Giá trị thật!

(Baonghean) - Tuần vừa rồi, ngoài vụ cá chết bất thường và gây ra đau thương vô bờ bến cho các làng biển miền Trung khiến cả nước rúng động và âu lo thì có một việc khác cũng khiến dư luận ngạc nhiên và ngao ngán khi biết rõ sự thật về một “lò ấp tiến sỹ”.
Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Trung bình một ngày 15 phút cái lò này cho ra một tiến sỹ. Cái này, nói vô phép, không khác gì gà, vịt siêu trứng. Chuyện này, không giết chết một thực thể hữu hình nào như là cá, tôm chẳng hạn. Nhưng mà nó giết chết một thứ vô hình song vô cùng quan trọng đó chính là niềm tin và đội ngũ trí thức nước nhà. Dĩ nhiên, trí thức ở đây là gọi theo tiêu chí bằng cấp còn dựa vào thực chất thì gọi vậy chưa hẳn đã là chính xác.
Lý giải nguyên nhân “lạm phát” tiến sỹ, có người cho rằng đó là hậu quả của tư tưởng chạy theo bằng cấp, hám danh cho dù đó là cái danh hão. Coi bằng cấp như là mọt thứ đồ trang sức tăng thêm sự sang trọng cho mình. Nhìn bề ngoài là vậy, nhưng thật ra không hão chút nào hết mà từ cái bằng tiến sỹ chất lượng thấp đó nó đem lại cho người sở hữu danh vị tiến sỹ những lợi ích rất thật và không hề nhỏ. Mà như ông hiệu trưởng Trường Đại học Thái Nguyên đã thừa nhận là: có bằng tiến sỹ được cất nhắc các chức vụ, ví dụ không là tiến sỹ thì không được là trưởng khoa, trưởng bộ môn.
Còn trong các viện nghiên cứu, phải có bằng tiến sỹ thì mới được làm chủ các đề tài khoa học cấp này, cấp nọ với kinh phí tỷ này, tỷ nọ. Và ô tô, nhà lầu từ đó mà ra. Không có bằng tiến sỹ thì đói dài. Thực tế là không chỉ trong nhà trường hay ở các viện nghiên cứu nơi cần có trình độ tiến sỹ để phục vụ hữu ích cho công mà ở bất cứ cơ quan nào trong bộ máy công quyền, có bằng tiến sỹ đều đạt được chức tước, bổng lộc dễ dàng và nhiều hơn.
Cho dù công việc lãnh đạo, quản lý hằng ngày chẳng dính dáng, chẳng cần thiết gì đến cái bằng tiến sỹ. Vì đôi khi chuyên ngành được đào tạo chẳng ăn nhập gì với chức vụ và nhiệm vụ được giao. Nhưng có thêm cái bằng đó, việc cơ cấu vào bộ máy thuận lợi hơn nhiều lãnh đạo, quản lý thuận lợi hơn nhiều. Mà một khi có quyền thì sẽ có tiền đi kèm ngay. Thế nên, ở ta,  người người đua nhau làm tiến sỹ không phải là để trang bị thêm kiến thức, phục vụ tốt hơn cho công việc mà để có thêm một công cụ hỗ trợ cho việc kiếm tiền được dễ dàng và  hiệu quả hơn. 
 Vì quan niệm như thế cho nên người ta sẵn sàng bỏ ra khá nhiều tiền để “mua” về cho bằng được cái “công cụ” hỗ trợ đó. Việc này, cũng giống như người nông dân tích cóp, dành dụm để mua một chiếc máy cày giúp cho việc làm đồng đạt năng suất cao hơn, để có thêm nhiều tiền hơn. Đã có mua thì ắt có bán. Người ta bán một cách công khai thông qua các hội đồng đánh giá. Vì thế mà để có được một cái bằng tiến sỹ bây giờ phải chi ra vài ba trăm triệu, có khi là lên tới nửa tỉ. Phần chi phí cho đánh máy, mua tài liệu, dịch thuật rất ít mà chủ yếu là để phong bao, phong bì rải từ trên xuống dưới. Từ người hướng dẫn tới người phản biện, hội đồng đánh giá.
Thế nên, không có gì là khó hiểu khi mà có không ít luận án tiến sỹ với các đề tài vô bổ thậm chí là ngớ ngẩn cũng vẫn được thông qua và bảo vệ thành công. Vì tiền, vì cái lợi cỏn con trước mắt người ta cứ xuê xoa, bỏ qua cho nhau thế. Ai khắt khe, không bỏ qua, lần sau không được mời vào hội đồng và sẽ không được người trong giới chơi cùng nữa. Không chơi cùng thì sẽ không mách nhau, mời nhau hợp tác làm đề tài khoa học thì sẽ không có tiền nữa.
Chung quy, mọi việc tồi tệ đi là vì tiền. Thế nên, mới có một nghịch lý là nông dân chân lấm, tay bùn không có bằng cấp gì thì sáng chế ra đủ thứ máy móc phục vụ lao động, sản xuất còn 24 nghìn vị tiến sỹ ở ta, trong mấy năm qua  hình như chưa cho ra được một thứ công cụ nào phục vụ hữu ích cho cuộc sống. Ấy thế mà chả ai thấy ngượng cả. Sự liêm sỉ, lòng tự trọng của kẻ sỹ đã bị kim tiền choán chỗ mất rồi. Còn gì đau thương hơn thế. Ác một nỗi,       những tiến sỹ bằng thật, trình độ ảo lại đi dạy tiếp cho sinh viên, hướng dẫn người khác rồi sản xuất ra tiếp những tiến sỹ không khác gì mà có khi còn không bằng họ. Hậu họa sẽ là không lường.
Nói thật, cái bằng tiến sỹ ở ta nếu chỉ thuần túy thỏa mãn nhu cầu về học thuật không thôi mà không mở ra con đường tiếp cận với tiền, quyền thì có lẽ có cho không cũng ít người muốn nhận chứ đừng nói đến chuyện bỏ tiền của, công sức ra để tậu cho bằng được. Thế nên, đừng nói tình trạng lạm phát tiến sỹ ở ta là chạy theo danh hão, giá trị ảo mà là chạy theo một giá trị rất thật đó chính là tiền bạc. Và đó cũng chính là cái giá trị thật nằm trong cái bằng tiến sỹ ở ta.
Bụt Sơn