Giá trị sản xuất Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An tăng 12%

(Baonghean.vn) - Với nhiều giải pháp đồng bộ, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động, đem lại giá trị sản xuất năm 2021 tăng 12% so với năm trước. Đó là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện dịch Covid-19 tác động phức tạp.
Thống kê của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, doanh thu sản xuất năm 2021 của đơn vị đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020;  trong đó, xuất khẩu đạt 4.600 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2020). Năm 2021, đơn vị đóng thuế vào ngân sách Nhà nước 480 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2020). Dù vậy, theo đánh giá của công ty, lợi nhuận thu được trong năm chưa đạt mục tiêu đề ra (chỉ bằng 79% năm 2020). Thế nhưng kết quả trên rất đáng khích lệ trong hoàn cảnh cả nước và thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Nhà máy xi măng Sông Lam (Bài Sơn- Đô Lương) thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam hoạt động 24/24h, đảm bảo sản lượng đặt ra. Ảnh tư liệu
Nhà máy xi măng Sông Lam (Bài Sơn- Đô Lương) thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam hoạt động 24/24h, đảm bảo sản lượng đặt ra. Ảnh tư liệu

Để đạt được kết quả đó,  Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam tăng cường chỉ đạo các bộ phận chuyên môn cùng các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, ổn định ca kíp sản xuất.

Trong giai đoạn đỉnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Nghệ An, lãnh đạo Công ty có chủ trương bố trí cho công nhân là người ở vùng có dịch thực hiện ăn ở tại công ty để làm việc. Quá trình đó có hỗ trợ tiền ăn cho người lao động. Chính vì vậy, đơn vị luôn duy trì đủ nhân công cho 3 ca sản xuất hàng ngày.

Trong năm 2021, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cũng phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt chất lượng tốt, năng suất cao, chấp hành kỷ luật lao động và đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh lao động.

Dây chuyền đóng bao ở cụm Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết. Ảnh Nguyên Nguyên
Dây chuyền đóng bao ở cụm Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết. Ảnh: Nguyên Nguyên
Hoạt động tại dây chuyền đóng bao xi măng ở Trạm nghiền Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh Nguyên Nguyên
Hoạt động tại dây chuyền đóng bao xi măng ở Trạm nghiền Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyên Nguyên

Tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên tổ chức những hoạt động thi đua bám sát nhiệm vụ từng bộ phận chuyên môn, từ đó, khuyến khích cán bộ, công nhân, người lao động hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Qua chia sẻ, anh Nguyễn Song Hào – Phó phòng Hành chính, Bí thư đoàn thanh niên Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, cho biết thêm: “Gần 80% lao động trong công ty đều là người trẻ, được đào tạo bài bản, ý thức chấp hành kỷ luật lao động tốt và tích cực tham gia các phong trào. Điều đó đã góp phần cùng tập thể cán bộ, công nhân, người lao động toàn công ty hoàn thành thắng lợi mục tiêu sản xuất năm 2021”.

Bốc xếp xi măng tại Trạm Nghiền xi măng Nghi Thiết. Ảnh Nguyên Nguyên
Bốc xếp xi măng tại Trạm Nghiền xi măng Nghi Thiết. Ảnh: Nguyên Nguyên
Các sản phẩm của Xi măng Sông Lam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh Nguyên Nguyên
Các sản phẩm của Xi măng Sông Lam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Nguyên

Cùng với việc duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng trong nước và quốc tế, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam còn đẩy mạnh thi công các bến cảng tổng hợp quốc tế Nghi Thiết.

Hiện các cầu cảng tổng hợp 4, 5, 6 và 7 thi công được 50% khối lượng công trình, riêng cầu cảng số 7 đã hoàn thành trên 75% khối lượng, dự kiến bàn giao, đưa vào hoạt động trong quí I/2022. Độ sâu âm (-) tự nhiên từ 7-14 mét ở vùng cảng Nghi Thiết (Nghi Lộc) do Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đầu tư rất thuận lợi để tàu thuyền trọng tải lớn bốc xếp hàng hóa. Trên thực tế, các cầu cảng chuyên dụng của công ty đã đón tàu 70.000 tấn cập cảng bốc xếp xi măng và Clinker.

Thi công các bến cảng 4,5,6 và 7 ở cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyễn Hào
Thi công các bến cảng 4,5,6 và 7 ở cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyễn Hào

“Chúng tôi đang đẩy mạnh huy động nguồn vốn để sớm hoàn thiện các cảng biển và hệ thống các dịch vụ logictics về lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa… ở vùng cảng Nghi Thiết. Với hệ thống bến cảng được đầu tư đồng bộ, cùng với hệ thống chắn sóng đảm bảo, Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An tại Nghi Thiết sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho bốc xếp hàng hóa. Điều đó, không chỉ riêng phục vụ cho sự phát triển của công ty mà còn phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp khác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ…”, ông Hoàng Minh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam khẳng định.

Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam có Nhà máy xi măng Đô Lương, Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết được đầu tư bằng công nghệ tiên tiến với tổng mức đầu tư gần 15 nghìn tỷ đồng. Công ty sản xuất 4,6 triệu tấn/năm. Hiện, đơn vị tạo việc làm ổn định cho trên 1.400 lao động, chủ yếu là con em tỉnh Nghệ An với thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/ tháng. Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đang đầu tư thêm gần 1.100 tỷ đồng xây dựng hệ thống Cảng biển tổng hợp quốc tế tại Nghi Thiết (Nghi Lộc).
Cầu cảng chuyên dùng Công ty CP Xi măng Sông Lam tại Nghi Thiết- Nghi Lộc đưa vào khai thác tháng 10-2017 cho tàu trên 70.000 tấn vào nhận hàng. Ảnh tư liệu: Mạnh Hùng
Cầu cảng chuyên dùng Công ty CP Xi măng Sông Lam tại Nghi Thiết- Nghi Lộc đưa vào khai thác tháng 10-2017 cho tàu trên 70.000 tấn vào nhận hàng. Ảnh tư liệu: Mạnh Hùng

Tin mới