Gặp giáo sư người Nhật đi chùa

(Baonghean) - Trung tuần tháng Giêng, nhóm PV báo Nghệ An đi chùa Bái Đính (Ninh Bình). Trong dòng chảy hàng vạn người, bất chợt tôi nhận ra một du khách nước ngoài đang say sưa giơ máy quay cảnh chùa, qua nhóm sinh viên cùng đi tôi được biết ông là Hayashi, giảng viên Khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Gặp giáo sư người Nhật đi chùa ảnh 1
Thầy Hayashi Fujiyo đang say sưa
quay cảnh chùa.   Ảnh: Minh Thông

Nhìn khuôn mặt nhân từ, phúc hậu, cặp kính trắng và chiếc mũ đan lá dừa đội trên đầu khiến tôi cảm thấy ông rất gần gũi. Chỉ một vài câu chào hỏi qua lại, đã thấy ông niềm nở chân tình.

 

Hai nữ sinh Lê Thị Ngọc và Lê Thị Tình (K41) cho tôi biết, ông là Hayashi Fujiyo, nhưng sinh viên thường gọi là thầy Hayashi (người Nhật có thói quen gọi nhau bằng họ, tên thật chỉ được gọi bởi những người thân thiết), quê gốc ở Kyoto, vợ và 2 con đang sống ở quê. Ông thích chơi gôn, câu cá. Sang Việt Nam ông thường đi du ngoạn với sinh viên tới những miền quê yên ả, có nhiều cảnh đẹp.

 

Khi biết tôi có nhã ý muốn được phỏng vấn, ông đã vui vẻ nhận lời.

 

Phóng viên (PV): Xin kính chào thầy Hayashi. Thầy đến chùa cùng các sinh viên của mình để hướng dẫn, du ngoạn hay tìm hiểu ?

 

Thầy Hayashi (HYS): Tôi đến đây để tham quan và học hỏi. Các em sinh viên đã rủ tôi và tôi cùng các em đến ngôi chùa này.

 

PV: Thầy có nhận xét gì về ngôi chùa Bái Đính này ? 

HYS: Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngôi chùa lớn như thế này. Có khi là to nhất thế giới luôn ấy nhỉ ?

Nhưng mà hầu như quan khách người Nhật không hứng thú lắm với những ngôi chùa mới (họ thường thích chùa cổ hơn).

 

Gặp giáo sư người Nhật đi chùa ảnh 2
 Tháp chuông trong chùa Bái Đính.  Ảnh: Minh Thông

PV: Thầy có điều gì không hài lòng khi đến chùa này không ? 

HYS: Ngôi chùa còn chưa xây xong, lại không có rào chắn hay khoanh vùng đang thi công nên dễ gây nguy hiểm cho những người đến tham quan. Phải đi theo lối nào để vào chùa cho an toàn, được tham quan ở chỗ nào, cũng không có bảng chỉ dẫn, ai là người nhà chùa, là người có chức trách và ai là du khách, là phật tử, tất cả còn lẫn lộn nên rất hỗn loạn và phức tạp, người đi chùa và người thi công xây dựng xen vào nhau nên trật tự không được tốt .

 

PV: Cảm nhận của thầy về sự tín ngưỡng của người Việt Nam đối với Phật giáo ?

HYS: Người Việt Nam có lòng tín ngưỡng với Phật giáo rất sâu sắc và mãnh liệt. Ví dụ như ở đây, chùa mới, chưa xây xong nhưng hàng ngày đã có rất đông người đến tham quan, hành lễ, cầu ước. 

 

Gặp giáo sư người Nhật đi chùa ảnh 3
 Cuộc trò chuyện chân tình, cởi mở.    Ảnh: Minh Ngọc

PV: Có gì tương đồng và khác biệt với tín ngưỡng Phật giáo ở đất nước Nhật ?

 

HYS: Cũng như Việt Nam, ở Nhật có rất đông người sùng bái đạo Phật, lấy lời dạy của Phật làm lẽ sống. Điểm khác biệt thì ví dụ như việc sư của Nhật có thể lấy vợ, sinh con, được ăn thịt cá.

Chùa ở Nhật cho quan khách vào thăm thoải mái, lấy rất nhiều tiền từ quan khách.

Có thể nói Phật giáo ở Nhật Bản hiện có rất nhiều điều bất cập.

 

PV: Sinh viên Việt Nam ở Nhật có tham gia các hoạt động tín ngưỡng không ?

 

HYS: Điều này tôi không rõ lắm, vì tôi không biết rõ về cuộc sống của các em học sinh tại Nhật. Một phần cũng vì du học sinh Việt Nam tại Nhật không nhiều lắm.

 

Gặp giáo sư người Nhật đi chùa ảnh 4
 Tác giả chụp lưu niệm với thầy trò Khoa tiếng Nhật – ĐHQG.HN. Ảnh: Minh Ngọc

PV: Thầy đã đến Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa, và cảm nhận của thầy ? 

HYS: Tôi đã đến Nghệ An. Đấy là một vùng quê thanh bình, nhiều cảnh đẹp, con người hồn hậu, chất phác, mến khách.

Tôi cũng biết đến cuộc sống nghèo khổ của gia đình cụ Hồ trước đây, và cảm phục đức hy sinh cả cuộc đời của Cụ vì dân tộc, vì nhân dân.

Biển ở Nghệ An cũng đẹp, món lươn thì ngon lắm !

 

PV: Thầy sẽ còn tiếp tục đi lễ chùa ở Việt Nam chứ ạ ?

HYS: Tôi đã đến rất nhiều chùa ở Việt Nam và sẽ còn tiếp tục đi đến nhiều chùa khác nữa. 

PV: Xin chân thành cảm ơn thầy Hayashi và các bạn sinh viên. Kính chúc Thầy một năm mới an lành, hạnh phúc ! 

Minh Thông

Tin mới