Giải quyết tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(Baonghean.vn) - Cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân lâu nay là vấn đề bức xúc trong dư luận và Nhân dân. Trên cơ sở phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, hiện nay các cấp, các ngành đang quyết liệt triển khai kết luận phiên giải trình với nhiều giải pháp tích cực.

Tăng cường chỉ đạo

Cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân là vấn đề được dư luận và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề phát sinh nhiều đơn thư, kiến nghị, phản ánh đến các cấp, các ngành và diễn đàn tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.

Để đánh giá đúng thực trạng và tìm giải pháp tháo gỡ, ngày 28/9/2021, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình hình cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Thông báo kết luận, trong đó, đề nghị UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng quy hoạch, tại các khu tập thể cũ, căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề…

Lãnh đạo Sở TN&MT và cán bộ chuyên môn rà soát quy hoạch sử dụng đất vị trí các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Lãnh đạo Sở TN&MT và cán bộ chuyên môn rà soát quy hoạch sử dụng đất vị trí các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cấp huyện rà soát, thống kê các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở nhưng chưa được cấp GCN, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh kế hoạch giải quyết tồn đọng.

Kết quả rà soát, toàn tỉnh có khoảng 47.653 trường hợp chưa được cấp GCN đất ở. Trong đó, 14.630 trường hợp giao đất trái thẩm quyền; 820 trường hợp tại các khu tập thể; 31.623 trường hợp giao đất không đúng quy hoạch, căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề tại các dự án đô thị... Tồn đọng nhiều nhất là huyện Con Cuông với 7.595 trường hợp; Tân Kỳ 5.067 trường hợp; Tương Dương 3.739 trường hợp; Đô Lương 3.081 trường hợp; Yên Thành 2.803 trường hợp…

Những trường hợp chưa được cấp GCN đất ở

Từ kết quả rà soát, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 815/KH-UBND về giải quyết tồn đọng trong cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến hết ngày 31/12/2022, đảm bảo cấp GCN quyền sử dụng đất đạt ít nhất 80% số lượng GCN còn tồn đọng đối với UBND cấp huyện. Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường phấn đấu cấp đạt 65 – 80% số lượng GCN cho các trường hợp còn tồn đọng tại các dự án kinh doanh bất động sản (còn khoảng 2.886 căn hộ chung cư và 4.330 lô đất ở liền kề, biệt thự chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất).

Thực hiện Kế hoạch số 815/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh triển khai thực hiện. Quá trình triển khai vướng mắc thì tổng hợp, thống kê và báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xử lý.

Ở phạm vi cấp huyện đều ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác; giao chỉ tiêu cấp GCN cụ thể cho từng xã. Một số đơn vị tổ chức hội nghị trực tuyến hoặc tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho đội ngũ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, công chức cấp xã đến khối, xóm và người dân về chủ trương của các cấp nhằm đưa cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. 

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai đo đạc ngoại nghiệp phục vụ cấp giấy chứng nhận QSD đất ở Khu công nghiệp. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai đo đạc ngoại nghiệp phục vụ cấp GCN quyền sử dụng đất ở khu công nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Một số địa phương còn xây dựng bộ hồ sơ mẫu trong cấp GCN để cơ sở dễ dàng hướng dẫn cho người dân làm như huyện Yên Thành; tổ chức làm việc trực tiếp với một số cơ sở có hồ sơ tồn đọng lớn như thành phố Vinh. Theo đó, ở cấp xã cũng xây dựng kế hoạch, giao khối lượng, lộ trình, tiến độ giải quyết cụ thể gắn trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân.

Về phía Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cũng đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu thực hiện cho 21/21 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện gắn trách nhiệm cho Giám đốc các chi nhánh. Đồng thời đã có Công văn số 397/VPĐK-ĐK&CGCN ngày 17/3/2022 gửi các chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn toàn tỉnh, chuẩn bị số liệu, hồ sơ phụ vụ công tác điều tra, xử lý theo kế hoạch.

Chuyển động bước đầu

Ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân lâu nay vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được ngành triển khai. Và sau khi Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 815/KH-UBND với yêu cầu tập trung giải quyết GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với các trường hợp tồn đọng; ngành Tài nguyên và Môi trường coi đây là chuyên đề trọng tâm năm 2021 và 2022 để tập trung. Bởi thế, thời gian qua, sở đã  chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng với các huyện để triển khai và kịp thời tháo gỡ khó khăn; cấp huyện thì đồng hành, tháo gỡ cho cấp xã, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất huyện Hưng Nguyên thực hiện ngày thứ 7, Chủ nhật vì dân để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Mai Hoa
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất huyện Hưng Nguyên thực hiện "Ngày thứ Bảy, Chủ nhật vì dân" để giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đẩy mạnh cải cách hành chính; giao trách nhiệm cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất tại các chi nhánh cấp huyện, kiên quyết xử lý nghiêm túc các cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai vi phạm đạo đức công vụ, gây phiền hà cho Nhân dân khi xử lý công việc. Giao Giám đốc các chi nhánh văn phòng kiến nghị UBND cấp huyện xử lý cán bộ cấp xã, cấp huyện nếu để xảy ra vi phạm, nhũng nhiễu; tiếp tục thành lập các tổ công tác về các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giám sát cấp đổi GCN.

Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ GCN quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đặt ra yêu cầu đối với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai, duy trì các buổi “thứ Bảy vì dân, Chủ nhật vì dân” xuống trực tiếp cơ sở, khối, xóm, thôn, bản để phổ biến luật, hướng dẫn lập hồ sơ và đăng ký biến động đất đai…

Kết quả, từ ngày 10/2021 đến 31/3/2022, toàn tỉnh đã cấp GCNQSDĐ lần đầu đất với 6.597 GCN (gồm đất ở nông thôn, đất ở đô thị, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp); cấp 788 GCN/2.886 căn hộ chưa được cấp GCN tại các dự án chung cư; cấp 695 GCN/4.330 lô đất ở liền kề, biệt thự chưa được cấp thuộc các dự án nhà liền kề, biệt thự.

Bên cạnh chuyển động bước đầu, phản ánh của một số địa phương vẫn có những khó khăn, vướng mắc. Ông Thái Hữu An - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết: Yên Thành hiện còn 2.803 trường hợp tồn đọng chưa được cấp GCN và để giải quyết được rất khó, bởi các trường hợp còn lại rất “xương xẩu”, tồn đọng do lịch sử để lại. Ví dụ nhiều trường hợp thuộc diện giao đất không đúng thẩm quyền nhưng lại không có cơ sở chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhiều trường hợp thực hiện đổi đất cho xã để xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, đường giao thông, hồ, đập, chợ…, mà hiện nay chưa có quy định xử lý mà mới chỉ có quy định xử lý đối với trường hợp đổi đất làm nhà văn hóa. Nhiều trường hợp sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, tặng, cho, nhưng người tặng cho hiện không sinh sống tại địa phương hoặc đã mất nên cũng khó thực hiện.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp xuống cơ sở tháo gỡ khó khăn trong cấp GCN quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp xuống cơ sở tháo gỡ khó khăn trong cấp GCN quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vinh cũng phản ánh, trên địa bàn thành phố hiện có gần 2.000 trường hợp tồn đọng. Khó khăn nhất là các xã sáp nhập vào thành phố, có nhiều trường hợp cấp đất trái thẩm quyền thay đổi diện tích, ranh giới so với bản đồ địa chính quá lớn. Nhiều trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ và thực hiện thỏa thuận dân sự của các thành viên trong gia đình. Một số thửa đất hiện tại chưa xây dựng nhà ở, chủ đất không sinh sống trên địa bàn để thực hiện kê khai hồ sơ… Liên quan đến trường hợp đất trái thẩm quyền cấp trước đây không giấy tờ, thủ tục cũng gây khó khăn cho việc cấp GCN…

Những vấn đề nêu trên đặt ra cho tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ hoặc kiến nghị với Trung ương xử lý, có như vậy, đề xuất của Thường trực HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh mới được thực hiện hiệu quả.

Tin mới