Gần lại Xiêng My

Vượt dốc Bản Vẽ vào Xiêng My - địa phương được Báo Nghệ An giúp đỡ theo chủ trương của UBND tỉnh - bạn nghề nhắn tin “Nhiệm kỳ này, Xiêng My quyết tâm hoàn thành mục tiêu nông thôn mới...”. Ngỡ ngàng! Bởi đã từng đến, biết vùng đất có cái tên tuyệt đẹp này là xa xôi và khó khăn bậc nhất của huyện núi 30a Tương Dương...

Để vào đến Xiêng My, từ thị trấn Hòa Bình ngược lên cầu Cửa Rào, vượt dốc Bản Vẽ, qua những Yên Na, Yên Hòa, Nga My với khoảng 2h đồng hồ. Bản Phảy, trung tâm của Xiêng My là một thung lũng xanh với nhiều ngọn núi cao liên kết, nối tiếp ôm bọc, có khe Chỏn chạy cắt ngang với nhiều nguồn lợi thủy sản. Ở đây, những người chúng tôi được gặp là Bí thư Đảng bộ xã, anh Lương Hồng Sơn, cùng các anh Lương Văn Máy – Phó Chủ tịch HĐND, Lương Văn Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã… Các anh, ai cũng vui, vì mới được xuống thành phố Vinh, đến thăm nơi làm việc của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nghệ An.

Bí thư Lương Hồng Sơn cho biết, trong ngày hôm nay (27/10/2020) xã có hai nội dung quan trọng cần làm. Thứ nhất, đối thoại giải quyết một số nội dung nhân dân kiến nghị; thứ hai, làm việc với Đoàn giám sát của HĐND huyện. Anh Sơn nói: “Đồng chí Chủ tịch UBND xã Lô Bá Lịch đã ra bản ngoài để tiếp dân. Tôi thì sẽ trở ra thị trấn Hòa Bình để tham dự cuộc họp quan trọng Huyện ủy triệu tập. Có ít thời gian, chỉ tâm tư với phóng viên Báo Nghệ An một chút là Xiêng My đã có những thay đổi trong nhiệm kỳ vừa qua. Để bắt tay vào nhiệm vụ lớn của nhiệm kỳ là thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết, UBND xã cũng đã lên kế hoạch, nhưng thật lòng là có nhiều những khó khăn. Anh cứ đi thực tế, rồi cán bộ ủy ban sẽ trao đổi thêm…”.

Lần vào Xiêng My gần nhất của tôi cách nay đã 4 năm. Khi đó, cảm nhận nơi này cũng như nhiều những vùng núi cao của tỉnh, cái nghèo ám ảnh và buồn. Nhưng lần trở lại này, ngang qua các bản thì đều đã cảm nhận được sức sống mới qua những thay đổi về công trình nhà ở, cây xanh, và các hoạt động gắn với sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Ở bản Phảy, sự thay đổi còn rõ hơn. Bởi khu vực này có hệ thống các trường học, sân vận động mới được tu bổ xây dựng, có trục đường chính chạy ngang qua trụ sở xã được Hội nông dân, Hội phụ nữ , Đoàn thanh niên chỉnh trang, treo cờ, trồng mới tuyến cây xanh, và đặt các giỏ đựng rác thải…

Những thay đổi của Xiêng My trong nhiệm kỳ qua mà Bí thư Lương Hồng Sơn nhắc đến là gồm những gì? Phó Chủ tịch HĐND xã Lương Văn Máy khái quát, hiện nay hệ thống hạ tầng đường giao thông chính yếu và điện sinh hoạt đã được cơ bản. Nếu nói về kinh tế, lấy năm 2015 làm mốc, thu nhập bình quân của người dân Xiêng My đã tăng được gấp hai lần, đạt 18 triệu đồng/người/năm. Tổng diện tích gieo trồng đạt 431,9ha, trong đó diện tích cây lúa là 311,9 ha; có 2.500 con trâu bò, 1.786 con lợn… Diện tích trồng rừng giai đoạn năm 2015 – 2020 có bước tiến vượt bậc, mục tiêu là 250 ha, nhưng kết quả đạt được lên đến 649 ha.

Ở Xiêng My, các hoạt động dịch vụ, thương mại cũng đa dạng hơn, qua đó đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân như vận tải, kinh doanh tổng hợp, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp… Lực lượng lao động trẻ của Xiêng My cũng năng động trong tìm kiếm việc làm, hiện có 17 lao động ở nước ngoài, khoảng 600 lượt lao động đi làm việc trong nước…

Từ những bước phát triển như vậy, nhận thức của người dân về việc xây dựng nông thôn mới cũng thay đổi. 5 năm qua, Xiêng My đã huy động được hơn 10 tỷ đồng, vận động nhân dân đóng góp được 1.000m² đất và hàng nghìn ngày công lao động. Nhờ đó, đã xây dựng mới được 3 nhà văn hóa bản, trường mầm non, hệ thống giao thông nội bản. Năm 2015 mới chỉ đạt 5 tiêu chí, nay Xiêng My đã đạt được 10 tiêu chí; trong đó, có 1 bản đạt 13/15 tiêu chí, 4 bản đạt 9/15 tiêu chí, 2 bản đạt 8/15 tiêu chí… “Theo kế hoạch, Xiêng My đang phấn đấu đưa bản Phảy và bản Khe Quỳnh về đích nông thôn mới cuối năm 2020. Hai bản này hiện chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt, trong đó khó nhất là tiêu chí xóa nhà tạm, tranh tre dột nát…”, Phó Chủ tịch HĐND xã Lương Văn Máy nói.

Ở Xiêng My, chúng tôi được tiếp cận Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ở đó, đã thể hiện tập thể cán bộ, đảng viên nơi đây nhìn nhận được những hạn chế, tồn tại để thay đổi cách nghĩ, cách làm; đồng thời, đánh giá được đúng lợi thế của địa phương, qua đó đề ra các phương hướng phát triển kinh tế – xã hội phù hợp. Dành thời gian theo dõi phần thảo luận trong cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của HĐND huyện Tương Dương với các cán bộ xã Xiêng My trong ngày 17/10/2020, thấy thú vị và có niềm tin. Bởi khi Đoàn giám sát chỉ ra những việc chưa làm được, thì các cán bộ xã có tinh thần cầu thị cao. Không những vậy, họ còn chủ động nhận ra những nội dung công việc “vượt sức”, “mong được HĐND và UBND huyện cầm tay, chỉ việc”.

Cụ thể, từ báo cáo của HĐND xã, Trưởng đoàn giám sát là Phó Chủ tịch HĐND huyện Kha Văn Ót và các thành viên đã nhìn ra một số chính sách như hỗ trợ thủy lợi, trồng rừng… được HĐND huyện quyết nghị nhưng chưa được xã Xiêng My triển khai đầy đủ đến người dân. Ông Kha Văn Ót nêu ra một dẫn chứng, đó là trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn xã trồng mới được 103,7 ha rừng; nhưng trong đó, có đến hơn 82 ha do người dân tự bỏ vốn thực hiện.

Theo ông Kha Văn Ót phân tích, diện tích trồng rừng sản xuất đạt được kết quả như vậy là đáng mừng. Nhưng việc người dân tự bỏ vốn đến hơn 82 ha đã thể hiện chính sách trồng rừng của huyện chưa đến với dân. Phó Chủ tịch HĐND huyện trao đổi: “Bình quân 1 ha rừng trồng người dân sẽ được hỗ trợ cây giống với giá trị khoảng 1 triệu đồng. 82 ha, người dân sẽ đỡ được 82 triệu đồng tiền cây giống. Chính sách đã có tại Nghị quyết của HĐND huyện. Tại sao lại để cho người dân phải tự bỏ vốn? Các đồng chí cần phải làm rõ nguyên nhân. Nếu là xã không triển khai thực hiện chính sách thì phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Còn nếu nguyên nhân không từ xã, thì cần làm rõ vướng mắc từ đâu để kiến nghị HĐND, UBND huyện tháo gỡ. Nếu không làm rõ, chính sách không được thực hiện thì dân sẽ khổ. Mà như thế sẽ không thể vận động được nhân dân chung tay thực hiện các mục tiêu lớn, việc xây dựng nông thôn mới sẽ rất khó hoàn thành…”.

Trao đổi lại, các bộ xã Xiêng My cho biết là đã nghiên cứu thực hiện các chính sách, nhưng do những khó khăn từ nội tại và cả khách quan dẫn đến có những tồn tại mà đoàn giám sát đã chỉ ra. Như với chính sách hỗ trợ trồng rừng, xã đã giao cán bộ hướng dẫn nhân dân lập hồ sơ thiết kế, các thủ tục liên quan. Nhưng để làm được mất rất nhiều thời gian. Khi hồ sơ được thẩm định thì thường đã đến quý cuối cùng của năm, là thời điểm không còn phù hợp để trồng rừng. Vì vậy, người dân thường phải tự bỏ vốn để trồng rừng… “Mong muốn của Xiêng My là Đoàn giám sát nhìn nhận thực tế, qua đó hướng dẫn cho cách làm gì khác để thay đổi…”, các cán bộ Xiêng My kiến nghị.

Lời giải đã được gợi mở ngay sau đó. Đó là Xiêng My có thể trình UBND huyện hỗ trợ chính sách trồng rừng sau đầu tư. Để làm được như vậy, từ cuối năm Xiêng My cần lập kế hoạch trồng rừng hàng năm trình huyện phê duyệt. Sau khi nhân dân hoàn thành việc trồng mới, xã phải tổ chức thẩm tra, có báo cáo trình huyện. Hoặc bài bản, chủ động hơn, xã cần lập Đề án trồng rừng sản xuất, trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt cho triển khai thực hiện…

Ông Kha Văn Ót trao đổi: “Không chỉ về nội dung phát triển rừng, các nội dung khác cũng vậy. Trước tiên các cán bộ Xiêng My cần phải nỗ lực, đặt quyết tâm cao trong các nhiệm vụ được giao. Sau đó, cần phân tích trong phạm vi khả năng thì làm được đến đâu, cái gì vượt quá khả năng thì nhờ đến huyện hướng dẫn, giải thích, hoặc giúp đôn đốc các phòng, ban liên quan thực hiện. Đoàn giám sát mong ở những cuộc họp như thế này, được nghe cơ sở nói ra những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Có nói ra thì huyện mới giúp được. Đừng để tình trạng xã nghèo nhưng cán bộ xã lại không biết địa phương mình cần những gì, có vấn đề gì phải tháo gỡ, như vậy sẽ rất khó để thay đổi, phát triển…”.

Xiêng My – theo diễn giải của một số người am hiểu ở địa phương, có nghĩa là vùng đất tốt lành, trù phú, người dân có của ăn của để. “Từ Xiêng hoặc Xiềng là để chỉ vùng đất tập trung đông dân cư. Còn từ My thì có nghĩa là “có”. Ghép hai từ này, ta có thể hiểu nghĩa của từ Xiêng My là như vậy…”, nguyên Bí thư Đảng ủy Xiêng My, ông Lô Đình Truyền giải thích.

Nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương, anh Vi Tân Hợi cũng đồng ý với cách phân tích của ông Lô Đình Truyền. Có truyền thuyết rất hay để khẳng định điều này, được anh Vi Tân Hợi kể rằng: Xa xưa Xiêng My là vùng đất trù phú, có rất đông đồng bào Thái chung sống. Thế rồi đến một năm nọ, hạn hán xảy ra khiến người dân ly tán. Tạo mường Xiêng My khi đó có một người con gái xinh đẹp. Nàng đem lòng yêu một thanh niên nghèo khó trong vùng. Tạo mường không đồng ý, nên đã ra điều kiện nếu người thanh niên khơi được dòng chảy đưa nước về chống hạn thì mới cho cưới con gái của ông. Chấp nhận lời thách thức của Tạo mường, người thanh niên đã quyết chí vượt núi cao tìm nguồn nước, khơi cho được dòng chảy đưa nước về. Người con gái xinh đẹp của Tạo mường xót thương người yêu đã bỏ nhà theo giúp. Sau đó, có thêm nhiều trai tráng trong vùng cũng vượt núi giúp sức cho đôi trai gái yêu nhau. Kết quả, tất cả đều kiệt sức mà chết. Nhưng đổi lại là dòng nước ngọt lành đã được dẫn về, là khe Chỏn ngày nay. Xiêng My từ đó đã không còn khô hạn, người dân tứ xứ lại tìm đến sinh sống đông vui…

Nghe những trao đổi từ nguyên Bí thư Đảng ủy Xiêng My, ông Lô Đình Truyền, truyền thuyết về Xiêng My qua lời anh Vi Tân Hợi, nghĩ đến những tâm nguyện xây dựng nông thôn mới của các cán bộ nơi đây. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, sẽ có nhiều những khó khăn như Bí thư Đảng ủy Lương Hồng Sơn đã nói ra ngay từ lúc đầu gặp gỡ. Nhưng Xiêng My thực sự đã thay đổi, không như trong suy nghĩ của tôi bốn năm về trước. Tìn rằng với lợi thế có quốc lộ 48C vắt ngang qua, với thuận lợi nhờ tiếp giáp các địa phương Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp), Bình Chuẩn (huyện Con Cuông), với những hỗ trợ tận tình của huyện Tương Dương, cùng với những nền tảng đã tạo được trong thời gian qua và sức trẻ, tâm huyết của các cán bộ nhiệm kỳ mới, sự đồng lòng của nhân dân 7 bản Phảy, Khe Quỳnh, Chon, Noóng Mo, Piêng Ó, Định Tài, Cha Hìa, xã Xiêng My sẽ tiếp tục phát triển, để trở thành vùng đất “có” đúng như tên gọi…