Gắn Lễ hội Làng Vạc với nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương

(Baonghean) - Vào các ngày 5, 6, 7/4/2017 (tức ngày 9, 10, 11/3 năm Đinh Dậu), thị xã Thái Hòa tổ chức lễ hội Làng Vạc lần thứ 18.

Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Tiến Trị - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Thái Hòa về những đổi mới trong công tác tổ chức, định hướng phát huy giá trị của Di tích khảo cổ học Làng Vạc.

P.V: Lễ hội Làng Vạc lần thứ 18 - năm 2017 được tổ chức đúng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), thời gian này khác với truyền thống tổ chức vào ngày 7,8,9/2 Âm lịch như 17 lễ hội đã qua. Sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Đền Làng Vạc - xã Nghĩa Hòa - Thái Hòa. Ảnh: Cao Đông
Đền Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Thái Hòa. Ảnh: Cao Đông

Đồng chí Lê Tiến Trị: Làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa là di tích khảo cổ học mang trong mình giá trị lịch sử to lớn, được giới khảo cổ học trong nước và quốc tế đặc biệt chú ý và đánh giá cao. Qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đã phát hiện được các hiện vật như: trống đồng Đông Sơn, nhiều đồ đồng giá trị, mộ táng...

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Di tích Làng Vạc quý và hiếm không chỉ vì cung cấp một kho tàng di sản vật thể đồ sộ, mà còn là nơi giúp các nhà khoa học phác thảo được bức tranh lịch sử đương thời với nền văn hóa, kỹ thuật phát triển cao của cộng đồng dân cư thuộc cư dân Việt cổ vào thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.

Làng Vạc đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành dân tộc Việt từ buổi đầu, cách đây 2.000 năm. Điều đó vô cùng ý nghĩa đối với lịch sử đất nước ta và dân tộc Việt.

Với những giá trị to lớn đó, Di tích khảo cổ học Làng Vạc đã được vinh danh là di tích khảo cổ học cấp Quốc gia. 17 năm qua, huyện Nghĩa Đàn trước đây và thị xã Thái Hòa sau khi chia tách đã tổ chức Lễ hội Làng Vạc nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về tổ tiên, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Di tích khảo cổ học Làng Vạc.

Đây còn là hoạt động văn hóa, tâm linh hết sức có ý nghĩa không chỉ với nhân dân thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn mà còn cả cộng đồng đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An. 

Các lễ hội Làng Vạc trước được tổ chức vào các ngày 7, 8, 9/2 Âm lịch, tuy nhiên, từ lễ hội lần thứ 18 - năm 2017, UBND thị xã Thái Hòa đã có tờ trình và được UBND tỉnh đồng ý cho chuyển thời gian tổ chức lễ hội vào các ngày 9, 10, 11/3 Âm lịch nhằm vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch).

Việc chuyển thời gian tổ chức đảm bảo tính trang trọng, tiết kiệm, từng bước nâng tầm lễ hội và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cho mọi người dân. Qua đó, một lần nữa khẳng định giá trị Di tích khảo cổ học Làng Vạc gắn với dấu tích thời kỳ dựng nước của các Vua Hùng. Từ đó, chúng ta phát huy truyền thống cha ông, khắc ghi lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

P.V: Vậy, Lễ hội Làng Vạc lần thứ 18 - năm 2017 được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Tiến Trị: Như truyền thống tổ chức các lần trước, Lễ hội Làng Vạc lần thứ 18 - năm 2017 đặt ra yêu cầu tổ chức đảm bảo sự trang trọng, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và thu hút du khách đến với di tích ngày một đông hơn.

Do đó, ngay từ đầu tháng 2/2017, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và tiến hành xây dựng kế hoạch tổng thể trình Thường trực Thị ủy, HĐND - UBND thị xã phê duyệt. Kịch bản lễ hội đã trình Sở VH&TT, Thường trực Thị ủy, HĐND - UBND thị xã phê duyệt.

Có thể nói, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Làng Vạc lần thứ 18 - năm 2017 được chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong đó, phần lễ phải được tổ chức thực sự trang nghiêm, đảm bảo các yếu tố văn hóa tâm linh. Còn phần hội, chúng tôi xác định tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó chú trọng các trò chơi dân gian.

Nổi bật là các hoạt động văn hóa với 8 nội dung: thi cắm trại, cồng chiêng, văn nghệ, người đẹp lễ hội, giọng hát hay, đốt lửa trại, thi đu tiên, nhảy bao bố và hoạt động thể thao gồm 7 môn thi: bóng chuyền nam nữ, kéo co, ném còn, đẩy gậy, vật tự do nam, võ karatedo và cờ thẻ nam.

Với sự chuẩn bị này, thị xã Thái Hòa mong muốn mang lại không gian lễ hội vừa giàu truyền thống, làm nổi bật giá trị của Di tích khảo cổ học Làng Vạc và bản sắc văn hóa của cộng đồng các đồng bào dân tộc ở miền Tây Bắc Nghệ An; vừa mang lại những ấn tượng đẹp về một đô thị trẻ đang phát triển từng ngày bên dòng sông Hiếu đến với du khách gần xa.

P.V: Với những đổi mới trong cách tổ chức Lễ hội Làng Vạc, thị xã Thái Hòa có những định hướng gì để những giá trị của Làng Vạc phát huy mạnh mẽ hơn, trở thành động lực để xây dựng thị xã phát triển tương xứng với tầm nhìn là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc Nghệ An, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Tiến Trị: Phát huy giá trị của di tích khảo cổ học Làng Vạc thực sự là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân thị xã Thái Hòa, đặc biệt đặt trong tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đây là giai đoạn đòi hỏi phải có bước chuyển mạnh trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Thái Hòa, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, dịch vụ, thương mại, văn hóa, xã hội của khu vực Tây Bắc Nghệ An. 

Do đó, phát huy giá trị Làng Vạc không chỉ có ý nghĩa đơn thuần trong phạm vi thị xã nhằm xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới bền vững mà thông qua đó còn quảng bá hình ảnh thị xã gắn với đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại mạnh mẽ và có hiệu quả hơn.

Với tầm nhìn đó, việc chuyển đổi thời gian tổ chức lễ hội đúng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương nằm trong kế hoạch từng bước gắn nội dung Lễ hội Làng Vạc với nghi lễ giỗ Tổ Vua Hùng. Qua đó, Làng Vạc trở thành địa chỉ cho người dân trong tỉnh và du khách thập phương hành hương tìm về nguồn cội, nhất là vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương. 

Phong cảnh đền Làng Vạc. 	Ảnh: Sách Nguyễn
Phong cảnh đền Làng Vạc. Ảnh: Sách Nguyễn

Thị xã sẽ xây dựng và đề nghị UBND tỉnh thông qua đề án tổ chức Lễ hội Làng Vạc gắn với tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương theo quy mô cấp tỉnh, phấn đấu thực hiện từ năm 2018. Chúng tôi đã ưu tiên dành 10 tỷ đồng tiền thưởng của Chính phủ tặng cho địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cũng như tỉnh đã quan tâm bố trí 10 tỷ đồng vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để đầu tư hạ tầng cho khu vực Làng Vạc trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, Thái Hòa cũng sẽ có những giải pháp để kết nối với các địa phương khác trong vùng Tây Bắc Nghệ An, các công ty lữ hành, đẩy mạnh công tác quảng bá để đưa Làng Vạc trở thành điểm đến văn hóa tâm linh cho du khách thập phương trong hành trình đến với miền Tây Nghệ An.

Qua đó, Làng Vạc vừa phát huy hiệu quả giá trị lịch sử, vừa là động lực, nền tảng quan trọng xây dựng Thái Hòa phát triển văn minh, hiện đại trên chiều sâu văn hóa, lịch sử. 

P.V: Cảm ơn đồng chí!

Thành Duy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới