Giấc ngủ chập chờn của những thân nhân F0 bên ngoài khu điều trị

(Baonghean.vn) - Để tiết kiệm tiền, những người nhà bệnh nhân Covid-19 không dám thuê nhà nghỉ, khách sạn mà dựng lều tạm ngủ vật vã ngay bên lề đường. Vì cơm áo, gạo tiền, họ đành phải chấp nhận những giấc ngủ thiếu thốn, chập chờn.

Điểm chờ tin từ F0 nặng

Gần nửa đêm, vẫn còn một nhóm người ngồi xổm bên lề đường, ngay trước cổng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An), để trò chuyện. Tất cả họ đều là những người nhà của các F0 đang điều trị ở trong Trung tâm Bệnh nhiệt đới. “Mới chợp mắt được 5 phút thì xe cấp cứu chạy qua, hú còi inh ỏi. Thế là không ngủ được nữa”, ông Nguyễn Đàn (68 tuổi), ở huyện Nam Đàn nói. Ánh đèn đường chiếu xuống hiu hắt, nhưng cũng đủ để thấy rõ những dáng người nằm co quắp trong những chiếc màn dựng tạm bên lề đường.

Giấc ngủ bị đánh thức bởi tiếng còi xe cấp cứu liên tục ra vào. Ảnh: Tiến Hùng
Giấc ngủ bị đánh thức bởi tiếng còi xe cấp cứu liên tục ra vào. Ảnh: Tiến Hùng

“Họ nằm vậy thôi chứ chưa ai ngủ đâu. Ở đây ngủ yên sao được”, ông Đàn nói thêm. Trung tâm Bệnh nhiệt đới là tuyến cuối cùng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Nghệ An. Ở đây đang điều trị khoảng 300 F0, hầu hết là những ca có bệnh nền, triệu chứng nặng và nguy kịch, phải thở máy. Cứ khoảng 10 phút, một chiếc xe cấp cứu lại chạy ngang qua cổng, chúng làm đứt đoạn giấc ngủ nhọc nhằn của những người nhà bệnh nhân, đang nằm vật vã bên ngoài.

Vợ ông Đàn bị nhiễm Covid-19 từ gần 10 ngày trước. Do có nhiều bệnh nền, bà dần trở nặng rồi đưa lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị. Con cái đều đi làm ăn xa, ông Đàn đành phải gửi hàng xóm trông nhà hộ để lên thành phố chăm nom bà. Gọi là chăm nom người bệnh nhưng thật ra, do quy định, từ khi vợ ông được chuyển tới đây, hai vợ chồng chưa một lần được gặp nhau. Dù vậy, ngày nào ông Đàn cũng túc trực ngay bên ngoài cổng. Mỗi buổi sáng, ông thường gói một vài đồ thiết yếu và sữa rồi đặt trước cổng, nhờ các nhân viên y tế chuyển vào cho bà.

Bên trong những căn lều dựng tạm. Ảnh: Tiến Hùng
Bên trong những căn lều dựng tạm. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Đàn nói rằng, ở TP. Vinh vợ chồng ông chẳng quen biết ai. Sợ tiếc tiền, ông cũng chẳng dám ngủ ở nhà nghỉ, chứ chưa nói đến khách sạn. Đêm đầu tiên, do chưa biết, ông Đàn đành phải ngồi co ro trên chiếc ghế đá cả đêm. Đêm đó, ông Đàn chẳng thể chợp mặt nổi một phút, phần vì lo cho vợ, phần vì không có chỗ đặt lưng và bị muỗi đốt. Ngày hôm sau, ông học theo những người khác, đi thuê một chiếc giường xếp, mua màn rồi ra ngoài lề đường ngủ. “Cũng may là tôi không phải mua bạt. Vì có người vừa về, họ nhường chỗ cho. Còn không cũng mất hơn 100.000 đồng mua tấm bạt mỏng này”, ông Đàn nói.

Câu chuyện của chúng tôi với những người này thường bị gián đoạn bởi những tiếng của nhân viên y tế gọi người nhà. “Cứ mỗi lần ai bị nhắc tên là giật mình. Cứ sợ người nhà mình có biến”, ông Đàn nói thêm.

Có những ngày, hàng trăm người vật vã ngủ dọc lề đường trước cổng Trung tâm bệnh nhiệt đới. Ảnh: Tiến Hùng
Có những ngày, hàng trăm người vật vã ngủ dọc lề đường trước cổng Trung tâm bệnh nhiệt đới. Ảnh: Tiến Hùng

Nhọc nhằn giấc ngủ đêm

Cả một lề đường kéo dài hơn 100 mét đoạn trước cổng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đều phủ kín bởi những tấm bạt như thế. Nhờ vào dãy bờ rào cao hơn 3 mét cạnh đó che chắn, người nhà bệnh nhân trải tấm bạt làm thành những căn lều tạm. “Chiếc giường xếp này thuê của bệnh viện mất 100.000 đồng, ngủ mấy ngày cũng cái giá đấy. Còn màn thì mua mất 150.000 đồng, chăn gối thì mang từ nhà đi”, bà Trần Thị Long (58 tuổi), huyện Anh Sơn nói. Bà Long cũng đã tá túc trong căn lều này được hơn 5 ngày để chăm chồng đang là F0.

Hàng ngày, họ ăn những suất cơm rẻ tiền ngay bên hông bệnh viện. Ai có nhu cầu tắm giặt, phải mất thêm 10.000 đồng cho quán ăn, bà Long tâm sự.

Giường xếp được thuê từ bệnh viện. Ngủ ở đây, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng tiền thuê nhà nghỉ mỗi ngày. Ảnh: Tiến Hùng
Giường xếp được thuê từ bệnh viện. Ngủ ở đây, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 200.000 đồng tiền thuê nhà nghỉ mỗi ngày. Ảnh: Tiến Hùng

Ngày cao điểm, nhiều đêm có tới gần 200 người chen chúc ngủ bên lề đường ở đây để chờ tin từ F0. Đó là chưa kể hàng chục người mới đến đêm đầu tiên, ngồi vật vã trong khuôn viên chỉ để chờ cho hết đêm. “Đêm qua mưa lớn, gió thổi bay cả bạt. Ai cũng ướt hết, thậm chí ướt cả đồ dùng. Chúng tôi chẳng biết làm gì cả, đành phải ngồi vậy chờ cho áo quần khô”, chị Nguyễn Thị Nhật (40 tuổi) ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành kể.

Khuôn mặt dù đã đeo khẩu trang y tế nhưng vẫn không thể che hết được sự khắc khổ của người phụ nữ này. Với đôi mắt đã thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ, chị Nhật nói rằng, đến hôm nay đã là ngày thứ 18 chị bám trụ ở đây. Mẹ chị Nhật đã hơn 70 tuổi, lại có nhiều bệnh nền, nên sau khi phát hiện nhiễm Covid-19, liền được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 8, ngay sau đó, do trở nặng, bà được chuyển tới đây. “Hầu hết trong nhà ai cũng nhiễm hết rồi nên không ai vào thay được. Một mình tôi ở lại chăm bà. Trước đó, tôi cũng nhiễm nhưng khỏi rồi”, chị Nhật kể. Là công nhân của một nhà máy may ở huyện Yên Thành, nhưng do phải nghỉ quá nhiều ngày để chăm mẹ, chị Nhật còn một nỗi lo khác đó là mất việc.

Đây đã là ngày thứ 18, chị Nhật phải sống trong cảnh này. Ảnh: Tiến Hùng
Đây đã là ngày thứ 18, chị Nhật phải sống trong cảnh này. Ảnh: Tiến Hùng

“Lúc này cấp trên gọi điện, nếu mai không đi làm thì đuổi. Tôi chẳng biết nói sao, chẳng lẽ để mẹ ở lại đây một mình”, chị Nhật nói, đôi mắt rơm rớm nước mắt. Theo chị Nhật, những ngày ngủ trong lán tạm này, ám ảnh nhất với họ vẫn là khi chứng kiến những trường hợp bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi, được xe cấp cứu chuyển ra. “Nhiều người mất lắm. Có ngày cả gần chục trường hợp. Mỗi lần xe chạy qua, ai ai cũng lặng thinh. Nỗi lo lắng cho người thân đang chống chọi với Covid-19 bên trong đó lại tăng thêm”, chị Nhật nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi phòng nghỉ ở gần bệnh viện, rẻ nhất cũng có giá 200.000 đồng. Tuy nhiên, với một số người, cũng không hẳn tiếc tiền mà chấp nhận dãi gió, dầm sương. “Thật ra, cứ ở ngay trước cổng như thế này cho nó yên tâm. Dù cũng chẳng giúp ích được gì nhưng đi ngủ khách sạn cũng không yên tâm”, anh Trần Trọng Tiến quê ở huyện Diễn Châu nói.

Từ đầu mùa dịch đến nay, Nghệ An đã ghi nhận hơn 333.000 ca mắc Covid-19. Trong đó, gần 90.000 ca vẫn đang trong quá trình điều trị. Những F0 nặng sẽ được chuyển đến điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Hiện nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 150 trường hợp tử vong do Covid-19. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, từ đầu năm đến nay, hầu như ngày nào cũng ghi nhận ca tử vong.

Từ một tỉnh có số ca nhiễm ít, nhưng từ dịp Tết Nguyên đán tới nay, ở Nghệ An dịch bệnh bùng phát mạnh, với hàng chục nghìn F0 được phát hiện mỗi ngày. Hiện nay, Nghệ An là địa phương có số ca nhiễm chỉ đứng sau Hà Nội, TP. HCM và Bình Dương. Tuy nhiên, với số ca nhiễm trong ngày vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, dự báo trong thời gian ngắn tới đây, tổng số ca nhiễm ở Nghệ An sẽ vượt TP. HCM và Bình Dương.

Tin mới