'Giá trị cuộc sống được tạo ra khi theo đuổi mục tiêu bằng suy nghĩ lạc quan nhất'

(Baonghean.vn) - Đó là những tâm tư của "người đàn ông da cam" Lê Bá Thành, người đã vươn lên chinh phục công nghệ, sản xuất thành công nhiều cỗ máy thủ công dù không được đi học phổ thông.

Nỗi đau chiến tranh vẫn còn dai dẳng khôn nguôi, nhất là đối với những người con bị di chứng chất độc dioxin, để rồi họ không có cơ hội được học hành, được phát triển như những người bình thường. Thế nhưng, vượt lên nỗi đau đó, nhiều người không những tự lo được cho bản thân, mà còn mang đến niềm vui, cơm áo cho nhiều hoàn cảnh cũng mang phận khuyết tật như mình. Lê Bá Thành (SN 1978) tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh) là một trong những người “đàn ông da cam” nghị lực cho chúng ta thật nhiều cảm hứng, ngay lần đầu gặp gỡ, trò chuyện.

PV: Xin chào anh Lê Bá Thành, chỉ mới nghe kể về anh mà tôi đã rất muốn được gặp anh xem những lời “đồn đại” có đúng sự thật không? Có đúng là anh không hề được học chữ nhưng đã chế tạo thành công hàng trăm cỗ máy?

Anh Lê Bá Thành- SN 1978 là người chế tạo thành công rất nhiều cỗ máy.  Ảnh: Đức Anh
Anh Lê Bá Thành (SN 1978) là người chế tạo thành công rất nhiều cỗ máy. Ảnh: Đức Anh

- Không được học chữ mà chế tạo máy thành công thì đúng nhưng hàng trăm loại thì chưa đến đâu. Bởi mỗi loại máy tôi chỉ mới chế tạo 1 phiên bản, và chưa cải tiến tính năng mới nên những máy tiện ích hiện đại hơn sẽ ra lò trong thời gian tới. Thế nhưng, để có được những kết quả nho nhỏ này là một chuỗi ngày chiến đấu không mệt mỏi với bệnh tật, một tuổi thơ “thèm muốn” con chữ.

PV:  Như thế anh đã phải cố gắng, nỗ lực bằng trăm lần người bình thường? Anh có thể kể về quá trình chinh phục những chặng gian nan đó? 

- Tôi sinh ra cũng lành lặn như những đứa trẻ khác, từ nhỏ tôi được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, bà nội. Nhưng đến năm 4 tuổi, đôi chân cứ teo dần. Đang đi đứng bình thường tôi không thể tự đi lại, rồi không thể tự mình đứng lên. Càng lớn, đôi chân càng nhỏ bé, queo quắt, và cũng từ đó tôi chỉ làm quen với góc nhà, tha thẩn sân vườn.

Lê Bá Thành chưa từng được đến trường học chữ, anh chỉ mày mò trong những cuốn sách được mượn để tìm kiếm tri thức. Ảnh: Đức Anh
Lê Bá Thành chưa từng được đến trường học chữ, anh chỉ mày mò trong những cuốn sách được mượn để tìm kiếm tri thức. Ảnh: Đức Anh

Bố mẹ tôi cũng đã đưa đi chữa chạy khắp nơi, nhưng sau này tôi mới biết bố tôi bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường Quảng Trị và dù bệnh tật không thể hiện ở cơ thể ông nhưng nó truyền cho tôi.

Thế rồi lúc tôi lên 6, mẹ tôi có em bé, tôi còn nhớ cả nhà mừng vui khấp khởi chờ em bé lành lặn khỏe mạnh ra đời. Thế nhưng, ông trời lại cướp mất mẹ và em trong cơn vượt cạn của mẹ.

Tôi ở với bố mấy năm rồi chuyển về ở cùng bà nội ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) vì bố phải đi làm việc xa. Đến năm 12 tuổi bà nội mất, tôi ra Vinh ở với bố và mẹ hai. 

Trong những ngày tháng ở quê, thấy các bạn cùng trang lứa đi học tôi thèm lắm, nhưng nhà xa trường không có xe lăn để đi, cũng không ai có thời gian để chở tôi  bằng xe đạp đến trường cách nhà tới hơn 5 km. Khi ra ở với bố, tôi cũng chỉ được học cách ghép vần rồi biết chữ bằng cách ôn luyện hàng ngày thông qua sách, báo.

Tuổi thơ tôi cứ lớn lên như thế, và tôi chỉ biết tìm niềm vui của mình thông qua những câu chuyện trong sách, những cuốn sách mà bố tôi mượn về, hoặc nhiều người đến chơi cho tôi mượn.

Và dần dà sách với tôi như một người bạn, như một thế giới mở ra trước mắt. Và cũng chính sách đã cho tôi chắp cánh tình yêu tri thức; sự quyết tâm, lòng kiên trì. Sách cũng cho tôi hiểu, muốn đạt được điều gì nhất định phải theo đuổi bằng ý chí và nghị lực cao nhất, dù đó là người xuất sắc, người bình thường, hay người kém may mắn.

PV: Tôi cứ thắc mắc rằng, tại sao không được đi học nhưng anh lại có thể tiếp cận được với nghề cơ điện, một nghề ít nhiều phải có sự thông hiểu về nguyên lý vận hành, nguyên tắc vật lý và ít nhất phải có được một lượng kiến thức nền cơ bản nhất?

Nghề cơ điện là niềm yêu thích đầu tiên trên con đường chinh phục tri thức của anh Lê Bá Thành. Ảnh: Đức Anh
Nghề cơ điện là niềm yêu thích đầu tiên trên con đường chinh phục tri thức của anh Lê Bá Thành. Ảnh: Đức Anh

- Càng lớn tôi càng muốn có được một tay nghề nào đó có thể nuôi sống bản thân, chứ chỉ ở trong nhà đi ra, đi vào để bố và dì phải nuôi tôi thấy rất phiền phức và buồn chán vô cùng.

Thế rồi năm 16 tuổi, sau nhiều lần khẳng định với bố rằng tôi muốn được đi học nghề cơ điện và tôi có thể làm được. Bố tôi đã gửi tôi vào một doanh nghiệp tư nhân chuyên sửa chữa điện tử, điện lạnh. Bắt đầu chỉ làm thợ quấn mô tơ, rồi tiến hành lắp ráp, sửa chữa, theo yêu cầu của chủ. 

Càng tiếp xúc với nghề, tình yêu với những cỗ máy càng được nhân lên trong Thành, khiến anh muốn tự mình chế tạo được nhiều máy móc phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhiều người. Ảnh: Đức Anh
Càng tiếp xúc với nghề, tình yêu với những cỗ máy càng được nhân lên trong Thành, khiến anh muốn tự mình chế tạo được nhiều máy móc phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhiều người. Ảnh: Đức Anh

Càng sửa các bệnh của máy tôi càng muốn tìm hiểu xem vì sao nó lại bị các tật hư hỏng như thế để tìm ra phương pháp, rồi dần dần tôi lại muốn sản xuất ra nhiều máy thủ công tiện ích mà nhiều người đang cần.

Ban đầu tôi thử mày mò thủ công theo suy nghĩ của mình, nhưng càng về sau, càng đọc sách tôi càng nắm rõ hơn về nguyên lý. Tôi tự vẽ sơ đồ, tự mắc các mạch điện mô tơ theo hướng dẫn trong sách cơ bản, sau đó nâng cấp dần lên bằng cách dựa vào sự vận hành thực tiễn. Lâu dần tôi đã có được một vài sản phẩm ra lò, sau khi sửa thành công hàng trăm máy cơ khí.

Dù là người xuất sắc, người bình thường hy người kém may mắn đều phải trui rèn và cố gắng không mệt mỏi mới có được kết quả mà mình mong muốn. Ảnh: Đức Anh
Theo anh Thành, dù là người xuất sắc, người bình thường hay người kém may mắn đều phải trui rèn và cố gắng không mệt mỏi mới có được kết quả mà mình mong muốn. Ảnh: Đức Anh

PV:  Con đường làm thợ và trở thành ông chủ với người như anh quả là rất vất vả, gian nan; và nay anh có trong đó cả may mắn?

- Phải nói sao bây giờ, nói là gian nan cũng được, may mắn cũng được. Gian nan vì một người khuyết tật không có tý tư liệu sản xuất nào mà có được tý vốn liếng ít ỏi như ngày hôm nay thì phải nỗ lực bằng trăm lần so với những người bình thường. Thế nhưng, nếu không có sự giúp đỡ, tư vấn của nhiều người, nhiều tổ chức và chính sách vay vốn của Nhà nước dành cho người khuyết tật thì tôi không thể có được chút thành công này.

Sau khi rời cơ sở sửa chữa điện tử, điện lạnh, tôi được Hội Người khuyết tật hỗ trợ vốn vay và mặt bằng để tự mở một cơ sở riêng với nhiều người khuyết tật có những mặt nghề khác. Cơ sở của tôi lúc đó dù có bảng hiệu, dù đã tạo được ít “tiếng lành” nhưng vẫn rất khiêm tốn vì đồng vốn eo hẹp, mình lại chưa thể mở mang được các đơn hàng, sản phẩm của mình chưa được thị trường công nhận. Thế nên, quá trình đó quả thật rất gian nan, tôi phải mang sản phẩm của mình đi chào bán và ký gửi khắp nơi. Nhiều cơ sở nhận nhưng tôi biết họ thiếu sự tin tưởng, nhiều người nhận vì thương hại một người khuyết tật.

Cơ sở của anh Thành luôn có khoảng 4 - 5 công nhân, họ là những người khuyết tật vận động. Ảnh: Đức Anh
Cơ sở của anh Thành luôn có khoảng 4 - 5 công nhân, họ là những người khuyết tật vận động. Ảnh: Đức Anh

Tôi khẳng định rằng dù người bình thường cũng rất khó khăn trong cơ chế thị trường bán buôn nhiều cạnh tranh này, thế nên tôi tự nhủ mình không được lùi bước, không được nản và nhất là cần phải tìm ra “chìa khóa”- đó chính là sản phẩm của mình có phù hợp với nhu cầu không.

Ví dụ, máy ép nước mía đã giản tiện so với các máy của các hãng khác chưa, đã thực sự tạo ra năng suất và ít hư hỏng chưa? Vì thế thời gian đầu dù vay vốn rất nhiều, lại phải chi trả nhân công, mặt bằng nhưng tôi vẫn xin ký gửi ở các cửa hàng không ứng trước đồng vốn nào với niềm tin mọi người sẽ đánh giá đúng chất lượng của máy.

Và bây giờ khi đã có được một lượng thị trường ổn định, tôi vẫn tự nhủ rằng mình phải phát triển thêm nữa, đa dạng hóa về chủng loại, mỗi chủng loại phải có được những tiện ích riêng, để các chủ cửa hàng đừng từ chối nhận hàng, vì họ cho rằng máy của tôi ban đầu bán rất chạy nhưng sau đó thì chững lại, là bởi nó lâu hư quá! 
Việc đảm bảo chất lượng là điều mà tôi luôn hướng đến, nhưng việc chững lại là do mình chưa phát triển thêm được những tiện ích mới cho chính những chiếc máy công năng cũ.

PV: Tôi thấy công nhân làm việc tại xưởng của anh rất nhiều người khuyết tật?

- Hiện tôi có từ 4 - 5 công nhân thường xuyên và tất cả đều là người khuyết tật. Bởi tôi có một suy nghĩ, những người như chúng tôi, dù khuyết đôi chân, nhưng bù lại có sự cẩn trọng, ý chí và đặc biệt rất giữ chữ tín, thế nên tôi chọn họ.

Hơn nữa người khuyết tật luôn mong được nhìn nhận công bằng, tại sao chúng ta không tạo cơ hội cho họ...?

Giờ đây anh Lê Bá Thành đã có hai con trai xinh xắn bụ bẫm... Ảnh: Đức Anh
Giờ đây anh Lê Bá Thành đã có hai con trai xinh xắn bụ bẫm... Ảnh: Đức Anh

PV:  Xin được hỏi cuộc sống riêng của anh? Anh có vợ đẹp, hai đứa con đáng yêu, cuộc sống này là một câu chuyện cổ tích giữa đời thực không?

- Tôi hay nghĩ đến chữ duyên, có duyên thì gặp, có duyên thì nên. Nhung, vợ tôi là sinh viên Trường Đại học Hồng Lam. Sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm nên đã thử vào làm trong xưởng tôi. Có lẽ thấy tôi dễ thương, hiền lành thì sinh cảm mến, và tôi cũng thế...

Tôi thường trêu đùa cô ấy: Hai ế gặp nhau, thế là nên duyên chồng vợ. Tôi tuy chỉ đi lại được bằng xe lăn nhưng tôi giúp vợ được khá nhiều việc trong gia đình, lại rất vững chãi trong cuộc sống nên tôi nghĩ vợ mình không phải vất vả, phiền muộn nhiều về tôi.
 Bây giờ tôi không mong ước gì nhiều, chỉ cần con tôi lớn lên khỏe mạnh và hiểu được, giá trị của cuộc sống chỉ được tạo ra khi ta quyết tâm theo đuổi bằng suy nghĩ lạc quan nhất.
PV:  Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Tin mới