đức trong Đảng để mỗi một đảng viên cũng như mỗi một tổ chức đảng cũng như toàn Đảng, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành với nhân dân.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Như vậy, có thể nói, với Đảng ta, việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, để đưa đất nước từ khủng hoảng kinh tế - xã hội thoát khỏi một nước tình trạng nghèo thành nước trung bình và nay đang đặt ra mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Song, về xây dựng Đảng, chăm lo đạo đức trong Đảng thì có thể nói Đảng chưa chuẩn bị thật tốt để phòng ngừa, ngăn chặn căn bệnh quyền lực khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Cho nên khi chúng ta xây dựng nền kinh tế hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhiều vấn đề về xây dựng Đảng sao cho đủ tầm để phát triển nền kinh tế ấy, đồng thời đủ khả năng tự bảo vệ mình, để chống những khuyết điểm về suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên thì vẫn còn những vấn đề đặt ra. Do chưa chủ động đưa ra giải pháp, biện pháp hữu hiệu, dẫn đến tình hình diễn biến ngày càng phức tạp hơn mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn nhận diện rõ, cụ thể 27 biểu hiện.

PV: Đảng ta đã nhận diện rõ tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quyết tâm chỉnh đốn. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này?

Đồng chí Trương Công Anh: Khái quát, từ 1986 cho đến trước Đại hội XII, Đảng ta đã mạnh lên rất nhiều về phẩm chất, năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không song hành, tỷ lệ thuận với năng lực ấy, chính là năng lực ngăn ngừa, phòng chống những căn bệnh quyền lực trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Song từ sau Đại hội XII của Đảng, đặc biệt sau triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đến nay, Đảng đã dám và biết đấu tranh, đưa ra những sai phạm của cán bộ, đảng viên và không có vùng cấm, dù đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, là lãnh đạo chủ chốt các tỉnh; để làm rõ đúng sai và có biện pháp xử lý. Điều này khẳng định rõ, Đảng ta đã dám đấu tranh và biết đấu tranh để khắc phục căn bệnh quyền lực, căn bệnh suy thoái về đạo đức, lối sống. Thứ nữa, Đảng cũng đưa ra được những quyết định để xây dựng tổ chức bộ máy, đặc biệt là bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Và hiện Đảng đang tiến hành thiết kế một bộ máy nhà nước đủ năng lực, giải quyết được nhiệm vụ của Nhà nước. Đây là hướng đi rất đúng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Dĩ nhiên, theo nhận định của tôi, những chuyển biến nêu trên mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng kết quả bước đầu này mang tính đột phá, mở ra một xu thế mới để ngăn chặn có hiệu quả suy thoái về chính trị, đặc biệt là suy thái về đạo đức, lối sống. Một xu thế cần có, bởi Đảng ta là một đảng cầm quyền, nếu không thì giống như Trung ương đã nhận định, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

PV: Bên cạnh đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; theo đồng chí, cần phải làm gì để Đảng ta thực sự là một Đảng cầm quyền?

Đồng chí Trương Công Anh: Theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Khi Đảng chưa cầm quyền thì nội dung xây dựng Đảng cũng là xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bây giờ Đảng cầm quyền thì cũng phải xây dựng trên 3 nội dung ấy, nhưng nhiệm vụ của những nội dung ấy không hoàn toàn như trước nữa, vừa mang tính kế thừa khi Đảng chưa cầm quyền nhưng phải bổ sung, cụ thể hóa nội dung mới. Rõ nhất ở đây là xây dựng Đảng về tổ chức. Đảng cầm quyền không phải chỉ xây dựng về tổ chức đảng mà Đảng phải xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước vừa đủ sức và năng lực gánh vác nhiệm vụ quản lý nhà nước về mọi lĩnh vực của xã hội, luật pháp hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng đất nước; đồng thời phải vừa đủ sức ngăn ngừa căn bệnh quyền lực ngay trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta chưa thiết kế được bộ máy Nhà nước thật sự đủ sức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; và thực tiễn hiện Đảng ta đang tiếp tục làm nhiệm vụ lớn này.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Liên quan đến tổ chức còn là công tác cán bộ. Đảng cầm quyền thông qua cán bộ do Đảng bố trí hoặc Đảng giới thiệu cho dân bầu vào các cương vị trong bộ máy Nhà nước. Khi Đảng bố trí đúng thì Đảng được nhờ, bố trí sai thì Đảng chịu tội. Tất cả thực tiễn sai phạm của cán bộ thời gian qua, chứng tỏ công tác cán bộ không phải như trước nữa, công tác cán bộ bây giờ là giao cho họ nắm một cương vị nào đó trong bộ máy nhà nước thì dễ xảy ra vấn đề là họ quên Đảng mà họ chỉ biết Nhà nước nữa mà thôi, dẫn đến họ dùng quyền lực Nhà nước để lộng hành. Từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi Đảng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, đảm bảo hạn chế sai phạm của cán bộ. Đó còn là công tác quản lý đảng viên, đặc biệt quản lý đảng viên là cán bộ và công tác phát triển đảng cũng cần được quan tâm đổi mới.

Mỗi đảng viên, dù ở ở bất cứ cương vị nào cũng đều phải tham gia sinh hoạt và chịu sự quản lý, giáo dục của một tổ chức đảng cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, xảy ra một tình trạng, chỉ có đảng viên không tham gia chức vụ gì thì chịu sự quản lý, giáo dục của chi bộ, còn đảng viên giữ một chức vụ nào đó thì chi bộ đó không đủ sức để quản lý, giáo dục được họ. Ví dụ thủ trưởng cơ quan là đảng viên, sinh hoạt trong đảng bộ đó thì gần như họ đứng ngang hàng với tổ chức đảng, thậm chí là đứng trên tổ chức đảng. Tổ chức đảng ở đó không được giao đủ quyền để quản lý đảng viên này; có tình trạng, thủ trưởng nói sao thì tập thể đó đều gật đầu đồng ý, kể cả lấy phiếu tín nhiệm, giới thiệu cán bộ, thủ trưởng đưa ra ai thì cứ thế là bỏ phiếu, không dám nói khác. Cho nên cần chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị các cấp đủ sức quản lý đảng viên, dù đảng viên có chức quyền hay không cũng đều do tổ chức đảng quản lý về đảng viên, khi cán bộ không xứng đáng về mặt đảng viên thì tổ chức đảng sẽ xử lý về mặt Đảng; ở cương vị quản lý nhà nước thì Nhà nước quản lý và xử lý. Kể cả về Điều lệ Đảng cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tương xứng với trọng trách của một Đảng cầm quyền…

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Nói tóm lại, điều mà Đảng ta cần phải tiến hành trong giai đoạn hiện nay là từ lý luận, đặc biệt là thông qua tổng kết thực tiễn từ sau đổi mới đến nay để đưa ra cơ sở lý luận về Đảng cầm quyền, đặc biệt là đưa ra nội dung xây dựng Đảng cầm quyền. Có như vậy thì mới xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách căn bản, còn không chúng ta mới chỉ dừng lại chiến thuật, thấy sai gì sửa nấy, chứ chưa sửa chữa được cái gốc của vấn đề và trên cơ sở chiến lược.

Thực hiện: Mai Hoa
Thiết kế: Hà Giang
Kỹ thuật: Ngọc Quý