Gia đình cầu thủ Nguyên Mạnh: Tình yêu chung và những hạnh phúc riêng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chung một tình yêu đối với thể thao, nhưng bố, anh trai và Nguyên Mạnh đi trên con đường khác nhau. Dù vậy, trên con đường nào thì cho đến cuối đích, họ vẫn gặp nhau ở một điểm đến: Tất cả vì hạnh phúc gia đình.

Sức mạnh từ hậu phương

Ở Đô Lương - chiếc nôi lớn của phong trào thể dục, thể thao tỉnh nhà, gia đình cầu thủ Trần Nguyên Mạnh là một trong những trường hợp đặc biệt nhất. Bố của thủ môn đội tuyển quốc gia này là thầy Trần Nguyên Thứ - một trong những giáo viên thể dục được các thế hệ học trò Trường THCS Đặng Sơn (Đô Lương) yêu quý và có rất nhiều thành tích cao đóng góp cho phong trào thể thao học đường của huyện cũng như của tỉnh. Anh trai Nguyên Mạnh là Trần Nguyên Hưng - một cầu thủ xuất sắc ở các giải bóng đá phủi trong và ngoài tỉnh. Truyền thống thể thao trong gia đình này được nuôi dưỡng một cách tự nhiên trên nền tảng tôn trọng. Phía sau những thành tích của 3 bố con là bóng dáng của một người vợ, người mẹ tảo tần, hy sinh.

Gia đình thầy Trần Nguyên Thứ có 3 người theo nghiệp thể thao. Ảnh: NVCC

Gia đình thầy Trần Nguyên Thứ có 3 người theo nghiệp thể thao. Ảnh: NVCC

Trước khi có được cuộc sống ổn định như bây giờ, gia đình thầy giáo Trần Nguyên Thứ nổi tiếng vì… nghèo. Cả thầy và vợ thầy - bà Hoàng Thị Nam, đều sinh ra trong những gia đình đông con, vất vả. Sau thời gian phục vụ quân đội, ông Trần Nguyên Thứ được trở về công tác tại quê hương theo đúng chuyên môn giáo viên thể dục, thể thao của mình. Đến với nhau chỉ có 2 bàn tay trắng, thầy Thứ toàn tâm, toàn ý với nghiệp sư phạm, cô Nam gồng gánh đủ thứ hàng hóa để trang trải cuộc sống gia đình, chăm lo ăn học cho 3 người con.

Trong căn nhà khang trang, kể về những ngày khốn khó, bà Nam trải lòng: “Giai đoạn người ta làm cầu Đô Lương, để có thêm tiền cho con ăn học, tôi nhận nấu cơm cho tốp công nhân 25 người. Ai cũng bảo tôi không biết lượng sức mình, vì lúc đó chồng đi học xa, con thì nhỏ, lại còn công việc buôn bán lâu nay nữa. Thế mà tôi vẫn làm. Cứ 5 giờ sáng là Hiền (con gái đầu) và Nguyên Hưng lại dậy bắt gà, bắt chim, bó rau… chất lên xe cho mẹ xuống nhập ở Vinh. Tất bật chở xuống Vinh, bán hết cho dân buôn xong lại lật đật về chợ búa, cơm nước phục vụ công nhân. Chiều lại đi nhập hàng, tối về cơm nước, chăm con… Ngày nào cũng như thế cho đến khi cầu xây xong. Nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. May sao trời cho tôi sức khoẻ để vượt qua hết những khó khăn này”.

Ảnh: Diệp Thanh

Ảnh: Diệp Thanh

Không chỉ chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, bà Nam là một người con, người chị mẫu mực, san sẻ, trách nhiệm với gia đình 2 bên nội, ngoại. Nói về vợ của mình, ông Trần Nguyên Thứ xúc động: “Nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi biết ơn và cảm phục “hậu phương” của mình vô cùng. Để sống trọn vẹn với đam mê và hoàn thành trách nhiệm dẫn dắt các vận động viên nhí tham gia giải thể thao, Hội khỏe Phù Đổng… rất nhiều lần tôi về muộn và thường xuyên công tác xa nhà. Ấy vậy mà suốt những năm chung sống chưa bao giờ vợ tôi phàn nàn hay trách móc. Nếu không có vợ âm thầm hy sinh, ủng hộ đó thì sự nghiệp của tôi đã không có được những niềm vui như hôm nay…”.

Lý giải sự ủng hộ tuyệt đối dành cho sự nghiệp của chồng, bà Nam chỉ cười hiền: “Mỗi người sinh ra có một vai trò và sức mệnh riêng nên tôi hiểu và tôn trọng những tâm huyết, lựa chọn của chồng. Không thể giúp chồng trên con đường sự nghiệp thì tôi lui về sau làm hậu phương vững chắc cho chồng, con vậy”.

2 anh em Nguyên Hưng - Nguyên Mạnh cùng bố mẹ trong một giải bóng đá đồng hương Đô Lương. Ảnh: NVCC

2 anh em Nguyên Hưng - Nguyên Mạnh cùng bố mẹ trong một giải bóng đá đồng hương Đô Lương. Ảnh: NVCC

Nếu như hậu phương của thầy Thứ là người vợ tần tảo, thì hậu phương của 2 anh em Nguyên Hưng - Nguyên Mạnh lại là cả bố và mẹ. Chia sẻ về gia đình, Nguyên Hưng nói: “Mẹ Nam ủng hộ đam mê thể thao của bố Thứ như thế nào thì bố Thứ ủng hộ đam mê thể thao của 2 con trai y như vậy. Chỉ cần là chơi thể thao, bố mẹ sẽ tạo điều kiện hết sức để con cái có thời gian tham gia, động viên con tìm kiếm đam mê và sống hết mình với nó. Còn mẹ sẽ là người nghiêm khắc, luôn lắng nghe và có mặt trong mọi bước ngoặt cuộc đời với những lời khuyên thấu đáo. Nếu bố là người giúp anh em tôi nuôi dưỡng đam mê và được đi trên con đường thể thao thì mẹ là người định hướng, rèn giũa để chúng tôi biết sống tử tế, biết đúng sai” - Trần Nguyên Hưng thổ lộ.

Sự ủng hộ âm thầm

Khác với suy nghĩ của nhiều người, 2 anh em Nguyên Hưng - Nguyên Mạnh đến với thể thao một cách tự nhiên, tự nguyện và không bao giờ phải chịu áp lực từ những kỳ vọng của bố mẹ. Tình yêu đó lớn dần lên sau những buổi sáng dậy sớm cùng bố đi đánh bóng chuyền, sau những mùa giải lẽo đẽo cổ vũ cho đội tuyển của bố, sau những buổi chiều rảnh rỗi vờn nhau với trái bóng trên bãi đất trống gần nhà… “Theo chân bố, cả 2 anh em chúng tôi đều có thể chơi rất nhiều môn thể thao khác nhau nhưng tuyệt nhiên bố mẹ không bao giờ nói chúng tôi phải giỏi môn gì, học cái gì. Chỉ cần là những môn thể thao lành mạnh thì bố mẹ sẽ ủng hộ, bởi hơn ai hết, bố mẹ hiểu rằng, con đường thể thao chuyên nghiệp không hề dễ sống. Thậm chí bố mẹ cũng không áp đặt thành tích học các môn văn hóa cho chúng tôi” - Nguyên Hưng chia sẻ.

Thầy Trần Nguyên Thứ là một trong những giáo viên đem nhiều thành tích trong phong trào thể dục, thể thao thiếu niên - nhi đồng về cho huyện Đô Lương. Ảnh: NVCC

Thầy Trần Nguyên Thứ là một trong những giáo viên đem nhiều thành tích trong phong trào thể dục, thể thao thiếu niên - nhi đồng về cho huyện Đô Lương. Ảnh: NVCC

Vốn là một người ít nói và nghiêm khắc, sự ủng hộ của thầy Thứ với 2 con cũng lặng lẽ, âm thầm như chính tính cách của thầy. Thấy con thích bóng đá, thầy đăng ký cho con theo học các lớp năng khiếu cộng đồng rồi cần mẫn chở 2 anh em đi đi, về về ngày 2 lần, bất kể mưa hay nắng. Để có thêm tiền nuôi đam mê của con, 1 buổi thầy đi dạy, 1 buổi thầy phụ vợ bán hàng.

Không đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp nhưng Nguyên Hưng vẫn có thể sống với đam mê trên con đường bóng đá "phủi". Ảnh: NVCC

Không đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp nhưng Nguyên Hưng vẫn có thể sống với đam mê trên con đường bóng đá "phủi". Ảnh: NVCC

Trên con đường đầy thử thách để đến với đam mê bóng đá của mình, Nguyên Hưng cảm nhận sự ủng hộ âm thầm đó một cách rõ nhất. Cùng em trai thi tuyển vào “lò” đào tạo của SLNA , dù kỹ thuật tốt nhưng Nguyên Hưng bị từ chối vì thể hình nhỏ bé. Vừa buồn, vừa bận học văn hóa, Hưng bỏ bê bóng đá một thời gian. Tốt nghiệp cấp 3, vì muốn trở thành một người như bố, Hưng thi vào Đại học Sư phạm thể dục, thể thao và không may trượt vì thiếu 0,5 điểm. Thất vọng, mông lung, Hưng không biết mình phải làm gì và đâu mới là con đường phù hợp. “Đó là giai đoạn tôi suy sụp nhất, cũng là giai đoạn bố lo lắng nhất, dù không nói ra. Sau đó, với sự tin tưởng của bố, tôi sang Hàn Quốc lao động. Trở về sau 9 năm xa nhà, dù xuất phát khá muộn, tôi hạnh phúc vì vừa có thể vừa làm kinh tế vừa theo đuổi đam mê bóng đá ở các giải “phủi” - Nguyên Hưng thổ lộ. Ở các giải bóng đá phong trào trong và ngoài tỉnh, Nguyên Hưng được xem là một cầu thủ sáng giá với thể lực tốt, kỹ thuật hay. Mới đây nhất, trong giải bóng đá Sân 7, cầu thủ này được bầu là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất và giành danh hiệu “Vua phá lưới”.

Vợ chồng thầy Thứ luôn đồng hành cùng các con trong mỗi trận đấu. Ảnh:NVCC

Vợ chồng thầy Thứ luôn đồng hành cùng các con trong mỗi trận đấu. Ảnh:NVCC

Còn với thủ môn Trần Nguyên Mạnh - hiện anh đã có 1 gia đình êm ấm, hạnh phúc. Chính hậu phương vững chắc đó đã góp phần tạo nên một Nguyên Mạnh rất thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Từng tham gia rất nhiều giải đấu và là một cái tên không thể thiếu trong Đội tuyển quốc gia Việt Nam. Sau 10 năm thi đấu chuyên nghiệp cho SLNA, Nguyên Mạnh chia tay đội bóng xứ Nghệ khi V.League 2019 khép lại và cập bến CLB Viettel bằng một bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Trước đó, anh là thủ môn xuất sắc nhất mùa bóng 2019 với 9 trận giữ sạch lưới cho SLNA, thủ môn nhận ít bàn thua nhất.

Hiện nay, trong màu áo Viettel, Nguyên Mạnh cho thấy sự nỗ lực không ngừng. Trong số các thủ môn thi đấu ở V.League, cầu thủ sinh năm 1991 luôn được giới chuyên môn đánh giá nằm top đầu.

Nguyên Mạnh và các đồng đội. Ảnh tư liệu
Nguyên Mạnh và các đồng đội. Ảnh tư liệu

Bà Hoàng Thị Nam - mẹ thủ môn Nguyên Mạnh chia sẻ: Từ khi các con còn nhỏ cho đến bây giờ, khi các con đã có con đường riêng, sự nghiệp riêng, vợ chồng thầy Thứ chưa bao giờ bỏ lỡ một trận đấu nào có sự tham gia của con, dù ở gần hay xa. “Tôi vẫn nhớ mãi, thời Nguyên Mạnh theo học tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SLNA, có một lần 2 vợ chồng tôi đi xe máy xuống Vinh để cổ vũ cho con trong điều kiện thời tiết rất xấu. Kết thúc trận đấu lúc 9 giờ đêm, chúng tôi chạy xe về Đô Lương trong mưa gió tầm tã, cây đổ ngổn ngang, đường vừa không có đèn vừa hư hỏng… Chuyến đi bão táp đó không thể là lý do để cản được những chuyến đi sau này, nhưng từ sự kiện đó mà 2 vợ chồng cũng phấn đấu mua một chiếc ô tô nhỏ để đi tiện đi cổ vũ cho các con hơn”./.

Tin mới