Gần 42% trẻ em ở thành thị bị thừa cân, béo phì

Đây là kết quả cuộc nghiên cứu được tiến hành trên hơn 5.000 học sinh ở 6 địa phương, trong đó có Nghệ An.
Kết quả nghiên cứu Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh, thành Việt Nam được Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố hôm 5/7. Nghiên cứu được tiến hành trong 12 tháng trên 5.028 học sinh 7-17 tuổi ở 75 trường học tại Hà Nội, TP. HCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng.

Theo nghiên cứu, học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị. Trong khi đó, khẩu phần ăn của học sinh trung học hiện chưa đạt khuyến nghị về năng lượng, sắt, kẽm, canxi và các loại vitamin nên nhiều bé bị thấp còi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhóm trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất đạm hơn. Nhóm không thừa cân béo phì lại tiêu thụ các loại đồ uống có đường sản xuất công nghiệp và các thực phẩm có đường nhiều hơn. Ngoài ra, nhóm thừa cân béo phì có tần suất tiêu thụ các loại đồ uống đường phố cao hơn. Tần suất dùng đồ uống đường phố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì của học sinh THPT lên 1,4 lần.

Trong khi đó mức độ tham gia các hoạt động thể chất của trẻ lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị. Thời gian ngồi trước màn hình, bao gồm cả màn hình máy tính, tivi, điện thoại... tăng dần theo cấp học và ngày nghỉ thì nhiều hơn ngày thường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan khác đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ...

Kết quả cũng ghi nhận tỷ lệ thừa cân béo phì giảm dần theo độ tuổi học sinh và khác biệt lớn giữa khu vực thành thị vào nông thôn. Ngược lại, tỷ lệ gầy còm, thấp còi tăng dần theo độ tuổi học đường và ở nông thôn cao hơn so với thành thị.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thúy Nga, chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khuyến nghị cần định hướng các chương trình can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng nông thôn và chống thừa cân, béo phì ở trẻ thành thị, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cân đối, hợp lý.

Tin mới