Giải pháp cấp bách giảm thiểu tai nạn đường sắt

(Baonghean) - Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, trong đó có đến 80% số vụ tai nạn liên quan đến hệ thống đường ngang. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa tai nạn là vấn đề cấp bách.

Gia tăng tai nạn liên quan đường ngang

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Nghệ An xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 7 vụ so với 2018), làm chết 5 người (tăng 1 người), bị thương 4 người (tăng 2 người). Trong đó phần lớn các vụ tai nạn đều liên quan đến đường ngang.

Theo báo cáo gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam của Tiểu ban An ninh an toàn đường sắt tỉnh Nghệ An

Đơn cử, vụ tai nạn đường sắt xảy ra lúc 11h9 phút ngày 20/4 tại km 276 +351 đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tàu Thống Nhất số hiệu SE8 lưu thông hướng Nam- Bắc, khi đến địa bàn xã Diễn Hồng thì đâm vào ô tô tải chở đất mang BKS 37C - 302.99 do Hồ Bá Sơn (23 tuổi, trú xóm 4 xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu) điều khiển từ Quốc lộ 1A băng qua đường dân sinh sang đường liên xã.

Được biết đường dân sinh trên tuy không có gác chắn nhưng có đầy đủ hệ thống biển báo. Vụ tai nạn khiến xe tải bị đâm văng khoảng 10m, bay xuống ruộng, lái xe tử vong trong ca bin nát bét. Đầu tàu hỏa bị bể kính phía bên lái, một toa tàu trật bánh khỏi đường ray, làm đường sắt tê liệt nhiều giờ.

Ảnh: Đ.C
Hiện trường một số vụ tai nạn đường sắt trên địa bàn tỉnh trong năm 2018, đầu năm 2019. Ảnh tư liệu

Vụ khác, vào 19h20 ngày 10/5, tại km 271+750 đường sắt Bắc- Nam đoạn qua địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tàu chở hàng lưu thông hướng Nam - Bắc đã va phải ông Nguyễn Văn Hơn (67 tuổi, ở xóm 17, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) điều khiển xe máy mang BKS 37F1-500.33 vượt qua đường sắt, khiến ông Hơn tử vong tại chỗ. Theo các nhân chứng, vị trí xảy ra tai nạn là lối đi tự mở có lắp thiết bị hỗ trợ cảnh báo hoạt động bình thường, tuy nhiên do ông Hơn không quan sát nên đã bị tàu va phải.

Mới đây, trong ngày 9/6 cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp. Vụ thứ nhất xảy ra vào hồi 8h40 tại km 275+400 (lối đi tự mở) thuộc địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Tại thời điểm đó tàu SH3 chở hàng lưu thông theo hướng Bắc - Nam đã va phải xe taxi 4 chỗ vượt qua đường sắt, rất may không gây thiệt hại về người và phương tiện.

Đến 9h37 tại km 320+445, đường ngang cảnh báo tự động đoạn qua phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tàu HH62 chở hàng lưu thông theo hướng Nam- Bắc đã va phải xe ô tô tải 1,5 tấn mang BKS 37C- 295.90, do anh Phạm Đức Thạch (SN 1972, trú tại khối Vĩnh Thịnh, phường Đông Vĩnh, TP Vinh) điều khiển vượt qua đường sắt. Vụ tai nạn khiến ô tô bị văng ra khỏi khổ giới hạn đường sắt và hư hỏng nặng, rất may tài xế chỉ bị thương được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời.

Giải pháp cần thiết và cấp bách

Nói về nguyên nhân dẫn đến các tai nạn giao thông đường sắt tại các giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, ông Nguyễn Hữu Thường - Phó trưởng phòng Giám sát kỹ thuật và An toàn giao thông đường sắt, Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh, cho rằng: Nguyên nhân cơ bản do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn; không làm chủ được tốc độ nên đâm vào tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu báo tàu đến...

Có đến 80% số vụ tai nạn có liên quan đến hệ thống đường ngang. 

Ông Nguyễn Hữu Thường - Phó trưởng phòng Giám sát kỹ thuật và An toàn giao thông đường sắt, Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh

Các vụ tai nạn ngoài gây nên những mất mát về người, tài sản của người dân với hậu quả nặng nề, thì phía ngành đường sắt cũng phải chịu thiệt hại về tài sản cũng rất lớn.

Ví như vụ tai nạn vào hồi 2h32 ngày 30/6/2018 tại km 314+550 thuộc địa bàn xã Nghi Liên, TP Vinh, giữa tàu SE 19 với xe ô tô chở gas mang BKS 29C-402.52 do tài xế Nguyễn Văn Bảo (27 tuổi, trú ở Thường Đạt, Nam Sách, Hải Dương) điều khiển vượt qua đường sắt tại vị trí có biển báo, khiến đầu máy bị hỏng không thể kéo tàu được. Theo đó thiệt hại lên đến 1,4 tỷ đồng nhưng lái xe ô tô chỉ đền được 450 triệu đồng.

Trước tình trạng báo động tai nạn đường sắt, tỉnh đã thực hiện đóng 39 đường ngang dân sinh trái phép, đồng thời tiến hành làm đường gom, hàng rào để đóng 61 lối đi dân sinh trái phép ở khu vực TX Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP Vinh.

Bên cạnh đó thu hẹp 63 lối đi dân sinh, bố trí cảnh giới tại một số đường ngang, cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại tất cả các đường dân sinh; cắm biển, lắp gồ cưỡng bức tốc độ tại 20 đường ngang dân sinh và lắp đặt 6 điểm gác chắn tự động tại các đường ngang trọng điểm. Tuy vậy, tình hình tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ảnh: Đ.C
Công trình xây dựng nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt tại địa bàn xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Đ.C

Bàn về giải pháp hạn chế tai nạn liên quan đến đường sắt, ông Trần Văn Kế - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh, cho biết: Ngoài đường ngang dân sinh bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn.

Vì vậy, vừa qua từ kiến nghị của đơn vị, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam hiện đã bố trí kinh phí để lắp đặt thêm gác chắn tự động, đầu tư thêm những điểm gác chắn có người, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2019.

Theo ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, trên thực tế, nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên xây dựng các công trình, làm mái che, dựng các biển quảng cáo gây che khuất tầm nhìn, gây mất an toàn cho người và các phương tiện giao thông khác lưu thông qua đường sắt.

Cũng theo ông Đức, giải pháp căn bản nhất để giảm thiểu tai nạn trên đường sắt là xử lý triệt để các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt; bố trí người cảnh giới đường ngang; tổ chức rào chắn, làm đường gom để đóng hoàn toàn các lối mở, đường dân sinh trái phép.

Về phía người dân, như ông Nguyễn Văn Thân, trú tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc là địa bàn có tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua, kiến nghị, cần tăng tiếng còi tàu, đèn tín hiệu tại đường ngang, có thể làm đèn nhấp nháy. Cũng như đưa nội dung an toàn giao thông liên quan đến giao thông đường sắt vào nội dung thi sát hạch lái xe.

Ảnh: Đ.C
Camera giám sát tại phòng giám sát kỹ thuật và ATGT đường sắt nhằm cảnh báo, nhắc nhở người lao động thực hiện đúng nhiệm vụ. Ảnh: Đ.C
Những giải pháp trên là cần thiết, cùng với đó ngành Đường sắt cần phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, để tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định về ATGT cũng như việc bảo vệ công trình giao thông, hành lang ATGT đường sắt. Thống kê, rà soát lại các đường ngang, kiên quyết không để phát sinh thêm, cũng như lập kế hoạch, lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép.

Đối với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường sắt, sau khi xử lý, bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp nhận quản lý mà vẫn tái phạm, cần phải quy trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, ngành chức năng cần nghiêm khắc đưa ra xét xử đối với những trường hợp không tuân thủ quy định về pháp luật ATGT đường sắt gây tai nạn nghiêm trọng...

Trên tổng số 95,5km đường sắt tuyến Bắc Nam qua Nghệ An (chưa kể tuyến đường nhánh Cầu Giát - Nghĩa Đàn 30,5km, đi qua 7 huyện, thị xã, thành phố với 43 phường, xã, thị trấn) có 58 đường ngang; trong đó đường ngang có gác 18, đường ngang cảnh báo tự động 5, đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động 20, đường ngang biển báo 15; số lối đi tự mở là 151.

Tin mới