Giá vé bay đến Việt Nam đắt đỏ, khách quốc tế 'quay xe'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Giá vé máy bay đắt đỏ sau dịch Covid-19 là một trong những lý do khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nhiều khách quốc tế đã "bẻ hướng" sang điểm đến khác.

Khách bỏ đến Việt Nam vì giá vé cao

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, kể câu chuyện: Đầu năm 2023, Lux Travel DMC - một thành viên của Lux Group - có một đoàn 30 khách Ý đăng ký tham quan Việt Nam trong 16 ngày. Tuy nhiên, giá vé máy bay quá cao và không có đường bay thẳng từ Ý khiến khách quyết định không đi.

Một đoàn khách khác từ Anh cũng từ bỏ kế hoạch du lịch Việt Nam vì giá vé máy bay đắt đỏ. Thay vào đó, họ chọn Thái Lan do đường bay thuận tiện và giá vé tốt hơn.

“Đi công tác tại hội chợ WTM London (Anh) và ITB Berlin (Đức), tôi nhận thấy giá vé từ Việt Nam đi các nước này cao gấp đôi so với thời điểm trước năm 2019”, ông Hà nhận xét.

80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không. Ảnh: Hoàng Hà

80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Hà cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh so với các nước trong khu vực. “Giá vé máy bay cao sẽ làm cho khách ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới việc khách quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam”, ông nói.

Tại Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” diễn ra sáng 25/4 ở Khánh Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay, khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt kỳ vọng. Quý I/2023, ước đạt gần 2,7 triệu lượt, mới bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 80%, năm 2019) so với đường bộ, đường biển.

Cũng chính vì thế, du lịch Việt Nam phục hồi chậm với tỷ lệ 23% so với Malaysia 24%, Thái Lan 25%, Indonesia 29%, Philippines 45% và thấp hơn hẳn so với mức trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương là 30,5%.

Giá vé máy bay cao còn làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các điểm đến trong nước. Đại diện Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho rằng, chi phí vé máy bay tăng cao là rào cản cho việc lựa chọn của du khách, vì kế hoạch đi chơi thường được chốt rất sớm.

Trong dải giá vé máy bay, các công ty lữ hành thường đặt mua trước vé ưu đãi của hàng không (gọi là series booking) để ổn định giá, ưu đãi cho du khách có kế hoạch mua sớm. Song, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội, nhận xét, có nhiều giai đoạn, gần ngày bay hãng lại điều chỉnh vé lẻ bán trên hệ thống rẻ hơn hẳn giá mua trước.

“Điều này tạo ra thói quen tiêu dùng gấp, vừa khiến công ty lữ hành khó xử, vừa không đảm bảo chất lượng dịch vụ”, bà lo ngại.

Cần liên kết chặt chẽ hơn

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho hay, các thị trường gửi khách chính của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thì việc giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.

Một số khách nước ngoài ngại đến Việt Nam vì thủ tục visa, nay là vé máy bay quá cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Một số khách nước ngoài ngại đến Việt Nam vì thủ tục visa, nay là vé máy bay quá cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt đề xuất hãng hàng không kết hợp với công ty lữ hành hình thành một số sản phẩm đặc thù, cùng quảng bá trên các chuyến bay và các điểm đến, làm truyền thông chéo trên hệ thống của các bên tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, hàng không và du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể; phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch; xây dựng kế hoạch quảng bá - tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

Ví dụ, cần tính toán đến hai điểm đến cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan và Singapore cho các thị trường châu Âu, Úc và Mỹ; học hỏi kinh nghiệm của điểm đến Hawaii về du lịch biển đối với thị trường Nhật,...

Đại diện của các hãng hàng không Việt Nam tại các thị trường nước ngoài có điều kiện để hiểu biết và quan hệ tốt với các đối tác du lịch, vì vậy cơ quan quản lý cần có yêu cầu phối hợp cụ thể, hỗ trợ (kể cả tài chính khi cần thiết) để hàng không tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có hiệu quả, tạo hiệu ứng kép cho phát triển du lịch quốc gia.

Bà Nhữ Thị Ngần chia sẻ, sau đại dịch, khả năng chi trả của du khách bị ảnh hưởng khá lớn, nên việc kích cầu bằng các chính sách khuyến mãi của hàng không là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Với bối cảnh hiện nay, vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế là một bất lợi lớn của du lịch Việt Nam trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực. Để khắc phục điều này, doanh nghiệp lữ hành mong muốn phía hàng không xem xét, cân nhắc trong việc mở đường bay mới để du khách có thêm lựa chọn; kết hợp với du lịch mở các chuyến bay charter đối với các chặng không có chuyến bay thương mại.

Tin mới