Giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực học đường?

(Baonghean.vn) - Sau khi xảy ra vụ việc nhóm nữ sinh đánh bạn dã man tại huyện Quỳnh Lưu, dư luận lại một lần nữa bày tỏ lo lắng về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. 

>>> 2 nữ sinh bị đánh giã man, quay clip đã phải nhập viện

Chị Lê Thị Ngọ - Phụ huynh học sinh, phường Vinh Tân (TP.Vinh)

 

“Là một phụ huynh có con đang ở lứa tuổi cắp sách đến trường, tôi thực sự lo lắng về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. Nó không chỉ gây nên những tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và việc học tập của các cháu.

Bản thân con gái tôi cũng đã từng bị các bạn bắt nạt, nhưng mãi sau này gia đình mới được biết vì cháu không nói. Về nhà phải để ý kỹ đến những dấu hiệu bất thường của con để tìm hiểu cụ thể như vết thương tích trên người, thay đổi thói quen ăn uống thường ngày, thành tích học tập sa sút, tâm lý bồn chồn, sợ sệt… Vì thế nên những bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi cảm thấy bất an khi con đến trường”.

Dương Khánh Linh – Học sinh lớp 11D1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

 

 “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, em được biết đến một số vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Em thấy hầu hết những hành vi sai lầm đó đều xuất phát từ chỉ những mâu thuẫn rất nhỏ thôi, nhưng do tâm lý bồng bột, dễ kích động ở lứa tuổi dậy thì nên nảy sinh ra những hành vi bạo lực. Thậm chí một số bạn có thể không liên quan đến mâu thuẫn, xích mích nhưng cũng “hùa theo”, gây ra những sai lầm nghiêm trọng”.

Đồng chí Phạm Tuấn Vinh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn

 

 “Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bạo lực học đường không phải là vấn đề nóng. Tuy nhiên, qua một số vụ việc xảy ra vừa rồi, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại để có giải pháp giáo dục hiệu quả. Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải tìm mọi cách để phòng ngừa chứ không phải để đến khi sự việc xảy ra thì lại quy kết trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau. Ở lứa tuổi học sinh, nếu chúng ta xử lý quá mạnh tay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai và nhân cách sau này của các em. Nhưng nếu biện pháp xử lý không đủ tính răn đe thì tình trạng này sẽ lại tiếp tục xảy ra.

Do đó, làm thế nào để các em phân biệt được đúng, sai, phải, trái, có hành xử đúng mực với bạn bè là việc làm cần thiết. Đối với tổ chức đoàn, trong thời gian tới sẽ chú trọng và tăng cường hơn nữa vấn đề giáo dục tâm lý lứa tuổi vị thành niên để phòng ngừa bạo lực học đường; tiếp tục lồng ghép nội dung này vào các chương trình sinh hoạt ngoại khóa, các hoạt động đoàn để góp phần định hướng nhân cách cho các em”.

Phan Xuân Hoài Linh – Giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

 

“Có một thực tế xảy ra hiện nay là bạo lực học đường nhưng đa phần các vụ việc xảy ra lại ở bên ngoài trường học. Điều này gây ra không ít khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý. Do đó, để không xảy ra những sai lầm đáng tiếc của các em học sinh, cả gia đình và nhà trường cần phải cùng vào cuộc, tăng cường phối hợp để có định hướng và cách giáo dục đúng đắn. Nếu nhà trường thắt chặt kỷ luật nhưng gia đình buông lỏng quản lý hoặc ngược lại, thiếu sự giám sát chặt chẽ của nhà trường thì cũng không có hiệu quả.

Trường học và gia đình là hai môi trường mà các em tiếp xúc và định hình nhân cách nhiều nhất trước lúc bước vào xã hội. Chỉ khi tạo ra cho các em được một môi trường tốt, chan hòa, nhân ái thì các em cũng có cách cư xử tương tự như thế với bạn bè đồng trang lứa". 

Phương Thảo

Kỹ thuật: Lâm Tùng 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới