'Giải cứu' văn hóa đọc

(Baonghean) - Ngày hội sách là điểm nhấn nhằm nỗ lực 'giải cứu' văn hoá đọc trong bối cảnh độc giả đã và đang bị nhiều loại hình giải trí đa phương tiện chi phối.

Từ ngày 20 - 22/4, lần đầu tiên ở Nghệ An, một ngày hội sách quy mô, quy tụ 18 gian trưng bày của 13 đơn vị phát hành và nhà xuất bản được tổ chức.

Thắp sáng tình yêu sách

Chuẩn bị rầm rộ gần tuần lễ trước thời điểm khai trương các gian trưng bày sách, thế nên từ rất sớm, nhiều người dân TP Vinh đã có mặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh để hoà mình vào không khí của ngày hội sách lớn nhất trong năm.

18 gian trưng bày, mỗi gian có thiết kế đặc trưng, với hàng chục nghìn đầu sách trên nhiều thể loại: sách lịch sử, sách doanh nhân, sách văn học, kỹ năng sống, truyện tranh…

Có phần nhộn nhịp hơn cả là gian hàng của Huy Hoàng Books, ở đây, các đầu sách “hot” trên thị trường đều xuất hiện như tiểu thuyết ngôn tình của Đinh Mặc, tiểu thuyết trinh thám của Dan Brown, cùng nhiều hồi ký, bút ký của các nhà văn nổi tiếng trong nước và thế giới.

Em Nguyễn Hoàng Phương - sinh viên Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên chúng em được tham dự một ngày hội sách lớn thế này. Nhiều gian hàng với vô vàn đầu sách hay, giá cả được giảm nhiều”. 

Nhiều người dân thành phố Vinh đến với ngày hội sách. Ảnh: Thành Cường
Nhiều người dân thành phố Vinh đến với ngày hội sách. Ảnh: Thành Cường

Đáng chú ý, tại hội sách còn có gian hàng bán sách cũ, đa phần trong đó là những đầu sách “độc” về năm xuất bản, hoặc sách bản đặc biệt, có bút tích của tác giả. Gian hàng này thu hút nhiều độc giả lớn tuổi tìm đến. Bác Trần Văn Giản (xã Nghi Phú, TP Vinh) đang tỉ mẩn lật giở từng trang cuốn tiểu thuyết của tác giả Lev Tolstoy, chia sẻ: “Tôi tình cờ đi ngang qua và thấy giới thiệu về hội sách nên ghé vào, không ngờ lại có “thu hoạch” lớn.

Cuốn tiểu thuyết này ở nhà tôi đã có rồi, nhưng là sách tái bản năm 2010, hôm nay bắt gặp bản in từ thập niên 90, bìa sách được vẽ tay tinh tế, gáy sách bọc vải rất đẹp, giá cả lại không quá đắt, tôi nghĩ năm nào cũng tổ chức được những hội sách như thế này thì thật đáng quý”.

Điều đặc biệt nhất ở hội sách là có hẳn một tủ sách riêng dành cho các ấn phẩm về biển đảo Việt Nam. Từ Atlat địa lý đến sách ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa, dấu ấn Việt Nam trên biển Đông… 

Trăn trở và kỳ vọng 

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định ấn định ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Từ đó đến nay, năm nay Nghệ An mới tổ chức được một ngày hội sách quy mô, với không gian cộng đồng rộng lớn, thu hút nhiều người dân tham gia.

Với nhiều người làm công tác truyền thông, xuất bản và độc giả đam mê văn hoá đọc, vui mừng trước chuyển biến tích cực ấy là điều đương nhiên, nhưng cùng với đó là bao trăn trở.

Đường sách Nguyễn Văn Bình tại TP Hồ Chí Minh được trưng bày rất độc đáo đẹp mắt.  Ảnh: Internet.
Đường sách Nguyễn Văn Bình tại TP Hồ Chí Minh được trưng bày rất độc đáo đẹp mắt. Ảnh: Internet.

Bà Bùi Thị Ngọc - Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An - một trong nhiều nhà xuất bản có gian trưng bày tại hội sách chia sẻ: “Tôi đã từng tham dự các đường sách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… thấy họ có cách làm rất hay. Đường sách ngoài trưng bày và bán sách, còn tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện với nhà văn, nhà thơ; vẽ chân dung truyền thần; bán hàng lưu niệm…

Các gian hàng được thiết kế độc đáo, trẻ trung, có dấu ấn riêng. Tiếc là ở hội sách Nghệ An năm nay chưa tổ chức được những hoạt động như vậy, ngoài trưng bày và bán sách, chỉ có thêm 1 bàn viết thư pháp. Vì vậy, sức hút với độc giả trẻ có phần còn hạn chế”.

Năm 2016, một thống kê của nhà xuất bản nổi tiếng thế giới khiến nhiều người phải suy ngẫm, trong số 61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất không có Việt Nam, trong khi chúng ta luôn tự hào về truyền thống văn hoá và tinh thần vượt khó hiếu học!

PGS.TS Đinh Trí Dũng - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Vinh nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng văn hoá đọc trong giới trẻ hiện nay: “Nếu như mấy chục năm về trước, sách gần như là lựa chọn duy nhất, người ta ngấu nghiến đọc những gì sẵn có trong tay thì nay các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn: phim, ảnh, Internet… và ngay cả sách thì cũng có cả mê cung để chọn".

Từ ngày hội đọc sách nhìn rộng ra văn hoá đọc, có thể nói đã đến lúc không chỉ dừng lại ở việc hô hào thế hệ trẻ phải đọc sách, mà ngay chính những người làm công tác xuất bản cũng cần phải thay đổi tư duy “làm” sách, thay vì “níu” giới trẻ lại thì hãy tiến lên để bắt kịp tư duy, thị hiếu thời đại. 

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới