Giải bài toán nhân lực y tế rời “công” sang “tư” – Bài 1: Làn sóng xin nghỉ việc

Nhận được lời mời kèm theo những lời hứa hẹn của một bệnh viện tư chưa mấy tên tuổi, bác sĩ N.T.H. (32 tuổi), không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, rồi nộp đơn xin nghỉ việc. Dù H. đang được trọng dụng, có tương lai xán lạn ở một bệnh viện công lớn tại TP. Vinh. “Qua bên đó (bệnh viện tư – PV), điều kiện làm việc rất tốt. Thu nhập lại gấp nhiều lần, quả thực không thể từ chối được”, bác sĩ H. nói.

Cán bộ, viên chức y tế luôn đối mặt với một áp lực lớn đó là sự sống, an nguy của người bệnh. Ảnh: Đức Anh
Cán bộ, viên chức y tế luôn đối mặt với một áp lực lớn đó là sự sống, an nguy của người bệnh. Ảnh: Đức Anh

Bác sĩ H. là một trong hàng trăm nhân sự y tế xin nghỉ việc ở bệnh viện công kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay ở Nghệ An. Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022, tổng số nhân lực ngành Y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập là 119 người. Trong đó có 53 bác sĩ, 44 điều dưỡng, 4 kỹ thuật y, 2 dược sĩ và 16 người chuyên môn khác; ở tuyến tỉnh có 68 người, tuyến huyện có 42 người và tuyến xã 9 người.

Các đơn vị y tế công lập có số lượng lớn cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc gồm: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có 19 người (4 bác sĩ); Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh có 12 người (11 bác sĩ); Bệnh viện Phục hồi chức năng có 11 người (3 bác sĩ); Bệnh viện Sản nhi Nghệ An có 8 người (6 bác sĩ), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An có 7 người (3 bác sĩ); Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc có 5 người (4 bác sĩ); Bệnh viện Nội tiết Nghệ An có 5 người (1 bác sĩ); Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu có 4 người (2 bác sĩ)…

Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, số ca bệnh nặng vào khoa cấp cứu tăng rất nhiều. Ảnh: Thành Cường
Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, số ca bệnh nặng vào khoa cấp cứu tăng rất nhiều. Ảnh: Thành Cường

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế Nghệ An cho biết, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Y tế có 81 nhân viên tại các đơn vị công lập nghỉ việc, trong số đó thuộc hệ điều trị là 75 người (32 bác sĩ), hệ dự phòng 6 người (1 bác sĩ). Trong tổng số 33 bác sĩ nghỉ việc có 21 bác sĩ tiếp tục tham gia làm việc tại các bệnh viện và phòng khám tư nhân, số còn lại không rõ lý do; 48 điều dưỡng, kỹ thuật y, dược và các nhân viên y tế khác nghỉ việc có 17 người tham gia làm việc tại các bệnh viện tư và phòng khám tư, số còn lại chuyển sang ngành nghề khác hoặc ở nhà chăm sóc gia đình.

Số cán bộ, viên chức y tế trong đơn vị công lập ở Nghệ An xin thôi việc, nghỉ việc đứng ở vị trí thứ 2 tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Cụ thể, từ năm 2021 đến tháng 6/2022, tỉnh Thanh Hoá có 139 người (60 bác sĩ); Hà Tĩnh có 32 người (17 bác sĩ); Quảng Bình có 23 người (11 bác sĩ); Quảng Trị có 23 người (8 bác sĩ); Thừa Thiên Huế có 32 người (14 bác sĩ)… Tổng số cán bộ, viên chức y tế khu vực Bắc Trung Bộ thôi việc, nghỉ việc trong thời gian này là 368 người và cả nước là 8.402 người.

Có 3 nguyên nhân cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc thường gặp, bao gồm: Lý do gia đình, hợp lý hóa gia đình; xin nghỉ việc, thôi việc để mở cơ sở khám chữa bệnh riêng; chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, có thu nhập cao hơn…

Thống kê của ngành Y tế Nghệ An cho thấy, trong số 119 cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc và chuyển công tác có 47 người vì lý do thu nhập, 60 người do lý do gia đình và 12 người vì nguyên nhân khác.

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi tìm gặp nhiều bác sĩ đã “dứt áo” ra đi khỏi bệnh viện công. Hầu hết trong số này đều cho rằng, nguyên nhân nghỉ việc thật sự chỉ là chế độ đãi ngộ. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.

Trong những tháng ngày dịch Covid-19 hoành hành, cán bộ viên chức y tế phải làm ngày, làm đêm, bất kể giờ giấc, không lễ tết. Ảnh: Thành Cường.
Trong những tháng ngày dịch Covid-19 hoành hành, cán bộ viên chức y tế phải làm ngày, làm đêm, bất kể giờ giấc, không lễ tết. Ảnh: Thành Cường.

Tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế). Do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế bị giảm đi, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Các cán bộ, viên chức y tế cũng có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn, mặc, ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao”… Nhiều bác sĩ chua chát khi so sánh thu nhập bác sĩ “nhân y” với việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phát thông báo tuyển dụng bác sĩ thú y chuyên chăn nuôi heo/gà với mức lương hứa hẹn 30-40 triệu đồng/tháng.

Trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, nhiều bác sỹ làm việc đến kiệt sức. Ảnh: Thành Cường - CSCC
Trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, nhiều bác sỹ làm việc đến kiệt sức. Ảnh: Thành Cường - CSCC

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế, câu chuyện cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc là không mới, mà đã “âm thầm” diễn ra từ nhiều năm nay chứ không phải riêng trong năm 2021-2022. Tại Nghệ An, câu chuyện này bắt đầu vào trước năm 2010, khi trên địa bàn bắt đầu xuất hiện những cơ sở y tế ngoài công lập mời gọi cán bộ, nhân viên y tế giỏi trong hệ thống công lập với mức thu nhập hứa hẹn cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập tại cơ sở y tế công lập… Năm 2020, ở Nghệ An, có 68 cán bộ, viên chức y tế xin nghỉ việc. Trong đó có 43 bác sĩ (35 người ở tuyến tỉnh, 6 người ở tuyến huyện và 2 người ở tuyến xã).

Một lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho rằng, nếu không sớm có giải pháp tốt, thì trong tương lai, làn sóng cán bộ, viên chức y tế xin nghỉ việc, chuyển dịch từ cơ sở y tế công lập sang cơ sở y tế ngoài công lập khả năng diễn ra nhiều hơn. “Trước đây, khi các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng ra trường vẫn thường có xu hướng ưu tiên lựa chọn làm việc tại cơ sở y tế công lập. Sự ưu tiên này xuất phát từ việc cơ sở y tế công lập có môi trường làm việc tốt; có nhiều điều kiện (số lượng bệnh nhân; số lượng mặt bệnh; trang thiết bị; dịch vụ kỹ thuật) để phát triển, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, bây giờ điều này có nhiều thay đổi. Ở cơ sở y tế công lập, lượng bệnh nhân và khối lượng công việc của cán bộ, viên chức đang quá tải. Cường độ và thời gian lao động tăng. Yêu cầu của bệnh nhân ngày một cao hơn, áp lực của cán bộ, viên chức y tế là rất lớn…”, vị lãnh đạo Sở Y tế nêu quan điểm.

Trong khi đó, quan niệm y tế công, tư hiện nay không còn nặng nề như ngày xưa. Số lượng bệnh nhân đến với cơ sở y tế ngoài công lập ngày một đông, với nhiều loại mặt bệnh. Các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động rất linh hoạt và chuyên nghiệp. Với cơ chế thoáng, các cơ sở này có thể trả lương cao; nhanh chóng đầu tư máy móc để phát triển dịch vụ kỹ thuật (theo yêu cầu của bác sĩ). Và thậm chí, việc đáp ứng các loại thuốc men khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế ngoài công lập cũng dễ dàng hơn.

Trong những tháng ngày dịch Covid-19 hoành hành, cán bộ viên chức y tế phải làm ngày, làm đêm, bất kể giờ giấc, không lễ tết. Ảnh: Thành Cường.
Trong những tháng ngày dịch Covid-19 hoành hành, cán bộ viên chức y tế phải làm ngày, làm đêm, bất kể giờ giấc, không lễ tết. Ảnh: Thành Cường.