Giá thuốc biệt dược gốc giảm mạnh nhờ đấu thầu thuốc quốc gia

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết kết quả đấu thầu mua 20 mặt hàng thuốc của năm 2018 giá rẻ hơn 251 tỷ đồng.

Ngày 5/1, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ký thỏa thuận khung cung ứng thuốc từ tháng 1/2018. Gói thầu này gồm 5 hoạt chất với tổng giá trị trên một nghìn tỷ đồng, trong đó gồm 5 biệt dược gốc và 19 thuốc generic chia thành 3 gói Bắc, Trung, Nam. Giá kế hoạch được phê duyệt giảm 5-15% so với những mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh thành phố trong 12 tháng trước đó.

Kết quả có 20 mặt hàng thuốc trúng thầu. Bình quân 5 thuốc biệt dược gốc giảm gần 14% giá so với giá trúng thầu các bệnh viện, tỉnh năm 2017. Loại giảm ít nhất 9,8%; giảm nhiều nhất 15% là hoạt chất Meropenem 500 mg và loại 1 g. Giá thuốc generic giảm bình quân gần 34%. Đặc biệt thuốc nhóm 1 (vừa hết hạn bản quyền), hoạt chất giảm nhiều nhất đến gần 43%. Có thuốc sản xuất trong nước giảm đến gần 55%.

"Điều lo nhất khi xây dựng giá kế hoạch thấp là không có nhà thầu trúng. Tuy nhiên, thực tế trong lần đấu thầu này giá 5 biệt dược gốc đã giảm mạnh nên phá vỡ quan niệm trước đây là thuốc biệt dược gốc độc quyền, không bao giờ giảm giá”, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết.

Giá thuốc biệt dược gốc giảm mạnh nhờ đấu thầu thuốc quốc gia ảnh 1

Giá thuốc trong năm 2018 sẽ giảm nhiều nhờ hình thức đấu thầu thuốc quốc gia. Ảnh người bệnh mua thuốc tại bệnh viện: Lê Phương

Bảo hiểm xã hội tính toán nếu các bệnh viện, các tỉnh vẫn sử dụng giá trúng thầu cũ thì 20 mặt hàng trúng thầu thuốc lần này giá tổng cộng hơn 1.187 tỷ đồng. Trong khi đó nhờ đấu thầu thuốc quốc gia, số tiền chi trong năm 2018 chỉ còn gần 936 tỷ đồng; giảm hơn 251 tỷ.

Cũng theo ông Đức, Bảo hiểm xã hội đã yêu cầu các nhà thầu cam kết khả năng cung ứng thuốc theo tiến độ. Bảo hiểm cũng sẽ có phần mềm theo dõi tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại các bệnh viện, tỉnh.

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chọn đấu thầu quốc gia với những vật tư y tế có chi phí cao, nhiều chủng loại, nhiều mức giá như thủy tinh thể nhân tạo, stent mạch vành… Ngoài ra sẽ mở rộng đấu thầu thuốc kháng sinh, thuốc chữa tiểu đường...

Trước đó, Bộ Y tế cũng đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất tương ứng với 22 mặt hàng (gồm 5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic), cung cấp trong hai năm 2018-2019. Kết quả đấu thầu đã tiết kiệm 477 tỷ đồng, giảm khoảng 17% so với giá chào thầu.

Thuốc hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi cho khám chữa bệnh của bảo hiểm y tế. Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ quỹ bảo hiểm y tế năm 2015 hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48%. Năm 2016 con số này hơn 31.500 tỷ đồng (41%). Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội.

Một trong những hạn chế bất cập là đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh, dẫn đến giá trúng thầu khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc.

Tin mới