Giải pháp phòng tránh dịch cúm gia cầm

(Baonghean) - Những đàn gia cầm bị dịch cúm trong thời gian qua ở Nghệ An đều có một điểm chung là chưa được tiêm phòng vắc-xin cúm. Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ đạt gần 10% tổng đàn. 

Tỷ lệ tiêm phòng gia cầm đạt thấp

Ảnh Tiêm phòng gia cầm- Quỳnh Trang, Đài Yên Thành
 Tiêm phòng gia cầm ở huyện Yên Thành - Ảnh Quỳnh Trang

Bà Trần Thị Đăng - Thú y trưởng của phường Đông Vĩnh (TP Vinh) cho biết: Do người dân chưa có ý thức trong tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm, nên khi có mầm bệnh dễ lây lan trên diện rộng. Sau khi có dịch cúm xuất hiện, phường đã phối hợp với Trạm Thú y thành phố tuyên truyền, vận động người dân tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột xử lý chuồng trại. Đồng thời lập các chốt kiểm dịch không để người dân đưa gia cầm sống, sản phẩm gia cầm và trứng ra vào địa bàn.

Giáp ranh với ổ dịch cúm gia cầm tại phường Đông Vĩnh, nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh trên địa bàn xã Hưng Đông là rất lớn. Toàn xã có hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với trên 21.000 con gà, 1.250 con vịt. Hiện nay, công tác phòng, chống dịch đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nên nhiều hộ dân vẫn chưa chấp hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Thu hoạch trứng gà tại một trang trại ở phường Đông Vĩnh (TP. Vinh). 	Ảnh: Phương Thúy
Thu hoạch trứng gà tại một trang trại ở phường Đông Vĩnh (TP. Vinh). Ảnh: Phương Thúy

Còn tại xã Diễn Xuân (Diễn Châu) nằm cách vùng dịch cúm gia cầm Diễn Nguyên không xa, toàn xã có hơn 1.060 hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Ngay tại thời điểm hiện tại, khi trên địa bàn huyện Diễn Châu đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, người chăn nuôi vẫn chưa ý thức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Ông Ngô Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã, việc cấm buôn bán giết mổ đã được triển khai và thực hiện tốt, nhưng tiêm phòng thì chưa làm được, vì sau 1 tuần triển khai cho bà con đăng ký, đến nay toàn xã mới chỉ có trên 30 hộ đăng ký tiêm phòng dịch cúm H5N1 cho đàn gia cầm. 

Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, do người chăn nuôi vẫn chưa có ý thức trong vấn đề tiêm phòng, chưa hiểu sâu về sự nguy hại của dịch cúm cũng như chưa nắm được quy định của pháp luật trong vấn đề này.

Theo quy định của Luật Thú y, người chăn nuôi có trách nhiệm bỏ kinh phí ra mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình; tuy nhiên với mức giá hiện nay từ 380 - 400 đồng/liều vắc-xin, số kinh phí bỏ ra không phải là lớn so với lợi ích mà việc tiêm phòng mang lại.

Theo Thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối tượng vịt bắt buộc phải tiêm phòng 2 loại vắc-xin là cúm gia cầm và dịch tả; đối tượng gà phải tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và Newcastle; chim cút, ngan, ngỗng bắt buộc phải tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm. Thế nhưng thực tế thì trừ các trang trại chăn nuôi tập trung lớn, còn lại đàn gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ, thậm chí ở các gia trại nuôi qui mô hàng trăm con chưa được tiêm phòng. 

Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn, với gần 20 triệu con. Tuy nhiên, qua các đợt tiêm phòng định kỳ và bổ sung, theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, chưa đầy 10% trong số đó được tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

» Nghệ An lên kịch bản ứng phó với dịch cúm gia cầm

Phun tiêu độc khử trùng tại phường Đông Vĩnh. 	Ảnh: Võ Huyền
Phun tiêu độc khử trùng tại phường Đông Vĩnh. Ảnh: Võ Huyền

Tăng cường phòng, chống dịch

Để khống chế dịch không lây lan trên diện rộng, Trạm Thú y TP Vinh đang đôn đốc các địa phương khẩn trương tiêm vắc-xin phòng, chống dịch cúm H5N1 cho đàn gia cầm. Triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa có hiệu quả sự lây lan cũng như bùng phát các ổ dịch mới. Đồng thời, phát động tháng hành động tiêu độc khử trùng từ ngày 27/2 - 27/3. Trong thời gian này, tiến hành phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn 14 phường, xã với 350 lít hóa chất Han-Lodine trên diện tích 700.000m2. Song song với đó, tiến hành tiêm vắc-xin vụ xuân cho toàn bộ đàn vật nuôi.

Hoãn họp để phòng chống dịch cúm gia cầm

Ông Nguyễn Duy Minh- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Chi (Thanh Chương) cho biết: "Mặc dù nhiều công việc bận rộn nhưng thực hiện công điện và kế hoạch của UBND huyện về “tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm” cấp ủy chính quyền xã đã hoãn một số chuộc họp chưa cần thiết, tranh thủ thời gian chỉ đạo phun thuốc khử trùng và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của chiến dịch và tác hại của dịch cúm gia cầm".

Bà Đặng Thị Minh Tâm - Phó trạm trưởng Trạm Thú y TP. Vinh cho biết: Việc tiêm chủng phải được xem như một phương tiện làm tối ưu hóa biện pháp an toàn sinh học và cần phối hợp với việc giám sát để phát hiện kịp thời các trường hợp thay đổi tính chất của virus (biến đổi về tính kháng nguyên), và phải thực hiện với các loại vắc-xin thích hợp được sản xuất và kiểm tra chất lượng đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế trong tài liệu Manual of Standards của OIE.

Chi cục Thú y khuyến cáo: Tiêm chủng hiện đang là một phương tiện hỗ trợ việc loại trừ dịch bệnh, vừa như một phương tiện kiểm soát dịch bệnh và giảm lưu cữu virus trong môi trường. Việc kiểm soát dịch bệnh bằng cách tiêm chủng có thể là một biện pháp mở đầu trong chương trình loại trừ dịch bệnh. Hiện nay, mầm bệnh cúm gia cầm H5N1 vẫn đang lưu trú trong môi trường như bám vào cỏ cây, ẩn trong nguồn nước. Nếu các hộ chăn nuôi không thực hiện triệt để việc tiêm phòng cho đàn gia cầm thì khả năng lây lan, bùng phát dịch cúm H5N1 trên diện rộng là điều khó tránh khỏi. 

 » Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Phú Hương - Võ Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới