Giá thép xây dựng tại Nghệ An tăng vọt

(Baonghean.vn) - Thời điểm cuối năm, giá thép cùng một số loại vật liệu xây dựng khác tăng vọt, khiến nhiều chủ đầu tư cũng như các hộ gia đình phải tăng mức đầu tư xây dựng công trình.

Khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh sắt thép, chúng tôi được biết, chỉ trong vòng 1 tháng qua, từ thời điểm báo giá tháng 12/2020, đến thời điểm báo giá tháng 1/2021, giá thép cây phi 10 tăng 20.000 đồng/cây, từ 82.000 đồng đến 104.000 đồng/cây, tùy từng loại. Thép phi 16 tăng lên hơn 50.000 đồng/cây. Thép phi 25 từ 569.000 đồng đến 582.000 đồng/cây, tăng lên 694.000 đồng đến 711.000 đồng/cây, tức là tăng hơn 120.000 đồng/cây, tùy hãng thép.

Tính cả năm 2020, giá thép tăng từ 50.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/cây, tùy kích cỡ và hãng sản xuất. 

Giá thép liên tục tăng trong những tháng cuối năm khiến cho nhiều gia đình, chủ đầu tư xây dựng lao đao. Ảnh: Tiến Đông
Từ đầu năm đến nay, giá thép liên tục được điều chỉnh tăng. Ảnh: Tiến Đông

Theo tính toán, nếu mỗi gia đình có diện tích sàn xây dựng 100m2, sử dụng hết khoảng 200 cây phi 10; 150 cây phi 16; 70 cây phi 18, chưa kể các loại phi 6 và các loại thép khác thì chi phí đội lên do tăng giá thép là hơn 10 triệu đồng mỗi sàn. Đối với những dự án xây dựng lớn, như xây dựng chung cư cao tầng, khách sạn... có diện tích mặt sàn lớn, thì mỗi sàn xây dựng đội vốn do giá thép tăng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Một chủ cơ sở kinh doanh sắt thép trên địa bàn TP. Vinh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, giá thép liên tục tăng, được cập nhật từng tháng, có khi cập nhật hằng ngày. Lý do của việc này được chị Na lý giải là do phía các công ty đều báo về là giá nguyên liệu đầu vào tăng lên, nên buộc phải đưa ra giá bán điều chỉnh. Mặc dù biết khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi, nhưng đây là điều bất khả kháng. 
Giá sắt thép đồng loạt tăng trên tất cả các đại lý theo giá niêm yết của công ty nhắm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường. Ảnh: Tiến Đông
Giá sắt thép đồng loạt tăng trên tất cả các đại lý theo giá niêm yết của công ty sản xuất nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường. Ảnh: Tiến Đông

Một quản lý tổng kho sắt thép trên địa bàn huyện Hưng Nguyên cho biết thêm: Mặc dù các đại lý đã giảm mức chiết khấu, cắt giảm được một ít chi phí vận tải do giá xăng dầu giảm; tuy nhiên, dù đã thực hiện nhiều cách khác nhau cũng không kéo giá thép giảm xuống được. Trên thực tế, giá thép bán cho khách hàng đều đã được các công ty niêm yết, chính vì thế mà dù ở các địa bàn khác nhau đều có chung một mức giá, nhằm tránh việc phá giá thị trường, cạnh tranh không lành mạnh. 

Mặc dù trong năm 2020 giá cước vận tải có giảm theo giá xăng dầu, tuy nhiên giá bán thép vẫn liên tục tăng mạnh, đều khắp ở tất cả các đại lý. Ảnh: Tiến Đông
Mặc dù trong năm 2020 giá cước vận tải có giảm theo giá xăng dầu, tuy nhiên giá bán thép vẫn liên tục tăng mạnh. Ảnh: Tiến Đông

Không riêng gì giá sắt, thép xây dựng, giá tôn lợp cũng tăng trong những tháng cuối năm. Tùy các loại tôn như mạ inok, sơn bền màu hay tôn xốp, những tháng cuối năm giá tăng lên từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/m2, dao động từ 103.000 đồng đến 230.000 đồng/m2.

Giá tôn không biến động nhiều như giá thép nhưng cũng tăng từ 20.000 đến 25.000 đồng/m2 tùy từng loại. Ảnh: Tiến Đông
Giá tôn không biến động nhiều như giá thép nhưng cũng tăng từ 20.000 đến 25.000 đồng/m2 tùy từng loại. Ảnh: Tiến Đông

Việc giá thép tăng vọt khiến cho nhiều hộ gia đình đang xây dựng dở dang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, họ buộc phải tiếp tục mua thép để hoàn thiện công trình, nếu chấp nhận chờ đợi diễn biến giá thép thì chưa chắc giá thép sẽ giảm xuống mà còn làm chậm tiến độ.

Anh Trần Văn Tiển, hiện đang xây nhà tại phường Trung Đô (TP.Vinh) cho biết, gia đình anh khởi công nhà từ tháng 9/2020, kể từ khi làm móng đến khi hoàn thiện sàn tầng 3, giá thép đã tăng lên 4-5 lần. Nếu tính tổng chi phí, riêng phần thép đã tăng hơn 50 triệu đồng so với dự toán. 

Việc giá sắt thép tăng cao khiến cho nhiều hộ gia đình đầu tư xây nhà dù bị đội vốn nhưng cũng phải tiếp tục xây dựng nếu không công trình sẽ không kịp tiến độ. Ảnh: Tiến Đông
Việc giá sắt thép tăng cao khiến cho nhiều hộ gia đình đầu tư xây nhà dù bị đội vốn nhưng cũng phải tiếp tục xây dựng nếu không công trình sẽ không kịp tiến độ. Ảnh: Tiến Đông

Riêng với các dự án lớn, do giá thép tăng cao dẫn đến tổng mức đầu tư sẽ bị đội lên rất nhiều lần. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến các chủ đầu tư, buộc họ phải làm các thủ tục điều chỉnh tổng mức, hoặc phải tìm các giải pháp cắt giảm.

Tin mới