Giải trình trách nhiệm về những sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - ​Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, việc có tới 7/11 Ban Quản lý rừng phòng hộ xảy ra sai phạm là do nguyên nhân chủ quan. Xảy ra nhiều và trong thời gian dài nhưng không phát hiện ra.

Chiều 7/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình tháng 5/2020 với nội dung làm rõ những sai phạm tại một số Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành… Về phía UBND tỉnh có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình. Tham gia làm việc có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành…  Ảnh: Phạm Bằng

Sai phạm nhiều trong lĩnh vực bảo vệ rừng

Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo giải trình về sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, có 3 sai phạm chính.

Về sai phạm khai thác trái phép lâm sản, trong giai đoạn 2016-2019, tại các Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu đã xảy ra 9 vụ. Các vụ việc phá rừng kể trên đã tạo ra nhiều dư luận bất bình trong nhân dân. Cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can. Ngoài ra, các tập thể và nhiều cá nhân liên quan cũng đã bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức như Khiển trách, Cảnh cáo.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo giải trình về sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT đã báo cáo giải trình về sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng

Về sai phạm lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trồng phòng hộ, tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất đai giữa người dân và các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn biến có chiều hướng phức tạp. Tại các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất đai, khai thác trên diện tích đất của Ban quản lý rừng phòng hộ xảy ra nhiều. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Về sai phạm trong công tác quản lý tài chính, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành có 8 cán bộ, nhân viên bị khởi tố do lập hồ sơ giả, biến hơn 30 lô đất rừng của Nhà nước thành tiền riêng để chia nhau và chi sai nguyên tắc gần 5 tỷ đồng. Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, có 4 cán bộ đã bị tòa án xét xử do chi sai 752 triệu đồng, gây thiệt hại cho nhà nước. Còn những sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương thì hiện nay Công an tỉnh và Sở NN&PTNT đang điều tra, làm rõ.

Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng
Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng

Ngoài ra, từ năm 2016 – 2019,  Sở NN& PTNT, Sở Tài chính đã tổ chức 28 đoàn thanh tra tại 11 Ban quản lý rừng phòng hộ. Qua đó phát hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã chi trả chế độ, phụ cấp cho người lao động sai đối tượng, không trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm 2016-2017 hơn 333 triệu đồng; 10 đơn vị có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước hơn 914 triệu đồng. Qua thanh tra, phát hiện một số công trình có sai phạm trong thi công xây lắp với tổng số tiền hơn  569 triệu đồng;

Làm rõ trách nhiệm

Tại phiên giải trình, các đại biểu tham dự đã đặt ra nhiều vấn đề đề nghị Sở NN&PTNT làm rõ. Cụ thể, để xảy ra nhiều sai phạm tại các BQL rừng phòng hộ như vậy thì trách nhiệm của Sở NN&PTNT như thế nào?

Đã có rất nhiều cuộc thanh tra nhưng vì sao phát hiện chậm, không làm rõ được sai phạm cụ thể. Sở NN&PTNT có những giải pháp gì để chấn chỉnh hoạt động của các BQL và có tình trạng nương nhẹ, bỏ qua sai phạm hay không ?...

Ông Cao Tiến Trung – Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu đánh giá sai phạm và làm rõ trách nhiệm của Sở NN&PTNT khi để xảy ra nhiều sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ. Ảnh: Phạm Bằng
Ông Cao Tiến Trung – Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu đánh giá sai phạm và làm rõ trách nhiệm của Sở NN&PTNT khi để xảy ra nhiều sai phạm tại các Ban quản lý rừng phòng hộ. Ảnh: Phạm Bằng

Giải trình những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, với vai trò là cơ quan chủ quản, Sở xin nhận trách nhiệm. Song, trong nhiều vụ việc nguyên nhân là do lịch sử để lại, bên cạnh đó tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của một số cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Ngoài ra, có những nguyên nhân khách quan như diện tích rừng trên địa bàn lớn, trong khi biên chế cán bộ bảo vệ rừng của các BQL giảm nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do các Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng do nguồn thu rất ít hoặc hầu như không có là một áp lực rất lớn tại nhiều ban hiện nay, tạo tâm lý không yên tâm công tác của cán bộ bảo vệ rừng. Đời sống người dân miền núi còn khó khăn nên tình trạng khai thác rừng; chặt phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Kết luận phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đặt câu hỏi, tại sao người dân bức xúc và cho rằng, vì có đến 7/11 Ban quản lý vi phạm, như vậy là số đông. Trong đó có đơn vị vi phạm nhiều lần, nhiều năm.

“Trong các nguyên nhân thì thấy rằng có những yếu tố khách quan, bất cập. Tuy nhiên, cái chính vẫn là nguyên nhân chủ quan, là chức trách, nhiệm vụ của ngành. Vì nhiều như thế mà không phát hiện ra, đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phải nâng cao trách nhiệm và năng lực cho các cán bộ bảo vệ rừng. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phải nâng cao trách nhiệm và năng lực cho các cán bộ bảo vệ rừng. Ảnh: Phạm Bằng

Phân tích sâu về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, có 2 vấn đề: Trách nhiệm và năng lực. Và trách nhiệm này thuộc các BQL rừng phòng hộ và cơ quan chủ quản là Sở NN&PTNT. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương, kiểm lâm và thanh tra.

Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phải xem xét, tham mưu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL rừng phòng hộ. Cùng đó, phải nâng cao chất lượng hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn, ngăn ngừa sai phạm, không để xảy ra những sai phạm lớn. Các kết luận thanh tra phải được công khai. Khi phát hiện sai phạm thì quy trách nhiệm rõ và xử lý nghiêm túc.

“Nếu không xử lý nghiêm túc thì dễ nhờn, sai phạm ngày càng lớn. Khi đó, có nhiều suy nghĩ rằng có sự làm ngơ, tiếp tay, bao che”

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Diện tích rừng phòng hộ ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu sau khi bị khai thác trái phép đã được trồng dứa, sai mục đích sử dụng đất. Ảnh tư liệu
Diện tích rừng phòng hộ ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu sau khi bị khai thác trái phép đã được trồng dứa, sai mục đích sử dụng đất. Ảnh tư liệu

Đối với các BQL rừng phòng hộ phải rà soát, báo cáo cho Sở NN&PTNT những bất cập, nâng cao tinh thần trách nhiệm đạo đức công vụ, năng lực của cán bộ, gắn với phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường hoạt động tuần tra, đặc biệt đối với những khu vực trọng điểm, xung yếu, kịp thời ngăn chặn các vụ lấn chiếm, khai thác rừng trái phép. Triển khai tốt các chính sách lâm nghiệp theo chức năng nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin mới