Gia đình cựu binh Mỹ hiến tặng hiện vật cho Việt Nam

Gần 50 năm trước, cựu binh Mỹ Walter Eugence Wilber đã bị bắt và giam tại nhà tù Hỏa Lò khi thực hiện nhiệm vụ ném bom ở miền Bắc (VN). Những kỷ vật trong thời gian bị giam giữ được ông mang về Mỹ như để nhắc nhớ về một thời không thể nào quên.

Phi công Walter Eugene Wilber (giữa) khi bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội  (ảnh được gia đình gửi tặng VN).
Phi công Walter Eugene Wilber (giữa) khi bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội (ảnh được gia đình gửi tặng VN).

Trung tá Hải quân Mỹ và ước nguyện trở lại

Trung tá phi công hải quân Walter Eugene Wilber đã có thời gian tham chiến tại Việt Nam, là phi công của chiến đấu cơ F- 4J Phantom II. Trong thời  gian này, Walter Eugene Wilber được giao nhiệm vụ ném bom miền Bắc (Việt Nam) theo mục tiêu đã được định trước. Máy bay xuất kích từ tàu sân bay trên biển Thái Bình Dương.

Trên đường bay, phi cơ do Walter Eugene Wilber điều khiển đã bị quân dân Đô Lương – Nghệ An bắn rơi vào ngày 16/6/1968, người bạn đồng hành Bernard Francis Rupinsk đã tử vong còn Walter Eugene Wilber kịp nhảy dù xuống cánh đồng huyện Thanh Chương. Walter Eugene Wilber bị bắt giữ và trở thành tù binh.

Walter Eugene Wilber được đưa về Hà Nội, chữa trị, hồi phục sức khỏe và  đưa về tạm giam tại trại giam Hỏa Lò – Hà Nội trong khoảng thời gian 1968 – 1973 và di chuyển qua một số trại tạm giam tù binh phi công khác.

Sau gần 5 năm sống trong các trại giam tù binh phi công Mỹ ở Hà Nội, Walter Eugene Wilber đã nhận được sự đối xử nhân đạo từ phía Chính phủ Việt Nam. Ông đã có những suy nghĩ  khác về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã viết khá nhiều bức thư gửi về cho vợ và con trai kể về cuộc sống của ông trong trại tạm giam tù binh phi công Mỹ ở Hà Nội – Việt Nam.

Những kỳ vật được gia đình Walter Eugene Wilber gửi tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Những kỳ vật được gia đình Walter Eugene Wilber gửi tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò 

 “Tôi không bị tra tấn, mặc dù được đối xử không được thân thiện lắm. Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”- Walter Eugene Wilber viết trong tập kỷ vật mà con trai trao lại cho Việt Nam.

Ngày 12/02/1973, Walter Eugence Wilber đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ, theo tinh thần của Hiệp định Paris. Những kỷ vật trong thời gian bị giam giữ tại Hỏa Lò cũng được ông mang về Mỹ như để nhắc nhớ về một thời không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Gần 50 năm qua, ông vẫn đau đáu nỗi khát khao được trở lại Việt Nam để gặp lại những kỷ niệm một thời. Tuy nhiên, cả cuộc đời của mình, Walter Eugence Wilber đã không thực hiện được điều đó.

Con hiện thực hóa khát khao cha

Hiểu được tâm nguyện của cha, Thomas Eugence Wilber - người con trai thứ 2 của Walter Eugence Wilber đã thay cha thực hiện ước nguyện. Mặc dù Thomas đã đến Việt Nam nhiều lần nhưng phải đến lần thứ 9 cũng  là lần thứ 2 đến Di tích Hỏa Lò anh mới thực hiện được ước nguyện điều đó.

Thomas Eugene Wilber đại diện gia đình trao kỷ vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Thomas Eugene Wilber đại diện gia đình trao kỷ vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Sau khi trở về Mỹ, mới đây Thomas Eugene Wilber và gia đình đã quyết định dành một số kỷ vật mà cha anh đã gìn giữ, đưa về từ trại tạm giam Hỏa Lò và một số tài liệu mà gia đình anh đã sưu tầm, cất giữ cẩn thận trong suốt gần nửa thế kỷ qua, bàn giao lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phục vụ công tác nghiên cứu, giới thiệu tới công chúng.

“Đó là những bức thư của cha gửi từ Việt Nam cho tôi và mẹ; là tấm giấy gói quà mà chính tay tôi đã gói và gửi sang cho cha, được ông lưu giữ lại cẩn thận; là tập báo đăng bài viết về  trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber, sau khi ông được trao trả về Mỹ…” - Thomas Eugence Wilber nói.

Theo Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thì việc tiếp nhận nhiều hiện vật từ cựu chiến binh Mỹ lần này sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung trưng bày tại di tích. Câu chuyện chân thực của gia đình trung tá Hải quân  Walter sẽ chạm đến trái tim của du khách, là dẫn chứng xác thực, khách quan về cuộc sống của tù binh Mỹ tại trại giam Hỏa Lò, hàn gắn vết thương chiến tranh và vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Hoa Kỳ.

Hành động đẹp này cũng tạo sức lan tỏa để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục cung cấp thêm nhiều thông tin, tài liệu và hiến tặng thêm nhiều hiện vật về tù binh phi công Mỹ, giúp Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò truyền tải tới công chúng thông điệp khách quan, chân thực về cuộc sống của tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam./.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới