G7 phản đối mạnh mẽ các hành động khiêu khích trên Biển Đông

(Baonghean) - Ngày 11/4, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7 đã ra tuyên bố riêng về an ninh hàng hải bên cạnh “Tuyên bố chung Hội nghị” và “Tuyên bố Hiroshima” để thúc đẩy giải trừ hạt nhân.

Với những ngôn từ mạnh mẽ, Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 với chủ nhà là Nhật Bản đã bày tỏ thái độ quyết liệt trong vấn đề an ninh trên biển, đặc biệt trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Biểu hiện này cho thấy, vấn đề an ninh biển tại châu Á đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của các cường quốc trên thế giới.

Tàu nạo vét của Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)
Tàu nạo vét của Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)

Thái độ cương quyết

“Phản đối mạnh mẽ” là từ ngữ đáng chú ý nhất của Tuyên bố về an ninh hàng hải mà Ngoại trưởng các nước G7 đã thống nhất ngày 11/4. Theo đó, các ngoại trưởng tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai khu vực mà Trung Quốc đang vướng vào các tranh chấp với các nước như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự ép buộc mang tính hăm dọa hay các hành động khiêu khích đơn phương nào có nguy cơ thay đổi hiện trạng và làm leo thang căng thẳng ở các khu vực này”.

Thực ra, một tuyên bố riêng về an ninh hàng hải lần đầu tiên được đưa ra tại hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 hồi tháng 4 năm ngoái. Tiếp đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức vào tháng 6 cũng nêu rõ trong bản Tuyên bố chung. Và đến hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, một lần nữa vấn đề an ninh hàng hải lại được đề cập.

Trong đó, dễ thấy một sự gia tăng cấp độ rõ rệt trong văn phong và từ ngữ nhằm bày tỏ sự quan tâm của các nước G7 đối với vấn đề an ninh hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Cụ thể, Hội nghị Ngoại trưởng vào năm ngoái đã bày tỏ thái độ quan ngại đối với những hành động đơn phương gia tăng căng thẳng bao gồm cải tạo đất trên diện rộng làm thay đổi thực trạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị thượng đỉnh đã ra tuyên bố cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông. Và cấp độ cao nhất là “phản đối mạnh mẽ” cuối cùng đã được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề an ninh, tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông trở thành trọng tâm tại các Hội nghị của G7 thời gian gần đây. Dù không có tranh chấp trực tiếp, nhưng các nước G7 đứng đầu là Mỹ, Đức, Pháp… đều hiểu rõ vai trò địa chính trị của các vùng biển châu Á, nhất là vùng Biển Đông. Đặc biệt với Mỹ, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đặt mục tiêu trọng tâm là xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương trong hai nhiệm kỳ của mình.

Bởi thế, bất kỳ quốc gia nào - kể cả Trung Quốc, nếu có những hoạt động gây hấn, gia tăng căng thẳng làm mất ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các nước G7. Và những tuyên bố phản đối tại các hội nghị G7 là điều tất yếu phải làm. Riêng với Mỹ, đó còn là mục tiêu chiến lược khi chính quyền nước này muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc và tạo một dấu ấn mới của Mỹ ở khu vực phát triển năng động hàng đầu là châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng các nước G7 tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng các nước G7 tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dấu ấn Nhật Bản

Riêng tại Hội nghị ngoại trưởng lần này, thái độ mạnh mẽ trong tuyên bố về an ninh hàng hải còn được lý giải xuất phát từ chủ nhà Nhật Bản. Nhật Bản vốn là quốc gia vướng tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Theo chính quyền nước này, một khi Trung Quốc có những hành động gây hấn trở thành tiền lệ trên Biển Đông, không loại trừ khả năng nước này sẽ áp dụng trên cả vùng biển Hoa Đông. Đây là kịch bản mà Nhật Bản luôn đề phòng.

Tiếp đó, dư luận cũng đang chứng kiến một Nhật Bản với chính sách đối ngoại thay đổi rất nhiều kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền. Trong đó, chính quyền Abe ấp ủ mong muốn mở rộng tối đa quan hệ trong khu vực và trên thế giới với mặt trận hàng đầu là “ngoại giao - quốc phòng - an ninh”. Cũng có nghĩa, một Nhật Bản chỉ biết đến kinh tế - sản xuất sẽ ở thì quá khứ. Thể hiện là Thủ tướng Abe đã có bước đi lịch sử khi diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp để nới rộng các chính sách an ninh - quốc phòng vốn bó chặt Nhật Bản nhiều năm qua.

Cuối cùng, mục tiêu lớn mà Thủ tướng Abe nhắm tới chính là một cấu trúc an ninh châu Á mới, trong đó, Nhật Bản đóng một phần quan trọng. Và Trung Quốc chính là một đối thủ lớn trên lộ trình này của Thủ tướng Abe.

Vì thế, thúc đẩy một tuyên bố mạnh mẽ trong vấn đề an ninh biển nhắm tới Trung Quốc tại hội nghị lần này là bước đi cần thiết của Thủ tướng Abe, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 5 tới. Đây cũng là một đòn cảnh báo mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc nếu nước này tiếp tục có những hành động gây hấn, trái luật pháp quốc tế trên các vùng biển tại khu vực châu Á.

Dù vẫn cố lên tiếng chỉ trích, phản đối những tuyên bố của G7, nhưng có lẽ, chính quyền Bắc Kinh đang tự cảm thấy lạc lõng trước sức ép của cộng đồng quốc tế trong vấn đề an ninh hàng hải. Và rằng, một sự điều chỉnh trong chính sách biển mới là việc làm cần thiết của Trung Quốc lúc này.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới