Gần một nửa tàu cá ngừng hoạt động vì giá xăng dầu cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khoảng một nửa tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Số liệu từ cơ quan này cho biết, mỗi tháng bình quân hoạt động khai thác thủy sản tiêu thụ khoảng 330 triệu lít dầu, trong khi giá dầu diesel - loại nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản, đã tăng hơn 1,7 lần so với cuối năm 2021, đắt hơn 12.440 đồng so với cuối 2021.

Nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào cho sản xuất của tàu cá khai thác thủy sản. Thêm vào đó, giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10-15%. Kết quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35-48%, trong khi giá bán đầu ra lại tăng không đáng kể.

"Những khó khăn này dẫn tới 40-55% tàu cá ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu bị ảnh hưởng theo", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu trong văn bản vừa gửi 2 bộ: Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Nông nghiệp và PTNT còn cho rằng, số tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Hàng loạt tàu cá của xã Quỳnh Lập (T.X.Hoàng Mai) neo bờ, bởi đi sợ thua lỗ. Ảnh tư liệu: Quang An
Hàng loạt tàu cá của xã Quỳnh Lập (T.X.Hoàng Mai) neo bờ, bởi đi sợ thua lỗ. Ảnh tư liệu: Quang An

Theo đó, thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá xăng dầu tăng được hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019, tức khoảng 3-4,4 triệu đồng 1 người, trong vòng 6 tháng.

Đến cuối năm ngoái, cả nước có gần 91.720 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó, tàu cá khai thác ven bờ hơn 42.640 chiếc; tàu khai thác xa bờ 30.391 chiếc...

Mỗi năm khai thác thủy sản đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác trên biển và gần 4 triệu lao động ngành dịch vụ thủy sản ven bờ.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước trải qua 16 đợt điều chỉnh, trong đó dầu diesel có 13 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Giá xăng và dầu diesel đều đã tăng lên mức kỷ lục sau điều chỉnh ngày 21/6 vừa qua, lần lượt 32.870 đồng 1 lít RON 95-III và 30.010 dầu diesel 0,005S-II.

Ước tính tỷ trọng các loại thuế, chi phí trong mỗi lít xăng được điều chỉnh từ ngày 21/6. Đồ hoạ: Tạ Lư
Ước tính tỷ trọng các loại thuế, chi phí trong mỗi lít xăng được điều chỉnh từ ngày 21/6. Đồ hoạ: Tạ Lư

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến giảm thêm 1.000 đồng mỗi lít xăng, 500 đồng 1 lít dầu thuế bảo vệ môi trường, nhưng mức giảm này bị các chuyên gia, doanh nghiệp chê ít. Hiện tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng chiếm hơn 1/3 giá bán lẻ.

Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, các chuyên gia cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng (VAT), nhập khẩu là các loại thuế có thể cân nhắc, đề xuất giảm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, trường hợp nhà điều hành sử dụng hết các công cụ bình ổn giá, nhưng giá vẫn tăng thì có thể tính tới chuyện dùng các quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ những người thu nhập thấp, yếu thế trước "bão giá" xăng dầu.

Tin mới