Giai điệu nơi ngàn đá

(Baonghean) - Nằm bên tả ngạn sông Lam, bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) là nơi cư trú lâu đời của cộng đồng người Thái. Tổ tiên của người Thái nơi đây từng lưu giữ những nét văn hóa mang đậm bản sắc, đặc biệt là đời sống phong tục và vũ nhạc.

Cái tên Thạch Ngàn khiến tôi luôn liên tưởng về một vùng “ngàn đá”. Và độ vài ba năm không có dịp đặt chân đến mảnh đất này, tôi nghĩ Thạch Ngàn đã chuyển biến lắm lắm.

Khi mùa Thu dát ánh vàng lên dãy núi, theo chân đoàn cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Con Cuông vào chốn điền dã, không ngờ con đường vẫn gập ghềnh, trắc trở, trận mưa từ mấy ngày trước còn để lại vết tích lầy lội và trơn trượt. Bản làng cũng chưa mấy đổi thay, có chăng mỗi bản thêm được mấy ngôi nhà mới và có thêm vài chiếc cầu tràn qua suối.

Bà con bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) vui ngày hội ra mắt CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc Thái. Ảnh: Công Khang
Bà con bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) vui ngày hội ra mắt CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc Thái. Ảnh: Công Khang

Đêm ấy, nghỉ lại ở bản Tổng Xan vào đúng dịp dân bản chuẩn bị cho lễ ra mắt CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc Thái. Trời trong, gió mát, tiếng cồng chiêng ngân vang, tiếng khắc luống rộn ràng, tiếng gõ sạp vui nhộn, tiếng khèn bè dìu dặt như gần, như xa.

Đêm tập luyện cuối cùng, lễ ra mắt sẽ diễn ra vào sáng mai nên các thành viên CLB vừa phấn khởi, vừa lo lắng, ai cũng toàn tâm, toàn ý dồn vào công việc của mình. Người say sưa tập khèn, người miệt mài khắc luống, người uyển chuyển với từng bước nhảy sạp... Tất cả làm nên sự rộn ràng, náo nức, mang lại sự tán thưởng của hàng trăm khán giả đến nhà văn hóa cộng đồng để cổ vũ, cho dù chưa phải là buổi lễ ra mắt chính thức.

                                    Ảnh: Công Khang
Vui điệu khắc luống. Ảnh: Công Khang

Chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Hoài (SN 1946) - Chủ nhiệm CLB, người có công đứng ra vận động từng thành viên để tiến tới việc thành lập. Ông Hoài có gốc gác miền xuôi nhưng cư trú ở Tổng Xan đã nhiều đời, mạch nguồn Thái như đã chảy trong huyết quản, nhuần nhị với phong tục, tập quán của cộng đồng, nếp làm ăn và sinh hoạt cũng tuân theo làng bản. 

Khi dân bản mải miết làm ăn, không mấy quan tâm đến khúc hát, điệu nhạc và điệu vũ người xưa truyền lại, ông Hoài không khỏi lo lắng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Từ nhỏ đã đam mê tiếng khèn, tiếng pí và say sưa với câu lăm điệu xuối, nay ông muốn giữ nó ở mãi với bản làng. Vậy là ông tìm gặp những người có năng khiếu và cùng sở thích, vận động họ thành lập CLB để có điều kiện sinh hoạt và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Có người ủng hộ, nhưng cũng không ít người tỏ ý ngần ngại, một phần vì sợ mất thời gian, phần khác nữa là không quen xuất hiện ở những chỗ đông người. Ông Hoài kiên trì giải thích, thuyết phục, lần này chưa được thì lần khác đến, cuối cùng có thêm 14 người đăng ký tham gia. Ý tưởng của ông được xã và huyện ủng hộ, ngành Văn hóa giúp đỡ nhiệt tình trong việc hoàn thành các thủ tục thành lập và ra mắt CLB, mọi việc diễn ra rất thuận lợi. 

Người dân Tổng Xan, từ cụ già đến em nhỏ đều mê ca hát. Ảnh: Công Khang
Người dân Tổng Xan, từ cụ già đến em nhỏ đều mê ca hát. Ảnh: Công Khang

15 thành viên của CLB đều nằm ở độ tuổi 56 - 72, tuổi đã cao nhưng vẫn gắn bó mưu sinh với ruộng đồng, nương rẫy, cuộc sống còn không ít những khó khăn. Vượt lên tất cả, với niềm trân trọng và trách nhiệm giữ gìn vốn quý của tổ tiên, với niềm say mê thực sự, họ đã tham gia với tinh thần tự nguyện. Đáng nói hơn, 12/15 thành viên của CLB là các bà, các chị - những người phụ nữ Thái đảm đang và yêu ca hát.

Họ đang lưu giữ những làn điệu dân ca sâu lắng, khúc xuối - lăm - nhuôn - khắp thường cất lên vào mỗi dịp lễ tết, hội hè. Bà Lô Thị Lưu (SN 1952) chia sẻ nỗi trăn trở: “Sinh hoạt trong CLB, chị em chúng tôi có dịp được học hỏi lẫn nhau, có điều chưa có người trẻ tham gia, thời gian tới phải vận động con cháu lứa tuổi trung niên và thanh - thiếu niên cùng sinh hoạt để có sự trao truyền, tiếp nối”. 

Sáng hôm sau, trời còn tinh mơ, các thành viên CLB đã có mặt tại nhà văn hóa cộng đồng để hoàn tất công việc chuẩn bị cho buổi lễ ra mắt. Hôm ấy bà con Tổng Xan nghỉ một buổi làm đồng, làm rẫy để đến cổ vũ, vì đây là sự kiện lớn không chỉ của bản mà của cả xã.

Tiếng nhạc và tiếng hát vang lên, mọi người cùng hòa chung điệu múa sạp, lăm vông, cùng ngồi quanh chum rượu cần với niềm hân hoan khôn xiết. Bởi từ nay, người Thái ở Tổng Xan sẽ giữ gìn được “kho báu” của người xưa, sẽ tìm lại những nét văn hóa và bản sắc âm nhạc đã thất truyền. Nghĩa là câu hát, điệu múa và các loại nhạc cụ truyền thống từ nay sẽ được bảo tồn, thế hệ mai sau vẫn được trao truyền vốn quý. Niềm vui và hy vọng lan tỏa trên từng khuôn mặt, dẫu cuộc sống chưa hết những vất vả, gian nan...

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới