Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(Baonghean.vn) – Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 30% tiếp cận được vốn ngân hàng thương mại – là rào cản không nhỏ của doanh nghiệp hiện nay trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Sáng 3/11, VCCI chi nhánh Nghệ An, Sở KH&ĐT, Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tổ chức hội thảo giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Tham gia hội thảo có đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các chuyên gia tài chính ngân hàng, lãnh đạo Sở KH&ĐT, VCCI chi nhánh Nghệ An và đông đảo DNNVV.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay tăng 14 bậc nhưng gần 60% doanh nghiệp vẫn đang làm ăn không có lãi.

10 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 100.000 nhưng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng lên đến 60.000.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 45% GDP hằng năm, nhưng số lượng doanh nghiệp này tiếp cận được vốn của các ngân hàng thương mại chỉ chiếm xấp xỷ 30%.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính – ngân hàng trình bày thực trạng về tiếp cận vốn của DNNVV hiện nay. Ảnh: TC
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính – ngân hàng thông tin về thực trạng về tiếp cận vốn của DNNVV hiện nay. Ảnh: TC

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng nguyên nhân là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế về năng lực tài chính. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn chiếm đa số. Các doanh nghiệp vẫn chưa thiết lập được chiến lược thuyết phục được các nhà tài trợ, chưa xây dựng được mục tiêu chiến lược kinh doanh dài hạn.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh phức tạp, chi phí cao cũng là khó khăn hiện nay của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.

“Lãi suất không phải là cản trở lớn nhất hiện nay mà lo ngại nhất là thủ tục, chi phí không chính thức. Theo báo cáo PCI, có khoảng 66% doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức, nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là phổ biến. Khó khăn đó đòi hỏi sự vào cuộc của ngân hàng, các sở ngành, hiệp hội…” – TS.  Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: TC
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: TC

Tuy nhiên, về phía ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn thách thức khi cho vay DNNVV. Đó là doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, doanh nghiệp ngại hoàn thiện thu tụ vay vốn.

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, vẫn thanh toán bằng tiền mặt, hay vấn đề hình sự hoá các quan hệ kinh tế… cũng khiến ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền, e dè khi cho vay vốn.

Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TC
Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TC

Ông Trần Văn Tần - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trước tình hình đó, NHNN đã có một số cơ chế chính sách, sáng kiến như chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại tung ra nhiều gói tín dụng đa dạng hỗ trợ DNNVV, thành lập quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.

"Tuy nhiên, các giải pháp của ngành ngân hàng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp. Bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn" - ông Tần nói.

Sản xuất tại công ty TNHH sắt thép Định Nhàn. Ảnh: TC
Sản xuất tại công ty TNHH sắt thép Định Nhàn. Ảnh: TC

Chia sẻ tại hội thảo, ý kiến một số DNNVV cho rằng, việc vay vốn theo cách thế chấp thông thường trở nên khó khăn và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất đi cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường. Thiếu vốn không chỉ khiến doanh nghiệp có tiềm năng bỏ lỡ thời cơ để phát triển, mà còn là rào cản khiến nhiều ý tưởng kinh doanh mãi nằm trên giấy.

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tại hội thảo, một số chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Bộ ngành, hiệp hội liên quan sớm ban hành hướng dẫn Luật hỗ trợ DNNVV, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho DN; Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành; Đẩy mạnh hoạt động của quỹ bảo lãnh DNNVV, quỹ phát triển DNNV; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, sản phẩm, đối tác trợ giúp doanh nghiệp, đôn đốc quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư…

Tùng Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới