Giải bài toán việc làm bền vững cho lao động nông thôn trong dịch Covid-19

(Baonghean.vn) - Trong thời gian vừa qua, dòng người từ các thành phố, khu công nghiệp phía Nam trở về quê tránh dịch rất đông đúc, kéo theo những hệ lụy phức tạp. Cuộc di cư không mong muốn đó nhắc nhở chúng ta có quá ít cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho đại bộ phận người dân lao động ở các địa phương.
Người dân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Ảnh: Thành Cường
Người dân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Ảnh: Thành Cường

Áp lực lên cán cân việc làm và an sinh xã hội

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, hiện có gần 100.000 người từ vùng dịch Covid-19 trở về các huyện, thành, thị trong tỉnh. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động hơn 75.000 người, chiếm 75,95% trên tổng số công dân trở về quê. Vấn đề đặt ra là phải giải bài toán việc làm bền vững cho lao động nông thôn từ nay về sau sống chung với dịch Covid-19 thế nào? Qua đó góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để người dân yên tâm gắn bó với quê hương.

Ngày 12/8/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phải tổ chức thực hiện như: Hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm về thông tin, tuyên truyền và tư vấn, hướng nghiệp, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ thanh niên, sinh viên lập nghiệp, khởi nghiệp; tập trung các nguồn lực thực hiện hỗ trợ việc làm và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc làm. Đó là những giải pháp tổng thể cần được các cấp, các ngành có kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện tốt.

Nông dân Diễn Thịnh (Diễn Châu) xuống đồng sản xuất vụ đông. Ảnh: Cảnh Yên
Nông dân Diễn Thịnh (Diễn Châu) xuống đồng sản xuất vụ đông. Ảnh: Cảnh Yên

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Thiếu việc làm trong lúc một số vùng đất vụ hè thu, vụ đông bỏ hoang do hiệu quả, thu nhập thấp, đầu ra của sản phẩm khó khăn v.v… Khu vực nông thôn hầu hết thiếu vắng doanh nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển nên không có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động,vv… Vì vậy giải bài toán lao động nông thôn sống chung với đại dịch Covid-19 lâu dài vẫn chủ yếu là các giải pháp kinh tế, chăm lo sinh kế cho người dân ở các địa phương.

Giải bài toán việc làm bằng sự đổi mới tư duy kinh tế

Trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều mô hình, nhiều nông trại được các hộ gia đình sản xuất kinh doanh, có hiệu quả nhưng chưa trở thành phong trào, khát vọng của nhiều hộ gia đình quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Gia đình anh Trần Trọng Bính ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) nhận một quả đồi 7 ha từ năm 2010. Nếu trồng keo lai thì sau 5 - 6 năm mới cho thu hoạch được 50 - 60 triệu đồng/ha (tính ra chỉ đạt 10 triệu đồng/ha/năm), như vậy mới đủ bù chi phí bỏ ra.

Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Thế ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Thu Huyền
Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Thế ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Thu Huyền

Gia đình anh quyết định nuôi gà đồi dưới tán rừng keo lai. Giống gà con thì nhập, thức ăn là ngô, thóc, khoai lang, cám; nơi tiêu thụ gà là các bếp ăn bán trú, nội trú của các trường học, các nhà hàng lớn ở thành phố Vinh, các thị trấn,v.v… Một năm gia đình nuôi thả 12 lứa, mỗi lứa từ 5.500 - 6.000 con (giá bán bình quân 70 - 80.000đồng/kg) nên doanh thu hàng năm đạt khá cao, đời sống gia đình được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, gia đình đã giảm diện tích keo lai để trồng 1ha chanh không hạt.

Cũng dưới tán cây keo lai, hàng chục hộ dân ở xã Đồng Thành và Quang Thành (huyện Yên Thành) đã đầu tư nuôi ong lấy mật. Cây keo lai là cây vừa chịu hạn vừa cải tạo đất lại ít có sâu bệnh hại, chưa phải phun thuốc trừ sâu, mùa ra hoa tập trung nên rất có điều kiện phát triển nghề nuôi ong mật. Mỗi năm sản lượng mật ong ở xã Đồng Thành, Quang Thành đã đạt trên 30 tấn. Với giá bán bình quân 400.000 đồng/lít thì thu nhập tăng thêm trên một ha keo lai là khá lớn.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, năm 2020 toàn tỉnh có 190.000 ha cây nguyên liệu lấy gỗ, chủ yếu là keo lai. Nếu khuyến khích có nhiều hộ sản xuất kinh doanh kết hợp nuôi gà như gia đình anh Bính (Đô Lương), kết hợp nuôi ong lấy mật như các hộ ở xã Đồng Thành, Quang Thành (Yên Thành) thì sẽ là nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông thôn.

Lãnh đạo thị xã Thái Hòa thăm mô hình nuôi ong mật ở xã Tây Hiếu.
Lãnh đạo thị xã Thái Hòa thăm mô hình nuôi ong mật ở xã Tây Hiếu.

Xã Kim Thành (Yên Thành) là vùng miền núi, đất đai khô cằn, chủ yếu trồng sắn, khoai lang, keo lai, đời sống nhân dân khó khăn. Từ một số hộ chuyển đổi sang trồng đào phai để bán vào dịp Tết, nay đã phát triển lên hàng chục hộ. Toàn xã hiện có trên 30 ha trồng đào phai và đã được quy hoạch phát triển trồng lên 150ha trong vài năm tới. Sau hai năm trồng (thường 1.500-2.000 gốc/ha) có thể bán cho thương lái và thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha. Lợi thế của cây đào là chịu hạn khá, ít sâu bệnh hại, nếu chăm bón, tỉa cành, tạo tán tốt sau 2 năm đã có thể bán làm đào cảnh và để càng nhiều năm thì giá trị cây càng cao. Dịp Tết Nguyên đán hàng năm đào phai Kim Thành đã được các thương lái đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Vinh… mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân Kim Thành.

Nhiều hộ nông dân đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao. Ảnh: Tiến Đông
Nhiều hộ nông dân đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao. Ảnh: Tiến Đông

Về sản xuất kinh doanh thủy sản có nhiều hộ ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc đạt hiệu quả cao. Điển hình là hộ anh Nguyễn Viết Thắng ở Diễn Trung, Diễn Châu. Anh đã bỏ vốn đầu tư 6 bể nổi theo công nghệ Israel, dung tích mỗi bể 500m3 nước biển. Đây là mô hình tiết kiệm diện tích đất (chỉ 1,2 ha), bơm trực tiếp nước biển để nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng/năm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường thuận lợi, chủ động thời tiết (mưa, nắng, bão lũ). Với cách nuôi đó, hàng năm dự án của gia đình anh đạt sản lượng trên 50 tấn tôm thương phẩm và cho thu nhập hàng chục tỷ đồng...

Những năm gần đây nhiều tỉnh đã chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt mạnh dạn thay thế một số cây trồng kém hiệu quả để phát triển cây ăn quả như Sơn La (trên 82.000 ha), Bến Tre (trên 100.000 ha), Tiền Giang (trên 72.000 ha), Bắc Giang (trên 28.000 ha)… Việc tổ chức tiêu thụ hết 28.000ha vải chín rộ đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang rất đáng được các tỉnh có sản phẩm lớn tham khảo.

Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp khá dồi dào, bà con nông dân cần cù lao động và đã có rất nhiều mô hình, điển hình làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Nếu được các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để khuyến khích người dân sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến sâu nông sản, giải quyết tốt khâu tiêu thụ sẽ là biện pháp rất quan trọng giải quyết nhiều việc làm nhất cho lao động nông thôn hiện nay. Trên cơ sở đó thực hiện được mục tiêu “ly nông không ly hương” ở nông thôn, khắc phục tình trạng người lao động phải rời quê đi làm ăn xa trong lúc dịch bệnh, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường.                                              

Tin mới