Chân chỉnh tình trạng bội chi Quỹ bảo hiểm y tế

'Giải oan' cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh

(Baonghean) - Người bệnh lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám và lấy thuốc nhiều lần, cơ sở khám chữa bệnh nhận nhiều lượt bệnh nhân hơn định mức đề ra. Lỗi có hoàn toàn nằm ở họ?

» Nghệ An: Nguy cơ vượt quỹ bảo hiểm y tế 1.700 tỷ đồng

Năm 2016, Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về mức vượt quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Mặc dù các cấp, ngành đã vào cuộc và có nhiều biện pháp chấn chỉnh, nhưng tình trạng vượt quỹ vẫn tiếp diễn theo chiều hướng đáng báo động. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Nghệ An dự báo, nếu đà sử dụng quỹ duy trì như trên thì năm 2017 tổng chi các cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị sẽ đạt trên 3.500 tỷ đồng, vượt quỹ khoảng 1.700 tỷ đồng

Đi khám nhiều lần vì... không yên tâm

Chiều 19/4, chị N.T.T (trú ở phường Đông Vĩnh, TP. Vinh), có thẻ BHYT được chi trả 80% có triệu chứng đau bụng, nổi mẩn ngứa, đến Bệnh viện Đa khoa Minh Hồng để khám. Sau khi nạp thẻ bảo hiểm tại nơi đón tiếp bệnh nhân, chị T được chỉ dẫn vào  phòng khám số 1 của bác sỹ Lê Thuận. Sau khi nói các triệu chứng, chị được bác sỹ Thuận chẩn đoán bệnh chính là trĩ, cho đi siêu âm ổ bụng và khám trĩ.

Ở phòng siêu âm, bác sỹ Hà Quang Phùng kết luận chị T bị “U nang buồng trứng phải” và trả kết quả về phòng khám số 1. Tại đây, bác sỹ Thuận kết luận chị T bị trĩ nội và u nang buồng trứng, kê đơn 30 gói Merica, Futiamine 60 viên, 10 viên Fexodinefast 120 mg và 1 gói Davac. Ngoài các khoản chi phí Bảo hiểm thanh toán, chị T phải trả thêm 43.000 đồng.

Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh.
Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh.

Sáng 20/4, chị T tiếp tục cầm thẻ BHYT đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, ở bàn tiếp bệnh nhân, chị được hỏi là bị gì, khám gì sau đó được chỉ đến phòng khám ngoại số 27. Tại đây, bác sỹ Bùi Danh Ánh chẩn đoán chị bị đau bụng và vùng chậu, viêm da, chỉ định đi siêu âm và khám da liễu. Bác sỹ da liễu xem vết ngứa và kết luận là dị ứng. Chị T hỏi có cần xét nghiệm không thì bác sỹ trả lời “uống thuốc không đỡ thì quay lại làm xét nghiệm”.

Bác sỹ kê đơn 5 viên Fexodinefast 120 mg và 1 tuýp gensonmax 0,64 mg. Bác sỹ siêu âm cho kết quả sau được bác sỹ Ánh chẩn đoán là U nang buồng trứng, cho sang khoa sản nghe tư vấn. Tại khoa sản, bác sỹ nói “nghi ngờ có chảy máu bên trong, tốt nhất nên nhập viện kiểm tra lại rồi mổ”. Chị T hoang mang và xin về hỏi ý kiến gia đình. Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, chị T không phải thanh toán thêm khoản chi phí nào.

Chiều 20/4, chị T tiếp tục cầm thẻ bảo hiểm đến Bệnh viện đa khoa tư nhân Đông Âu và được chỉ đến phòng khám nội số 119 của bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc. Trình bày các triệu chứng cũ, chị được bác sỹ chỉ định đi siêu âm ổ bụng. Kết quả trả về bình thường, trừ “buồng trứng phải có hình rỗng âm kích thước 30mm” và được kết luận “Nang buồng trứng phải”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc chuyển sang khoa sản để “bác sỹ chuyên khoa cho thuốc”. Những vết nổi ngứa cũng được bác sỹ bảo là “lại chỗ đó (khoa sản?) nói họ kê cho mấy viên thuốc ngứa”. Đến phòng sản 104, bác sỹ Phạm Thị Lệ kết luận là “Rối loạn kinh nguyệt” và kê đơn thuốc bổ 20 viên vitamin C 500mg và 30 viên vitamin E. Lần khám này, chị T cũng không phải thanh toán thêm chi phí nào.

Nhân viên khoa Khám bệnh làm thủ tục cho bệnh nhân.
Nhân viên khoa Khám bệnh làm thủ tục cho bệnh nhân.

Như vậy chỉ trong 2 ngày, chị T đã đi khám bằng thẻ BHYT ở 3 bệnh viện khác nhau. Cùng những triệu chứng đó, mỗi bệnh viện cho ra mỗi kết quả, đơn thuốc khác, đặt ra câu hỏi về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh trong các bệnh viện cùng tuyến? Trên thực tế, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân cầm thẻ BHYT đi khám tại nhiều bệnh viện cùng tuyến trong thời gian ngắn. 

Thực trạng cung chưa đủ cầu ở nhiều bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho biết: Đến nay, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đang bị  BHXH Nghệ An “treo” thanh toán trên 10 tỷ đồng. Trong đó có đến 4 tỷ đồng là tiền khám bệnh vượt quá mức 50 người bệnh/8 giờ. Định mức này được BHXH Nghệ An giải thích là căn cứ vào Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện.

Tuy nhiên Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Nghệ An ngày 31/10/2016 nêu: Quy định tần suất khám là chỉ tiêu phấn đấu của ngành Y tế. Chỉ tiêu phấn đấu này không phải là định mức quy định cho một buồng khám bệnh để cơ quan BHXH làm cơ sở để thanh toán. 

Trên thực tế, ngành Y tế Nghệ An khó có thể đạt được chỉ tiêu Bộ Y tế đưa ra vì điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực còn hạn chế. Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, số bác sỹ trên 10.000 dân ở Nghệ An năm 2016 là 7,6; năm 2017 phấn đấu 7,7. Con số này còn thấp hơn mức trung bình của cả nước là 8,4. Số giường bệnh trên 10.000 dân ở Nghệ An năm 2016 là 27,4; cao hơn mức trung bình của cả nước (25 giường/vạn dân). Năm 2017 Nghệ An dự kiến tăng thêm 300 giường, đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân.

chờ khám bệnh ở bệnh viện đa khoa thành phố Vinh
Chờ khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh.

Mặc dù cao hơn mức trung bình của cả nước nhưng ở Nghệ An vẫn xảy ra tình trạng bệnh viện quá tải, dẫn đến kê thêm giường bệnh ngoài kế hoạch được giao. Tuy nhiên, tình trạng quá tải này lại diễn ra cục bộ ở một số cơ sở khám chữa bệnh, đối lập với một bộ phận các cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình trạng “ế ẩm” sau thông tuyến.

Bác sỹ Đậu Huy Hoàn – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Chính sách thông tuyến đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng trên thực tế người bệnh có xu hướng bỏ qua y tế tuyến xã để lên tuyến huyện. Thậm chí cùng hạng với nhau nhưng một số cơ sở khám chữa bệnh lại thu hút được nhiều bệnh nhân hơn các cơ sở khác. 

Số liệu thống kê của BHXH Nghệ An năm 2016 cũng cho thấy xu hướng “nước chảy về chỗ trũng” nói trên trong tâm lý của người dân đi khám chữa bệnh. 9 tháng đầu năm 2016, số lượt khám chữa bệnh ở trạm y tế xã chỉ bằng 71,3% so với cùng kỳ năm 2015. Ngược lại, số lượt khám chữa bệnh ở tuyến huyện lại tăng thêm 82%.

TIN LIÊN QUAN

Tin mới