Giá dầu tăng cao, ngư dân Nghệ An thua lỗ sau chuyến biển

(Baonghean.vn) - Tại các cảng cá trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai trong những ngày trung tuần tháng 3 này cho thấy, hải sản chủ yếu là cá trỏng, giá trị thấp, nên ngư dân thua lỗ, trong khi giá dầu tăng kỷ lục.
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu bốc dỡ hải sản từ tàu cá vào cảng. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu bốc dỡ hải sản từ tàu cá vào cảng. Ảnh: Xuân Hoàng 

Những ngày trung tuần tháng 3 này, ngư dân của những con tàu cá công suất lớn trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu trở về cảng cá sau chuỗi ngày đánh bắt trên biển. Tìm hiểu cho thấy, phần lớn chủ tàu không vui, vì hải sản đánh bắt được là cá trỏng, giá trị thấp, trong khi giá dầu tăng kỷ lục, đẩy chi phí lên cao, khiến hầu hết số tàu thua lỗ.

Vừa từ cảng cá vào khai báo nhật ký khai thác, lão ngư Trần Xuân Thành ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cho hay: Tàu của lão có công suất 750CV, đánh bắt bằng nghề vây rút chì, chuyến biển này đi 6 ngày liền, sản lượng chỉ được 3,5 tấn cá trỏng và khoảng 1 tấn cá khác. Do giá trị của cá trỏng thấp 12.000 đồng/kg, nên tổng thu nhập chuyến này hơn 90 triệu đồng. Trong đó, chi cho 2.500 lít dầu tương đương 65 triệu đồng, cộng với đá lạnh và các chi phí khác cho 6 ngư dân, xem như lỗ vốn.
"Mùa này hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá trỏng, giá trị thấp, trong khi sản lượng đánh bắt được không cao, nên thu không đủ chi trong điều kiện giá dầu tăng cao kỷ lục này. Nhiều lúc nghĩ đổi nghề đánh bắt cá ngừ nhưng vốn để đầu tư ngư cụ cao nên đành chịu", lão ngư Trần Xuân Thành chia sẻ.
Phần lớn tàu cá đi về trong dịp này là thua lỗ, vì chi phí cho nhiên liệu quá cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Phần lớn tàu cá đi về trong dịp này là thua lỗ, vì chi phí cho nhiên liệu quá cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan sát cả khu vực cảng cá Lạch Quèn cho thấy, phần lớn hải sản đánh bắt được là cá trỏng và một ít mực luộc và cá hố loại nhỏ... Do giá trị kinh tế thấp, nên ngư dân không có lãi, may chăng có vài tàu đạt sản lượng nổi trội, nên có ít lãi.  

Lão ngư Tô Duy Linh ở xã Quỳnh Nghĩa - chủ con tàu công suất 900CV cho biết: Tàu của ông đánh bắt hải sản bằng nghề lưới chụp 4 sào sử dụng dàn ánh sáng 200W, nên hiệu quả cao. Qua ghi chép khai báo nhật ký cho thấy, chuyến biển này, tàu cá của ông đánh bắt được 13 tấn cá các loại, trong đó: Hơn 1 tấn mực luộc, 10 tấn cá trỏng và 2 tấn cá hố, trị giá khoảng 280 triệu đồng. Lượng dầu tiêu thụ trong 10 ngày hoạt động đánh bắt trên biển là 6.000 lít và trừ mọi chi phí khác, còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

"Giá dầu tăng quá cao khiến chi phí tăng đáng kể trong chuyến biển, do vậy, dù sản lượng đánh bắt được khá cao so với trước nhưng lãi không được bao. Tuy nhiên, dù giá dầu tăng thì sinh nghề phải bám nghề để tạo việc làm cho ngư dân và trang trải cuộc sống", lão ngư Tô Duy Linh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Đông - Quản lý cảng cá Lạch Quèn cho biết, đợt trung tuần tháng 3 này đã có hơn 100 tàu cá cập cảng sau nhiều ngày liền đánh bắt trên biển. Qua nắm bắt thông tin từ các chủ tàu cho thấy, có tới 70% số tàu có sản lượng hải sản đạt thấp, phổ biến từ 2 - 6 tấn, trong khi chủ yếu là cá trỏng, giá trị thấp, nên thua lỗ, chỉ vài tàu có lãi.
Dịp này, hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá trỏng, giá trị thấp, trong khi giá dầu tăng kỷ lục nên phần lớn ngư dân thua lỗ. Ảnh: Xuân Hoàng
Dịp này, hải sản đánh bắt được chủ yếu là cá trỏng, giá trị thấp, trong khi giá dầu tăng kỷ lục nên phần lớn ngư dân thua lỗ. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là địa phương có số tàu thuyền đánh cá công suất lớn nhiều nhất tỉnh, với trên 150 tàu cá công suất trên 90CV. Tuy nhiên, quan sát dọc cửa sông cho thấy tàu thuyền neo đậu khá nhiều.
Ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập cho hay: Do giá dầu tăng quá cao trong những ngày đầu tháng 3, trong khi mùa này khó đánh bắt, nếu được thì giá trị hải sản cũng thấp, nên ngư dân ít ra khơi, vì sợ thua lỗ. Để tìm giải pháp giảm chi phí cho tàu thuyền trong quá trình đánh bắt, hội nghề cá của xã đã tổ chức nhiều buổi họp, trong đó giải pháp đặt ra là thành lập mỗi tổ 4 tàu cá, trong đó 3 tàu chuyên đánh bắt trên biển, 1 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hải sản về tiêu thụ.  

Nghệ An hiện có 3.469 tàu cá, với tổng công suất 654.224 CV, trong đó số tàu cá trên 12m có 1.762 chiếc. Trước sự tăng giá dầu một cách đột biến ở mức cao nhất từ trước đến nay, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế đối với ngư dân. Do vậy, để giảm chi phí trên mỗi chuyến biển, bà con ngư dân cần áp dụng các giải pháp có thể để duy trì với nghề một cách ổn định./.

Tin mới