Gần 840 ha lùng ở Quế Phong được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

(Baonghean.vn) - Mới đây huyện Quế Phong đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho 837,2 ha lùng. Đây là cơ hội để Quế Phong khôi phục, phát triển bền vững cây lùng nguyên liệu, góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con vùng rẻo cao.
Người dân xã Đồng Văn (Quế Phong) tập kết lùng để bán cho các tư thương. Ảnh: Văn Trường
Người dân xã Đồng Văn (Quế Phong) tập kết lùng để bán cho các tư thương. Ảnh: Văn Trường

Hướng tới bảo tồn và phát triển cây lùng, phục vụ mục tiêu khai thác, sử dụng mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài cho nhân dân, huyện Quế Phong đã nỗ lực phối hợp với tổ chức quốc tế GFFA lần đầu tiên cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho 837,2 ha lùng tại huyện Quế Phong, có thời hạn 5 năm, trong đó, xã Đồng Văn 525,2 ha (có 164 hộ tham gia), xã Thông Thụ có 313 ha (56 hộ tham gia).

Theo đó, diện tích lùng được cấp chứng chỉ rừng bền vững phải được yêu cầu, khai thác bền vững, bảo tồn và chăm sóc.

Việc được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho 837 ha lùng rất có ý nghĩa trong việc phát triển thị trường nguyên liệu lùng hợp pháp, không chỉ mang lại lợi ích cho chủ rừng từ nguồn lùng khai thác có giá trị cao hơn, mà chứng chỉ FSC thương hiệu các sản phẩm từ lùng sẽ được nâng cao và tiếp cận được các thị trường xuất khẩu nâng cao giá trị kinh tế.

Được biết, Quế Phong là huyện có nhiều diện tích lùng tự nhiên (khoảng trên 17.000 ha rừng có lùng phát triển và sinh trưởng) tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ và trong vùng quản lý của Khu BTTN Pù Hoạt. Có một thời gian cây lùng chưa được các cấp, ngành quan tâm quản lý, quy hoạch bảo vệ và phát triển một cách cụ thể. 

Người dân khai thác lùng tại xã Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: Văn Trường
Người dân khai thác lùng tại xã Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: Văn Trường

Sau một thời gian chấn chỉnh lại việc bảo vệ cây lùng, đến ngày 9/5/2018, Sở NN&PTNT ban hành Văn bản số 1084/SNN-KL về việc cho phép khai thác lùng rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Quế Phong. 

Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Năm 2018, người dân đã được ngành chức năng cho khai thác lùng trở lại. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác lùng, chính quyền địa phương và người dân phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT.  

Kiểm tra phát triển rừng lùng ở xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: P.V
Kiểm tra phát triển rừng lùng ở xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: P.V

Từ việc cấp chứng chỉ ban đầu, huyện Quế Phong sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành để tiến tới được cấp chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho diện tích lùng còn lại. Nhằm phát triển cây lùng theo hướng khai thác hợp lý, kết hợp chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng xuất khẩu, cải thiện cuộc sống cho đồng bào vùng rẻo cao.

FSC là viết tắt của Forest Stewardship Council. Đây là một tổ chức quốc tế và phi chính phủ được thành lập vào năm 1993. FSC giúp đưa ra các giải pháp, đề xuất các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên rừng và bảo vệ chúng khỏi bị phá hoại.
Chứng chỉ FSC là  loại chứng chỉ được công nhận bởi tổ chức FSC sau khi đã hoàn thành việc đánh giá và xác nhận về tài nguyên rừng của một quốc gia. Chứng chỉ FSC có giá trị trong vòng 5 năm. Trong 5 năm sẽ có 4 lần đánh giá giám sát tổ chức của bạn có thực sự tuân thủ các yêu cầu mà FSC đưa ra.
  • Về mặt môi trường: Chứng nhận FSC góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái tự nhiên. Về mặt kinh tế: FSC giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của tổ chức này, các sản phẩm có chứng chỉ FSC có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 - 30% so với các sản phẩm cùng loại.
Giao đất, giao rừng gắn với phòng, chống cháy rừng

Giao đất, giao rừng gắn với phòng, chống cháy rừng

(Baonghean.vn) - Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là những nội dung được UBND tỉnh bàn các giải pháp thực hiện trong cuộc họp chiều 12/6.

Tin mới