Bí mật đằng sau "kỷ nguyên ngôi sao" của Taylor Swift

Nhờ công nghệ lăng xê, ca sĩ hát nhạc đồng quê Taylor Swift đã leo lên vị trí hàng đầu trong nền nhạc pop đương đại, tạo nên “kỷ nguyên Taylor Swift”.

Sự thật đằng sau sự lên ngôi này là gì? Đây chính là nỗi băn khoăn của không ít công chúng yêu âm nhạc, vì chỉ mới vài năm trước, khi dòng nhạc điện tử bắt đầu tạo được chỗ đứng, đóng đinh tên tuổi “yêu nữ” Lady Gaga, thì giờ đây, nàng công chúa yêu kiều với dòng nhạc lãng mạn như bước ra từ truyện cổ tích đột nhiên tiến lên giành lấy ngôi vị nữ hoàng.

bi mat dang sau
Taylor Swift hiện đang là một trong những nghệ sĩ thống lĩnh thị trường âm nhạc đương đại.

Để lý giải cho hiện tượng này, cần nhìn lại đôi nét về nền công nghiệp âm nhạc của đế chế giải trí toàn cầu: Mỹ.

Sự thao túng của các “ông trùm”

Sự phổ biến các loại hình âm nhạc và độ nổi tiếng của các nghệ sĩ đương đại đều đang chịu sự điều khiển của các doanh nghiệp lớn. Ở Mỹ, công nghiệp thu âm là một nền kinh doanh trị giá 14 tỷ USD.

Trong đó, 5 hãng đĩa lớn là Sony, Universal, BMG, EMI và Time Warner đang chiếm lĩnh 85% thị trường, và 15% còn lại được chia đều cho hàng trăm hãng thu âm độc lập và hàng nghìn nghệ sĩ khác.

Mỗi khi xuất hiện một vài ca sĩ hay nhóm nhạc đáng chú ý, các công ty lớn này thường chọn lấy một cái tên để xây dựng “thương hiệu”. Tuỳ vào mức độ thành công của sự lựa chọn này, mà tên tuổi nghệ sĩ đó sẽ được đẩy lên thành “kỷ nguyên” mới trong âm nhạc.

Bằng cách này, các ông trùm truyền thông dễ dàng kiểm soát nền âm nhạc đại chúng, vừa có được doanh thu, đồng thời hạn chế đến mức tối thiểu sự cạnh tranh giữa các nghệ sĩ.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 27.000 sản phẩm âm nhạc ra đời. Trong số 7.000 sản phẩm của các nghệ sĩ mới được ra mắt, chỉ chưa đầy 10% là đem lại lợi nhuận. Do đó, các hãng thu âm lớn chỉ ký vào các hợp đồng mà họ nghĩ là sẽ sinh lời.

Bên cạnh đó, họ chỉ tập trung vào các xu hướng mới nhất, và sản xuất tràn ngập thị trường những sản phẩm tương tự. Bằng cách này, họ lần lượt tạo nên nhiều làn sóng mới trong thị trường âm nhạc, từ nhạc Rap những năm đầu thế kỷ, cho đến R&B, Country và mới đây nhất là EDM.

Trên thực tế, tất cả xuất hiện trên các kênh phát thanh hay truyền hình đều nằm trong dây chuyền của các hãng thu âm lớn. Trong khi đó, người nghe lại quá thụ động trong việc tiếp nhận âm nhạc, dễ dàng bị tẩy não bởi những gì họ nghe trên radio, xem trên truyền hình, hay đọc trong tạp chí.

Và đó chính là lý do vì sao âm nhạc đại chúng không thật sự được tạo nên bởi phần đông dân chúng. Hay nói cách khác, một “ngôi sao” hay “kỷ nguyên” mới trong âm nhạc, phần nào được tạo nên bởi các chiến lược kinh doanh và quảng bá từ bộ óc chiến lược của các doanh nghiệp, và đôi khi, từ chính các nghệ sĩ.

Taylor Swift – ca sĩ hay CEO đại tài

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 50 nhân vật có “máu mặt” nhất trong làng nhạc Mỹ năm 2015 của tạp chí Billboard, Taylor Swift hiện là cái tên được ưu ái nhất trong bộ phận nhỏ đầy quyền lực này.

Kết quả khảo sát cho thấy Taylor chính là gương mặt nghệ sĩ được họ ưu tiên hàng đầu khi muốn bắt đầu tạo dựng một thương hiệu. Có đến 70% trong số này trả lời “có” khi được hỏi về ý định hậu thuẫn tích cực cho Taylor Swift.

Thành công đến với Taylor Swift như một điều tất yếu, vì bên cạnh sự hậu thuẫn đáng kể từ giới truyền thông, cô còn là một CEO đại tài với cái đầu chiến lược xuất sắc.

Công cuộc quảng bá tên tuổi của cô được cho là bài học marketing kinh điển với bất cứ ai muốn thiết lập thành công thương hiệu cá nhân.

Taylor Swift được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bùng nổ các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng không đơn thuần tiếp nhận chúng, Taylor còn tạo nên sự kết nối trực tiếp với người hâm mộ thông qua hàng loạt tài khoản Facebook, Twitter, Tumblr hay Instagram. Cô liên tục phản hồi những bài viết, hình ảnh hay câu hỏi của người hâm mộ.

Và bằng cách này, cô đã “tạo nên một sự phấn khích và ủng hộ nhiệt thành mà không hình thức quảng cáo nào có thể làm được”, Matt Britton, CEO từ công ty xây dựng thương hiệu MRY cho biết.

Việc nắm vững phương thức hoạt động của truyền thông còn giúp Taylor dựng nên một chiến lược PR xuất chúng, khi lần lượt đả kích các hình thức phát hành nhạc miễn phí từ Spotify và Apple Music.

Thông điệp đặc biệt mang đậm dấu ấn cá nhân của Taylor nhanh chóng lan toả khắp các diễn đàn âm nhạc, tạo nên nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi khắp nơi về mức phí chi trả cho các nghệ sĩ.

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ vài giờ sau đó, Apple, dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, đã thay đổi hướng hoạt động và đồng ý trả tiền cho các bản quyền trực tuyến. Đây là một ví dụ điển hình về sự lãnh đạo của một CEO tài ba, với tầm nhìn vượt qua lợi ích cá nhân, để khiến người khác có niềm tin vào quyết định của mình.

Tạo niềm vui, đoạt thành công

Ngày 31/12/2014, Taylor Swift phát hành một video quay tại nhà riêng, cho thấy cảnh cô tận tay gói những món quà dành cho một số người hâm mộ được chọn lựa, sau đó lái xe từ New York đến Connecticut để trao quà. Không chỉ dừng lại ở đó, cô còn bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ quý báu để chơi đùa, trò chuyện với một người hâm mộ lớn tuổi cùng con trai bà.

Đoạn video ghi lại hành trình trên nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, tạo nên một hiệu ứng đặc biệt mang tên “Swiftmas”. Nó nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi trên các phương tiện truyền thông, là chất liệu viết nên nhiều câu chuyện xúc động trên mặt báo, và phát triển thành một chiến lược PR, marketing miễn phí.

Đối với cá nhân Taylor, đây là một thành công mà cô không cần bỏ nhiều công sức cũng có được. Người hâm mộ cô, vốn nhiệt thành và đông đảo, nay có thêm lý do để trung thành với thần tượng. Nhiều người không quan tâm, nay cũng đã biết đến tên cô. Và các nhà điều hành nền âm nhạc đại chúng, lại một lần nữa xúc tiến công cuộc thiết lập nên một “kỷ nguyên” mới trong âm nhạc mang tên “Taylor Swift”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới