Giá gas tăng mạnh, người tiêu dùng đối mặt áp lực chi phí leo thang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đầu tháng 2, giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm 63.000 đồng/bình 12 kg. Cùng với đó, giá xăng, dầu cũng tăng thêm gần 1.000 đồng/lít và mới đây nhất, Chính phủ vừa phê duyệt tăng giá bán lẻ điện. Điều này khiến người dân không tránh khỏi những áp lực khi giá cả leo thang…
Theo kỳ điều chỉnh mới nhất, giá gas tăng thêm 5.000 đồng/kg, tương đương tăng 60.000 đồng/bình 12 kg và 225.000 đồng/bình 45kg. Ảnh: Thanh Phúc

Theo kỳ điều chỉnh mới nhất, giá gas tăng thêm 5.000 đồng/kg, tương đương tăng 60.000 đồng/bình 12 kg và 225.000 đồng/bình 45kg. Ảnh: Thanh Phúc

Bắt đầu từ ngày 1/2, trước biến động của giá dầu thô thế giới tăng mạnh đã đẩy giá gas trong nước lên mức cao. Theo đó, các thương hiệu gas như: EIF, VT, PM, HAS, PV, PET, PHOENIX, Petrolimex… có giá bán dao động từ 430.000 – 1.800.000 đồng đối với loại bình có trọng lượng từ 12 - 45 kg.

Anh Nguyễn Hoàng Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh gas và thiết bị nhà bếp ở đường Trần Cảnh Bình (TP.Vinh) cho biết: “Từ ngày 1/2 giá gas bán lẻ tăng mạnh. Các hãng đã tăng giá với loại bình gas 12 kg dao động 60.000 - 64.000 đồng/bình (tuỳ loại). Tương đương giá gas tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Nhiều hãng gas đã công bố giá gas mới với loại bình gas 12 kg có giá trên 500.000 đồng/bình”.

Giá gas tăng khiến các gia đình sử dụng gas để đun nấu chịu tác động không nhỏ. Ảnh: Thanh Phúc

Giá gas tăng khiến các gia đình sử dụng gas để đun nấu chịu tác động không nhỏ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo anh Minh cho biết, hiện giá gas tăng do ảnh hưởng của thị trường khí đốt thế giới, thời tiết lạnh các nước châu Âu, Mỹ sử dụng nhiều khí đốt để sưởi ấm, phục vụ công nghiệp. Mặt khác, do chiến tranh kéo dài, thị trường Trung Quốc mở cửa du khách sau đại dịch COVID-19 nên nhu cầu sử dụng gas cũng tăng hơn trước.

Gas là mặt hàng thiết yếu được phần lớn các gia đình sử dụng hằng ngày. Do đó, khi giá gas tăng đã khiến chi phí sinh hoạt tăng theo khiến người tiêu dùng chịu không ít áp lực. “Mỗi bình gas 12 kg gia đình tôi chỉ sử dụng được hơn 1 tháng. Trước đây, mỗi bình gas Petrolimex 12 kg có giá 430.000 đồng nay tăng lên 493.00 đồng.

Các hàng quán kinh doanh ăn uống chịu nhiều áp lực khi gas tăng giá mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Các hàng quán kinh doanh ăn uống chịu nhiều áp lực khi gas tăng giá mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng gia đình phải chi thêm 63.000 đồng cho chi phí nhiên liệu nấu nướng. Giờ cũng chỉ biết tìm cách nấu nướng thế nào cho tiết kiệm nhất thôi chứ cũng không thể chuyển sang dùng bếp từ vì chi phí lắp đặt cao và giá điện cũng vừa được phê duyệt điều chỉnh tăng giá bán lẻ”, bà Lưu Thị Tuyết ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc) cho biết.

Giá gas tăng không chỉ gây áp lực cho các hộ gia đình, mà các hàng quán kinh doanh ăn uống cũng gặp nhiều khó khăn. “Giá đầu vào các loại thực phẩm tăng khi giá cước vận chuyển tăng. Nay xăng vừa tăng giá, tiếp đến là giá gas và hiện nay, theo thông tin thì Chính phủ vừa phê duyệt tăng giá bán lẻ điện. Giá cả leo thang thế này khiến việc kinh doanh rất khó khăn.

Nhiều cửa hàng ăn uống đã thay hệ thống bếp gas bằng bếp điện, nồi hơi để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều cửa hàng ăn uống đã thay hệ thống bếp gas bằng bếp điện, nồi hơi để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Thanh Phúc

Trung bình mỗi tháng, bếp ăn của tôi sử dụng 3 bình gas công nghiệp loại 45 kg, nay sau kỳ điều chỉnh giá đầu tháng 2, mỗi bình tăng thêm gần 250.000 đồng, tính ra riêng tiền gas đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện tại, chúng tôi cũng chưa thể tăng thêm giá bán các món phục vụ thực khách”, anh Hoàng Hiệp, chủ một quán ăn ở đường Lê Mao kéo dài (phường Vinh Tân, TP.Vinh) cho biết.

Theo anh Hiệp cho biết, khi giá gas tăng cao, hiện chỉ một số công đoạn trong chế biến cần làm nóng nhanh thì anh sử dụng bếp gas, còn lại đã thay thế bằng các loại nồi điện, nồi hơi. Tuy nhiên, giá gas tăng, sắp tới giá điện tăng buộc anh phải thay đổi bằng việc nấu bằng bếp than và tính toán đến chuyện tăng giá bán các món ăn của quán.

Các đại lý kinh doanh gas cũng gặp khó khi lượng tiêu thụ giảm sút do người dân chuyển đổi sang các loại bếp điện, bếp từ. Ảnh: Thanh Phúc

Các đại lý kinh doanh gas cũng gặp khó khi lượng tiêu thụ giảm sút do người dân chuyển đổi sang các loại bếp điện, bếp từ. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ tạo thêm gánh nặng đối với người tiêu dùng, việc giá gas tăng cao còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính các đơn vị kinh doanh mặt hàng này. Theo đó, nhiều chủ đại lý kinh doanh gas cho biết, lượng tiêu thụ gas trong tuần qua giảm mạnh từ 10-20% so với trước. Nguyên nhân là do giá gas tăng nên nhiều gia đình đã chuyển sang đun nấu bằng bếp điện hoặc bếp than để tiết kiệm chi phí.

Có thể thấy rằng, việc giá gas cùng với giá xăng, dầu tăng là trở ngại không nhỏ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng tăng giá này có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần tìm cách ứng phó phù hợp, đồng thời, các cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá, giảm thiểu gánh nặng cho người tiêu dùng.

Nhiều quán hàng kinh doanh ăn uống đã tính toán đến phương án tăng giá bán. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều quán hàng kinh doanh ăn uống đã tính toán đến phương án tăng giá bán. Ảnh: Thanh Phúc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Tin mới