Gặp lại nhân vật trong bài thơ "Cô gái Thanh Chương"

(Baonghean.vn) - Cách đây 51 năm vào 15 giờ 15 phút ngày 19/3/1965 nhiều cơ sở hành chính, công nghiệp, giao thông... trên địa bàn huyện Thanh Chương đồng loạt bị máy bay Mỹ đánh phá. Trận chiến ác liệt này đã được nhiều tài liệu nhắc đến, đặc biệt là bài báo: "Thanh Chương đánh thắng trận đầu" và bài thơ "Cô gái Thanh Chương" của Nhà báo Quang Huy phóng viên báo Nghệ An, người có mặt trực tiếp tại trận chiến.

Chúng tôi may mắn có dịp gặp lại "cô gái Thanh Chương" thời ấy. Đó là bà Nguyễn Thị Hóa, năm nay 76 tuổi sinh sống tại làng Đại Định xã Thanh Văn (Thanh Chương).

Sinh năm Canh Thìn (1940), trưởng thành sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa,  Nguyễn Thị Hóa ước mơ được cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước, 18 tuổi cô rời làng Đại Định tham gia đoàn TNXP Cù Chính Lan trực tiếp mở các cung đường ở miền Tây xứ Nghệ.

Bà Hóa với những kỷ vật gắn liền với
Bà Hóa với những kỷ vật gắn liền với "cô gái Thanh Chương".

Năm 1964,  hoàn thành nhiệm vụ cô trở về địa phương và làm công nhân nhà máy đường Thanh Chương, một cơ sở công nghiệp vừa mới được thành lập. Là người có sức khỏe lại cần cù chịu khó, cô được tín nhiệm phân công làm trưởng ca sản xuất. Cuộc sống đang bình lặng thì vào chiều ngày 19/3/1965, "Giặc Mỹ đến phun khói đen trời biếc" cả vùng Truông Dùng (Thị Trấn Thanh Chương ngày nay) mịt mù bom đạn.

Các đơn vị quân đội, lực lượng tự vệ các nhà máy đường, giấy, nông cụ, kho lương thực... đã đánh trả rất quyết liệt. Qua các trận chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm. Kết thúc trận chiến, huyện Thanh Chương tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và bình công. Nguyễn Thị Hóa được bình bầu là nữ tự vệ xuất sắc nhất của nhà máy đường, đơn vị dẫn đầu trong đợt chống chiến tranh phá hoại, được kết nạp đảng, được đi báo cáo điển hình ở tỉnh, Quân khu và nhiều nơi khác.

Thời kỳ đó, cô được giáo viên trường Đại học Mỹ thuật tạc bức tượng cô gái Thanh Chương "súng lấp lánh trên vai" một thời đã làm xúc động trái tim bao người.

Bà Hóa và đồng đội ôn lại ký ức thời hoa lửa.
Bà Hóa và đồng đội ôn lại ký ức thời hoa lửa.

Sau những trận đánh này, Nguyễn Thị Hóa được Tỉnh đội Nghệ An điều động tăng cường cho một đơn vị quân đội. Đến năm 1969, rời quân ngũ, chị trở về làm việc ở nhà máy đường lúc này đã chuyển về Anh Sơn. Sau đó, được điều chuyển đến các nhà máy nước chấm, nhà máy phốt phát đóng tại Thanh Chương, nhà máy sứ Sông Lam ở Hà Tĩnh và cuối cùng là nhà máy Dầu thảo mộc đóng tại Nghĩa Đàn, đến năm 1988, chị về nghỉ hưu. Hiện chị ở một mình tại làng Đại Định xã Thanh Văn trong tình thân của bạn bè, lối xóm và anh em.

Bà Hóa trở lại trận địa xưa.
Bà Hóa trở lại trận địa xưa.

Năm nay đã 76 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Hóa còn khỏe mạnh. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ bà còn lưu giữ được rất nhiều kỷ vật, đặc biệt là những bức ảnh mà nhà báo Quang Huy chụp năm xưa trên trận địa. Tất cả đã ố vàng theo thời gian nhưng hãy còn nguyên vẹn. 

Đặc biệt là ký ức hào hùng về các trận đánh và niềm tự hào về quê hương và đồng đội. Hơn 50 năm nhưng những lời chào thân thiết, động viên: "Chào cô gái Thanh Chương" của lãnh đạo cấp tỉnh, Quân khu và bạn bè tại các hội nghị điển hình vẫn đi suốt cuộc đời bà. Bởi đó là sự ghi nhận, là nguồn động viên không chỉ với bà, với những cô gái Thanh Chương mà còn là với quê hương, "ruộng đồng Xô Viết" anh hùng như lời thơ của nhà báo Quang Huy...

 Trần Đình Hà

(Đài Thanh Chương)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới