Giấc mơ Thành cổ

Cách nay hơn 40 năm, Thành cổ Vinh với những trầm tích lịch sử, văn hóa được quy hoạch xây dựng Công viên Thành cổ. Do quy hoạch “treo”, nhiều bất cập nảy sinh, những giá trị trăm năm của cả vùng Thành cổ bị hao mòn. May thay, việc thực hiện Dự án Tiểu đô thị Vinh mà cải tạo Hào Thành cổ là một hợp phần đã khơi gợi lại giấc mơ về một Công viên Thành cổ…

Tôi may mắn được là công dân Thành cổ từ những năm 1982, khi cơn bão số 6 khốc liệt quét vào Thành Vinh vừa mới qua đi. Nhớ ngày ấy, rời căn nhà tập thể để sống tại ngôi nhà tranh bố mẹ dựng lên ven Hào Thành cổ, trên nền đất của Trường cấp 1- 2 Quang Trung. Thật lạ lẫm, và thích thú.

Thành cổ Vinh là cả một kho tàng bí ẩn để ngày ngày lũ trẻ chúng tôi mải miết kiếm tìm. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với những gian phòng có ánh sáng mờ ảo, với những bức ảnh, bức tranh, sa bàn, vật chứng… mô tả đủ đầy phong trào cách mạng những năm 1930 – 1931, và sự đàn áp ghê người của Thực dân Pháp. Bảo tàng tổng hợp, nơi tụ hội những hiện vật từ cổ chí kim của đất nước con người xứ Nghệ. Từ phong cảnh thiên nhiên, đồng bào các dân tộc, đến những hình nộm thú, chim, cá… Còn Sân vận động Vinh, là lớp lớp thế hệ các cầu thủ Hà Thìn, Hải Vẩu, Phương Phùng, Quang Tù, Thắng Mạch, Sỹ Hùng… Những công trình văn hóa, thể thao ấy, đầy những lý thú. Nhưng, Cổng thành và Hào thành vẫn là nơi hấp dẫn, níu giữ, cho chúng tôi nhiều những kỷ niệm đẹp nhất.

Các cổng thành Tiền, Tả, Hữu trước đây, không như bây giờ với đủ đầy những mái cong uốn lượn. Mà là những nét rêu phong cổ kính, trên thân mình còn đầy những vết thương chiến tranh do bom đạn Mỹ dập vùi. Đây là nơi chúng tôi hằng đêm chia đôi quân số chơi đủ thứ trò, từ đánh trận giả, đuổi bắt trốn tìm… Khi chê chán, hè nhau trèo lên trên đỉnh cổng, nằm bẹp xuống sàn gạch ngắm sao đêm và hưởng lồng lộng gió trời kèm hơi nước mát rượi được đưa lên từ chính Hào thành.

Cấu trúc của Hào Thành, theo hình lục giác bao một vòng quanh Thành cổ, có một bờ tường bao những phiến đá ong nâu đỏ, vuông vức, xếp ngang hàng thẳng lối. Vùng nước Hào thành bấy giờ thật rộng, sạch, và là một thế giới thủy sinh nhiều lắm cá, ốc, tôm, cua… Lũ chúng tôi, vào những buổi trưa hè, chờ khi những chú ốc nhồi không chịu nổi nóng bức nhô lên khỏi mặt nước bám vào những cụm rễ bèo thì ào xuống, lật bèo bắt lấy. Nhỏ cũng như bé, đứa nào cũng kiếm được từng rổ, từng chậu ốc béo mầm, đem về nhà luộc kèm sả, ớt, lá bưởi chấm mắm gừng thơm lẫy lừng và ngọt lịm. Và nữa, cứ dăm ngày một cữ lại theo các bác đánh lưới vây để bắt những con cá, con tôm bị sóng đánh lao lư dạt sát vào bờ. Chúng tôi chỉ cần chờ ở mấp mé bờ, vòng hai bàn tay gạt từng vốc lên bờ, dăm mươi phút đã có cái đem về cho nhà thêm món

Cửa Thành cổ trước đây. Ảnh tư liệu: Internet
Cửa Thành cổ trước đây. Ảnh tư liệu: Internet

Theo thời gian, thành phố đổi thay. Thành cổ cũng có những đổi thay. Nhưng nảy sinh nhiều hệ lụy. Kinh tế thị trường như khiến con người ta ích kỷ hơn với di sản văn hóa, lịch sử. Người dân ở cả hai vành đai Hào Thành cổ, đã đào bờ tường thành lấy đi những phiến đá ong; đổ muôn thứ rác thải, đất đá xâm lần Hào thành. Hai Cổng thành Tiền, Tả được “cải tạo, làm mới”, đủ đầy các chi tiết, nhưng phai mờ mất đi dấu tích cổ.

Rồi vấn nạn ô nhiễm môi trường xẩy ra bởi những rác thải, nước thải, bùn thải… Những khi nồm lên, nước đen nồng lên những mùi xú uế; có những giai đoạn ruồi muỗi nhiều vô kể. Để giảm thiểu, người ta từng đã trồng sen. Có những dịp hè, sen bừng lên thật đẹp, nhưng cũng chẳng thể lấy lại được những gì trước đây đã có. Một thời gian, môi trường nước độc hại, sen cũng không thể sống nổi, tàn phai, và Hào thành tiếp tục là một màu nước đen… Còn cư dân Thành cổ, trong một vùng quy hoạch treo đầy rẫy sự hỗn tạp, lem nhem những cụm dân cư xuống cấp, những hạ tầng cơ sở đường xá giao thông thấp kém… có không ít tiếng thở dài.

Năm 2014 là thời điểm Dự án Nâng cấp và cải tạo Hào thành cổ Vinh, thuộc hợp phần 2 của Tiểu dự án đô thị Vinh được phê duyệt. Biết mục tiêu chính yếu của dự án là nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, nên cư dân Thành cổ khi nghe tin đều rất mong chờ.

Nhưng khó khăn, vướng mắc ập đến. Đầu tiên là công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời tái định cư giải phóng mặt bằng cho gần 350 hộ dân bị ảnh hưởng. Việc xác định nguồn gốc, sử dụng đất của người dân; việc áp dụng các chính sách nhà nước sao cho đúng quy định và phù hợp thời điểm; việc dân lựa chọn nơi đi nơi đến… Thế nên, đến tận tháng 3/2016, dự án mới được triển khai thi công. Khó khăn, vướng mắc trước chưa xử lý xong, khó khăn sau lại ập đến. Đó là khi các nhà thầu đưa thiết bị, máy móc xuống Hào thành san gạt, múc bùn, đóng cọc xây dựng bờ kênh, do nền đất hai bờ yếu, đã phát sinh hệ lụy ảnh hưởng nhà cửa, công trình dân sinh. Lại có kiến nghị, khiếu nại và một khoảng thời gian việc thi công bị đình trệ…

Rồi thì khó khăn, vướng mắc nào cũng phải vượt qua, để việc cải tạo Hào thành phải được thực hiện theo tiến độ đã cam kết với Ngân hàng Thế giới. Phần lớn người dân đã cảm thông, chia sẻ, dù phải chịu những căng thẳng bực bội không chỉ từ những vướng mắc lợi quyền, mà cả do việc thi công gây ồn ã, bụi bặm, bẩn thỉu khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Ai cũng hiểu, Hào thành cần được cải tạo hoàn thành, để khi ấy môi trường sống được thay đổi tốt hơn so với hàng chục năm ròng rã trước đây… Hàng loạt thiết bị máy móc, nhân lực đã được các nhà thầu dồn về, quần quật ngày đêm. Còn chúng tôi, cuốn vào giữa bốn bề công việc…

Vào một ngày hè đầu tháng 7, mẹ tôi, bà giáo già đã qua tuổi 70 trong một bữa cơm chiều đầy xúc cảm: “Dự án đã giúp cho hàng trăm hộ dân trong thành ta được đổi đời…”. Bà kể, dịp này mỗi sáng, thường cùng bạn bầu đi bộ dọc theo đường vành đai hai bên Hào thành. Bởi đường đã thảm nhựa sạch sẽ, Hào thành đã có lan can an toàn; và thời khắc sáng, mặt nước tĩnh lặng không còn mùi hôi, không gian thoáng mát, bách bộ ngắm cảnh rất tuyệt.

Tôi cũng học bà dành thời gian bách bộ dọc hồ những sáng tinh sương. Và hiểu, tại sao cảm xúc của bà dâng trào đến thế. Chỉ mới đây thôi, Hào Thành còn chạy len giữa hai bên nhà  dân, nhiều đoạn bị san lấp, trở thành các đoạn ao nhỏ, tù đọng nước, không lưu thông, ô nhiễm trầm trọng, hàng trăm gia đình hai bên hào hết sức khốn khổ. Nay được cải tạo, Hào thành đã như một chiếc hồ điều hòa, ôm trọn vẹn vùng Thành cổ. Hào Thành có tường kè chắc chắn, phía trên đỉnh tường được đắp đất trồng cỏ tạo cảnh quan. Đường giao thông ôm trọn vẹn hai bên Hào thành đã cơ bản hoàn thiện, được lu lèn kỹ lưỡng, thảm nhựa bóng láng; hai bên có vỉa hè, có các ô cây xanh, và hệ thống cột điện chiếu sáng. Dù vẫn chưa hoàn chỉnh nhưng đã rất đẹp, cuộc sống người dân được thay đổi hoàn toàn.

Cảnh trí hai bên Hào thành khác xưa, còn bởi nhờ hai tuyến đường giao thông hoàn thành nên có đến dăm trăm hộ dân đã mấy chục năm ở trong “tối”, nay đã ra ngoài “sáng”.

Những người dân có nhà ven Hào thành, trên nét mặt đều dễ dàng cảm nhận niềm vui. Như ông cụ Hệ, cán bộ cấp ủy có thâm niên hàng chục năm của K2, P. Cửa Nam đã hơn tháng nay cứ chiều chiều lại đem cần câu ra Hào thành câu cá, hóng mát. Cụ nói với tôi đầy sảng khoái: Thế là thoát khỏi một đời sống khổ. Đã hơn 40 năm sống trong vùng quy hoạch “treo” rồi…

Nghe những lời của ông cụ Hệ, tôi lại nhớ đến nguyên Chủ tịch UBND TP. Vinh Hoàng Đăng Hảo. Nhớ năm 2008, Công viên Thành cổ là quy hoạch “treo” hơn 30 năm bị “đấu” tại HĐND tỉnh, cấp thẩm quyền đã phê duyệt điều chỉnh lại. Khi ấy ông đã nói rằng: “Thành phố sẽ bố trí quy hoạch lại để từng bước thực hiện dự án…::. Rồi khoảng năm 2012, trước khi rời thành phố chuyển sang công tác khác, anh đã nói với tôi về Dự án Tiểu đô thị Vinh, về việc cải tạo Hào thành cổ. Nhớ nhất lời anh: “Mình đặt nhiều tâm huyết ở dự án này. Dù rời thành phố, nhưng dự án đã được phê duyệt, thấy cũng có chút đóng góp với Vinh. Việc cải tạo Hào thành cổ sẽ là bản lề mở ra nhiều điều tốt đẹp…”.

Trong những ngày nắng đẹp tháng 7/2018, tôi đã tìm lên đỉnh của hầu khắp các nhà cao tầng trong thành phố để thỏa thích ngắm nhìn xuống mọi góc cạnh vùng Thành cổ. Ở đấy, để mường tượng lại những kỷ niệm thuở ấu thơ gắn với những chiếc Cổng thành, Sân vận động Vinh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tổng hợp và Hào thành cổ… Và, ghi lại hết những hình ảnh đẹp nhất của cả vùng Thành cổ Vinh.

Và thật thú vị khi nhận ra, dù các cụm dân cư trong thành hẵng còn những điều bất ổn do chưa được quy hoạch lại, hạ tầng đường xá giao thông hẵng còn yếu kém, nhưng nhờ có Hào Thành được cải tạo bao quanh làm nền tảng nên tổng quan chung đã thực sự đẹp. Từ đây nghĩ rằng, với những di tích lịch sử văn hóa trăm năm, với những công trình văn hóa còn đứng chân đấy mãi muôn đời, vùng Thành cổ Vinh thực sự là tâm điểm của thành phố.

Tôi lại nhớ đến Phố cổ Hội An với những tuyến phố nườm nượp người đi bộ, những đêm hoa đăng và những chiếc thuyền lờ lững trong đêm trên sông Hoài… Với những gì ở vùng Thành cổ Vinh đang hiện hữu, nếu được quan tâm, có sự đầu tư thích đáng, sẽ dễ dàng có dáng dấp của một Hội An. Đây sẽ là một trung tâm lịch sử – văn hóa – du lịch, để du khách mỗi dịp đến sẽ phải tìm vào. Tự nhủ, tỉnh mình, thành phố mình hiện thời còn khó khăn. Nhưng là hôm nay thôi, còn trong tương lai, sẽ khác…

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. yến

    hội an không bị máy bay thả bom nên nhà cổ không bị phá .còn nghệ an công trình 19.. , còn bị san bằng nữa là xây lại phố cổ giả như hội an . ai ai cũng phì cười.