Ghi trên đường Đào Tấn

“Nét cổ xưa giữa lòng phố thị” là tiêu đề mà nhà báo Đình Sâm (Báo Nghệ An) đặt cho bài viết về đường Đào Tấn của mình. Bài báo đăng tải từ năm 2014, nhưng ở đó, ngay từ những dòng viết đầu, ông đã nhấn mạnh vị thế của đường Đào Tấn, và tỏ bày những hy vọng ở tương lai: “Con đường xuyên ngang khu vực nội Thành cổ ấy sẽ được biết tới nhiều trong tương lai, khi Dự án Công viên Thành cổ Vinh được thực hiện với quần thể các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch văn hoá đa dạng, phong phú. Bây giờ, đường Đào Tấn cũng đã được coi là một con phố giàu ý nghĩa văn hóa, lịch sử nhất của Vinh rồi…”.

Đường Đào Tấn là tuyến phố dài gần 600m xuyên qua Di tích Quốc gia Thành cổ Vinh, có điểm đầu tiếp giáp đường lớn Quang Trung, băng qua Hào thành, chia thành hai nhánh ôm lấy Cửa Tả, xuyên sâu chừng 200m để rồi lại chia làm hai nhánh ôm lấy cửa Hữu, cắt qua Hào thành và nối với tuyến đường lớn Trần Hưng Đạo. Vùng Thành cổ, ngay trên đường Đào Tấn và khu vực cận kề có nhiều hạng mục di tích lịch sử, như Hào thành, cửa Tả, cửa Hữu, thì còn có cửa Tiền, bờ Thành, Bốt gác, Nhà lao Vinh, Bia dẫn tích Bác Hồ về thăm quê… Cùng với các di tích lịch sử, lại còn có hệ thống các Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ – Tĩnh, Sân vận động – “Chảo lửa thành Vinh”, Trụ sở Câu lạc bộ Bóng đá Sông Lam… Thế nên, thật chẳng sai khi nhà báo Đình Sâm nhấn mạnh tuyến đường mang tên Đào Tấn, Tổng đốc An – Tĩnh, vị quan nổi tiếng thanh liêm triều Nguyễn, một trong những ông Tổ của bộ môn nghệ thuật tuồng, là nơi giàu ý nghĩa văn hóa và lịch sử của Thành phố Đỏ.

Đường Đào Tấn nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Devi Nguyễn
Đường Đào Tấn nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Devi Nguyễn

Với tất cả sự trọng thị, ông đã viết: “Dường như không có người ở phố nào và cả khách xa đến với Thành phố Đỏ lại không muốn một lần đến với phố này. Hào sâu thành cổ còn đó, di tích cổng thành sừng sững như những chứng nhân cho một niềm tự hào phố hiếm có của Đô thị Vinh loại 1. Thời gian lặng lẽ luân hồi, bốn mùa phố vẫn tích lũy chiều sâu cảm thức bên thâm trầm những tòa nhà bảo tàng dẫn dắt hôm nay về với hàng nghìn năm văn hóa, lịch sử xứ Nghệ; và chứng kiến những sôi động của sân nhà “chảo lửa thành Vinh” đã mấy mùa lên ngôi của đội bóng đá Sông Lam Nghệ An cùng các cơ sở nơi ươm mầm những tài năng thể thao thành tích cao khác..”.

Nhà báo Đình Sâm đã tự sự trong bài viết “Đường Đào Tấn – Nét cổ xưa trong lòng phố thị” rằng, ông may mắn được về làm việc khi cơ quan Báo Nghệ An đóng đầu phố Đào Tấn. Để rồi có rất nhiều chiều lang thang trên đường Đào Tấn, hiểu phố trầm tích tường Thành cổ “chứa đựng” giới cần lao, còn là nơi ẩn trú mưu sinh của nhiều văn nghệ sĩ. Bên những quán cóc nhỏ, hầu rượu những nhà nhiếp ảnh, họa sĩ và nhạc sĩ ấy, biết về bao hỉ-nộ-ái-ố phận người mới nơi Thành cổ, trong con mắt những người làm văn nghệ được sống động lên, và ít nhất đâu đó bây giờ, người đã khuất vì trọng bệnh có những câu chữ luyến lưu để lại, người đã rời Thành cổ đi mưu sinh nơi khác, vẫn đau đáu mơ đêm trăng lồng lộng cổng thành… Sau những năm tháng chưa xa ấy, họ rời Thành cổ, người về nơi vĩnh hằng, người về xứ miền dâu bể khác, thì “bước” cuối cùng giã biệt cũng là trên con đường Đào Tấn này…

Đêm trên đường Đào Tấn. Ảnh tư liệu: N.L
Đêm trên đường Đào Tấn. Ảnh tư liệu: N.L

Và để rồi ông kết thúc bài viết: “Dẫu là đô thị trẻ, nhưng được giữ trong lòng một hình hài Thành cổ sẽ được phát huy giá trị trong tương lai, là Vinh đã dày dặn được âm hưởng phố xưa và nay để xây dựng tầm đô thị trung tâm Bắc miền Trung. Và con đường Đào Tấn, sẽ là một con đường nội đô quan trọng gọi về và lan tỏa đi những giá trị ấy. Và người phố, hẳn ai cũng đang muốn được góp nhặt cho riêng mình những cảm nhận mới tự hào và thân thương về một con phố đang phát triển sôi động trong lòng không gian Thành cổ của thành phố quê hương!”.

Trên đường Đào Tấn, những di tích lịch sử như Hào thành, cửa Tả, cửa Hữu… cùng hệ thống bảo tàng còn nguyên đó. Nhưng nay, khi các cơ sở kinh doanh dày thêm, và đặc biệt, khi phố ăn đêm dần dà được biết đến như một trung tâm ẩm thực thì “nét cổ xưa trong lòng phố thị” đã có phần suy giảm. Chỉ tính từ đầu năm 2022, thời điểm người ta đã dần quên đại dịch Covid-19, hầu như đêm nào trên đường Đào Tấn (đoạn từ cửa Tả đến Bảo tàng Xô viết Nghệ – Tĩnh) cũng luôn đông đúc, ồn ào bởi người kinh doanh và người thưởng thức đồ ăn, thức uống; và chật chội đến nghẽn tắc vì phương tiện ô tô, xe máy ra vào, đậu đỗ. Còn ban ngày, khi những ánh đèn điện sáng lấp lóa không còn, đoạn phố này lồ lộ một thực trạng hỗn tạp, xộc xệch, lem nhem, nhếch nhác bởi lều quán tạm bợ và đủ loại rác thải.

Phương tiện ô tô, xe máy đậu đỗ trên nền bó vỉa, và trong lòng cửa Tả. Ảnh: H.G
Phương tiện ô tô, xe máy đậu đỗ trên nền bó vỉa, và trong lòng cửa Tả. Ảnh: H.G

Cũng trong năm 2022, chính quyền thành phố Vinh thực hiện mục tiêu cải tạo, sửa chữa khu phố ăn đêm nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, địa điểm ẩm thực cho người dân và du khách, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển kinh tế khu vực. Cụ thể là triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực phố ăn đêm trên đoạn đường Đào Tấn (đoạn từ cửa Tả đến cửa Hữu thành cổ Vinh; đoạn đường phía Tây phố ăn đêm từ đường Đào Tấn đến Sân vận động Vinh) với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Các hạng mục được cải tạo gồm vỉa hè, mương thoát nước, cây xanh, xây dựng biểu tượng, lắp đặt đèn hoa văn trang trí, hệ thống chiếu sáng sân vườn phố ăn đêm. Từ vài tháng qua, các hạng mục chính như vỉa hè, mương thoát nước, biểu tượng… đã cơ bản hoàn thành, vậy nhưng, đường Đào Tấn cũng chưa vì thế mà văn minh – xanh – sạch đẹp lên được.

Đêm trên đường Đào Tấn, nhờ bởi ánh sáng đèn nên những cửa Tả, cửa Hữu hay phố ăn đêm trở nên lung linh, nhưng vẫn là cảnh ách tắc giao thông thường thấy vì phương tiện ô tô, xe máy đậu, đỗ dày kín. Thiếu chỗ đậu, đỗ, người ta tháo luôn dây chắn bảo vệ cửa Tả, đưa xe máy vào phía trong dựng vào các khoảng hẹp giữa các vôn va cây cảnh; còn ô tô, thì ghếch bánh đậu, đỗ trên bó vỉa bao quanh cổng thành, hoặc xếp hàng dọc hai bên vỉa hè, trước và sau cửa Tả. Đường Đào Tấn vốn đã hẹp, vì vậy bị thít chật cứng.

Tình trạng đổ gạch, đá vụn, xỉ than tạo đường lên cho phương tiện ô tô, xe máy đậu, đỗ tại khu vực phố ăn đêm. Ảnh: H.G
Tình trạng đổ gạch, đá vụn, xỉ than tạo đường lên cho phương tiện ô tô, xe máy đậu, đỗ tại khu vực phố ăn đêm. Ảnh: H.G

Ban ngày, vẫn nguyên cảnh hỗn tạp, xộc xệch, lem nhem, nhếch nhác. Vỉa hè hiện đã được lát gạch terrazzo, bó vỉa đá xám tự nhiên đồng nhất khá đẹp, tăng tính thẩm mỹ cho toàn tuyến đường. Lý ra, hơn ai hết các hộ kinh doanh cần nhận biết để bảo vệ, nhưng thực tế thì không như vậy. Để tạo đường lên vỉa hè đậu, đỗ cho phương tiện ô tô, xe máy, họ đem gạch đá vụn, xỉ than đắp vào phần tiếp giáp bó vỉa với lòng đường. Còn trên các vỉa hè, rất ít hộ tháo dỡ, thu dọn lều bạt, cọc chống, bàn, ghế, lò nướng… Chưa hết, lòng đường và vỉa hè luôn vương vãi đủ các loại đồ uế tạp, rác thải…

Bởi vệ sinh môi trường trên đường Đào Tấn còn kém, người viết đã liên hệ anh Phan Văn Thế – Đội trưởng Đội thu gom rác số 1 (Đội phụ trách vệ sinh môi trường đường Đào Tấn). Theo anh Thế, ở tuyến đường Đào Tấn, Đội được giao nhiệm vụ thu gom rác từ 18h đến 2 – 3h sáng ngày hôm sau. Vì tính chất riêng của phố ăn đêm, Đội đã bố trí 2 công nhân thực hiện 3 lượt thu gom rác mỗi đêm. Lượt đầu tiên vào lúc 18h, lượt thứ hai vào lúc 22h, và đến khoảng 2 – 3h sáng thì thu dọn thêm lần cuối. Với các hộ kinh doanh cố định thì có ý thức, nhưng đối với các hộ kinh doanh tự phát trên vỉa hè thì thực sự khó khăn, cả trong việc thu gom rác và thu phí.

Người lao động Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thu gom rác ở phố ăn đêm. Ảnh: H.G
Người lao động Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thu gom rác ở phố ăn đêm. Ảnh: H.G

Anh Thế nói: “Trong giao khoán của thành phố thì đường Đào Tấn không thực hiện vệ sinh ban ngày. Kết thúc giờ làm việc của anh em thì khu vực này đã cơ bản sạch, nhưng cứ đến 4 – 5h sáng, khi các hộ dọn hàng trở về nhà thì họ trả lại nguyên hiện trạng. Nhất là ở vị trí những quán đồ nướng, luôn tồn tại trên vỉa hè, lòng đường nhiều thứ rác, từ vỏ khoai, cùi ngô, giấy lau miệng… Đây là những bất cập mà những người làm công tác vệ sinh môi trường chúng tôi rất mong có giải pháp thay đổi…”.

Vùng Thành cổ Vinh đều thuộc địa bàn quản lý của phường Cửa Nam, thế nên, kể ra những hiện hữu trên đường Đào Tấn, và cả tâm nguyện của tác giả bài viết “Đường Đào Tấn – Nét cổ xưa trong lòng phố thị” với các cán bộ phường. Theo các anh, phố ăn đêm với nhiều món ăn đặc sản xứ Nghệ thu hút một lượng du khách nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế đêm của phường và thành phố. Tuy nhiên, việc kinh doanh phần lớn tự phát, còn thiếu sự quản lý, chưa tạo điểm nhấn đủ thu hút, níu giữ du khách… nên chưa phát huy hết giá trị, hiệu quả và đang có những tồn tại. Nhận thấy thực trạng này, cuối năm 2022, phường đã xây dựng Đề án “Phố ẩm thực đêm Thành cổ Vinh” để thực hiện, thay đổi.

Trên đường Đào Tấn, bất cứ đâu cũng có rác thải. Ảnh: H.G
Trên đường Đào Tấn, bất cứ đâu cũng có rác thải. Ảnh: H.G

Đề án đã vạch ra những việc cần làm, sẽ làm. Cụ thể, như đối với các hộ kinh doanh tự phát trên vỉa hè, sẽ yêu cầu thực hiện đồng bộ quầy, ốt di động theo mẫu có sẵn, có mái che, dễ tháo lắp, thu dọn và đảm bảo tính mỹ quan. Hay như công tác vệ sinh môi trường, đối với các hộ kinh doanh cố định thì yêu cầu xây nhà WC tự hoại đấu nối nước thải vào hệ thống mương thoát nước của thành phố; với các hộ kinh doanh di động, phường sẽ tổ chức làm việc để triển khai hệ thống nhà vệ sinh lưu động đảm bảo phục vụ nhu cầu. Phường cũng sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa điểm kinh doanh. Đó là sau khi hết giờ hoạt động theo quy định thì phải gom rác, chất thải để người lao động của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tổ chức thu gom; phải quét dọn sạch sẽ tại địa điểm mình kinh doanh, không để tình trạng tồn đọng rác và các chất thải gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Bàn, ghế, quầy, ốt đi động… phục vụ kinh doanh trên vỉa hè phải đảm bảo trật tự, gọn gàng và mỹ quan đô thị; khi nghỉ, phải thu gọn, vệ sinh sạch sẽ, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu.

Để chấm dứt tình trạng đậu, đỗ ô tô, xe máy bừa bãi, tránh ảnh hưởng đến di tích và gây ách tắc giao thông, tại các điểm kinh doanh, phường sẽ tạo khu vực đậu xe để các chủ hộ kinh doanh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; và sẽ bố trí một điểm trông giữ xe ô tô ở xung quanh khu vực sân bóng Sông Lam Nghệ An… Đồng thời, phường cũng sẽ thành lập Ban Quản lý và các Tổ tự quản để quản lý về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn, trật tự, đảm bảo giao thông, an toàn thực phẩm…, và thu các loại quỹ, phí.

Tình trạng lều bạt, cọc chống, dụng cụ bán hàng… trên vỉa hè đường Đào Tấn. Ảnh: H.G
Tình trạng lều bạt, cọc chống, dụng cụ bán hàng… trên vỉa hè đường Đào Tấn. Ảnh: H.G

Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, ông Đặng Hiếu Lam trao đổi: “Khi Dự án cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực phố ăn đêm hoàn thành, phường sẽ triển khai thực hiện đề án. Phường cũng đã kiến nghị thành phố chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành, bàn giao dự án này…”.

Nghe trao đổi của Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, mở ra hy vọng. Vì nghĩ tác giả bài viết “Đường Đào Tấn – Nét cổ xưa trong lòng phố thị” đã rất đúng khi nhìn nhận đường Đào Tấn là một con phố giàu ý nghĩa văn hóa, lịch sử nhất của Vinh. Và nghĩ, tuyến đường mang tên vị quan nổi tiếng thanh liêm Đào Tấn xứng đáng nhận được sự đầu tư, chăm sóc trở thành một điểm nhấn quan trọng của thành phố để lan tỏa được các giá trị…