Gần 17% người ứng cử ĐBQH có trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ

Ngày 29/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo về tình hình và kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử ĐBQH  khóa XIV và đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Tự ứng cử ĐBQH chỉ có 11 người

Về ứng cử ĐBQH, sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thoả thuận lập danh sách giới thiệu 197 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khoá XIV. Cơ cấu kết hợp của 197 người ứng cử ĐBQH khoá XIV khối các cơ quan, tổ chức ở trung ương như sau: người ứng cử là phụ nữ: 29 người (14,72%); người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 17 người (8,63%); người ứng cử là người tôn giáo: 2 người (1,02%); người ứng cử là người ngoài Đảng: 7 người (3,55%); người ứng cử là ĐBQH  khóa XIII tái ứng cử: 101 người (51,27%); người ứng cử là người trẻ tuổi: 6 người (3,05%).

Về trình độ học vấn, trong số 197 người được giới thiệu ứng cử có 6 người (3,04%) là Giáo sư - Tiến sĩ; Phó Giáo sư - Tiến sĩ có 11 người (5,58%); Tiến sĩ 66 người (33,5%); Thạc sĩ 62 người (31,47%); Đại học 52 người (26,4%).

Ở địa phương, các địa phương đã lập danh sách được 682 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV, trong đó có 671 người được giới thiệu ứng cử và 11 người tự ứng cử (giảm 267 người so với danh sách sơ bộ được lập tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai); đạt tỉ lệ số dư là 2,25 lần so với tổng số ĐBQH được bầu ở địa phương (là 303 đại biểu). Tỉ lệ này ở khóa XII là 2,13 lần; khóa XIII là 2,05 lần.
Một số địa phương có số dư cao Cà Mau (2,86 lần), Sóc Trăng (2,14 lần) và Tuyên Quang (2,0 lần). 

Trong số 682 người này ở địa phương, phụ nữ có 315 người chiếm tỉ lệ 46,19%. Có 92 người (tỉ lệ 13,49%) là người ngoài Đảng (cơ cấu này ở khoá XII là 143 người (tỉ lệ 20%); khoá XIII là 109 người (tỉ lệ 16,77%); 19 tỉnh, thành phố không có người ứng cử là người ngoài Đảng: Bắc Cạn, Bình Dương, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang.

Có 189 người ở 47 tỉnh, thành phố ứng cử là người dân tộc thiểu số, đạt tỉ lệ 27,71% (cơ cấu này ở khoá XII là 155 người (tỉ lệ 21,68%); khoá XIII là 119 người (tỉ lệ 18,31%). Người ứng cử là người trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) có 266 người (tỉ lệ 39 %, cơ cấu này ở khóa XIII là 180 người, chiếm tỉ lệ 27,69%). Người tái ứng cử có 67 người, tỉ lệ 9,82% (cơ cấu này ở khóa XII là 72 người, tỉ lệ 10,07%; khoá XIII là 83 người, tỉ lệ 12,77%). Về người tự ứng cử, có 11 người (tỉ lệ 1,61%); giảm 143 người so với danh sách sơ bộ được lập tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai (là 154 người) ở 8 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, mỗi địa phương 1 người; TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, mỗi tỉnh, thành phố 2 người (khóa XII là 30 người, tỉ lệ 4,2%; khoá XIII là 15 người, tỉ lệ 2,31%). 

Về trình độ học vấn, trong số 682 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV ở địa phương có  65 người là Giáo sư - Tiến sĩ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Tiến sĩ  (9,53%); Thạc sĩ 231 người (33,87%); Đại học 359 người (52,64%); Cao Đẳng, Trung cấp, đào tạo ngắn hạn 20 người (2,93%); THPT 3 người (0,44%).

99 người ứng cử là người ngoài Đảng

Tổng hợp chung toàn quốc, tổng số người ứng cử là 879 người (gồm 197 người ở trung ương và 682 người ở địa phương), đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần (Khóa XII là 880 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần, khoá XIII là 832 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,66 lần). Có 344 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 39,16% (Khóa XIII có 262 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 31,49%). Có 206 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 23,44% (Khóa XIII có 134 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 16,11%). Có 99 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 11,26% (Khóa XIII có 118 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 14,18%). Có 168 người ứng cử là ĐBQH khóa XIII tái ứng cử, tỉ lệ 19,11% (Khóa XIII có 183 người ứng cử là tái cử, tỉ lệ 21,99%). Có 271 người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), tỉ lệ 30,83% (khóa XIII có 183 người ứng cử là người trẻ tuổi, tỉ lệ 21,99%). Có 11 người tự ứng cử, chiếm 1,25% (khóa XIII có 15 người tự ứng cử với tỉ lệ 1,8%).

Về trình độ học vấn, trong số 879 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cả nước có: Giáo sư - Tiến sĩ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Tiến sĩ  148 người (16,84%); Thạc sĩ 293 người (33,33%); Đại học 411 người (46,76%); Cao Đẳng, Trung cấp, đào tạo ngắn hạn 20 người (2,28%); Trung học phổ thông 3 người (0,34%).

Theo Sài Gòn giải phóng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới