Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An: 'Tâm niệm tất cả vì học sinh, chúng ta đã vượt cản trở do dịch Covid-19'

(Baonghean.vn) - Đây là chia sẻ của GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trước quyết định nhanh chóng cho toàn bộ thí sinh thuộc diện F1, F2 trên địa bàn tỉnh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp tại Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Mặc dù vậy, hơn 34.000 thí sinh Nghệ An đã có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Nhìn lại kỳ thi năm nay, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Mỹ Hà
Chủ động triển khai trong mọi tình huống
P.V: Thưa  GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành mặc dù đã có công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trong kỳ thi năm nay, Nghệ An là một trong ít địa phương tổ chức được kỳ thi đầy đủ với sự tham gia của tất cả các thí sinh, trong đó có cả những thí sinh F1, F2.  Trong bối cảnh rất đặc biệt vì sao Nghệ An đưa ra quyết định này?

GS.TS.NGƯT. Thái Văn Thành: Trước khi quyết định cho thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và để học sinh F2 được dự thi, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và tham vấn chuyên môn của ngành Y tế để có các quyết định và chuẩn bị một cách bài bản. Bên cạnh đó, trong những ngày qua tỉnh Nghệ An đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và ngành cũng đã lên các kịch bản rất kỹ càng, xây dựng các phương án bố trí điểm thi dự phòng, việc di chuyển của các thí sinh để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho đối tượng F1 và F2 cho tất cả các điểm thi.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Đức Anh
GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Đức Anh

Trước kỳ thi chúng ta cũng tập huấn đầy đủ và quán triệt đến từng thành viên nên dù quyết định cho thí sinh F1 đi thi trong thời điểm rất đặc biệt (một đêm trước khi thi) nhưng công tác chuẩn bị vẫn không bị động và diễn ra thuận lợi, không ảnh hưởng đến các thí sinh khác.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành

Khi quyết định cho thí sinh dự thi dù chúng tôi không điều tra xã hội học nhưng đã chỉ đạo hiệu trưởng các nhà trường lấy nguyện vọng của thí sinh và cha mẹ các em. Quá trình tổ chức, chúng tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ càng, đặc biệt là các ý kiến chuyên môn của ngành Y tế. Khi nhận được sự đồng thuận của thí sinh và phụ huynh chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để các thí sinh này được tham gia kỳ thi một cách thuận lợi nhất. Việc tổ chức cho tất cả thí sinh được tham dự thi trong đợt 1 cũng đem đến nhiều lợi ích.

Về mặt kinh tế thì việc tổ chức một kỳ thi sẽ giúp cho tỉnh và phụ huynh tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng quan trọng hơn là đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của thí sinh được dự thi và cũng là nguyện vọng của nhiều phụ huynh và gia đình. Không ai muốn kéo dài kỳ thi vì điều đó sẽ tạo nên áp lực cho chính các thí sinh.

Công tác phân luồng được thực hiện nghiêm túc tại các điểm thi. Ảnh: Mỹ Hà
Công tác phân luồng được thực hiện nghiêm túc tại các điểm thi. Ảnh: Mỹ Hà

P.V: Cho đến thời điểm này, kỳ thi ở Nghệ An đã diễn ra thuận lợi và an toàn. Ông đánh giá như thế nào về kỳ thi năm nay và chúng ta rút được kinh nghiệm gì qua công tác tổ chức, thưa ông?

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Mặc dù diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhưng hiện tại chúng ta có thể khẳng định kỳ thi của Nghệ An đã diễn ra an toàn, tốt đẹp, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và có chất lượng, đặc biệt là an toàn trong phòng chống dịch.

Qua kỳ thi này chúng ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đó là dù trong bất kỳ bối cảnh, tình huống nào dù là dịch bệnh hay thiên tai bão lũ thì chúng ta cũng phải chuẩn bị các kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống để chủ động triển khai. Bên cạnh đó, với tâm niệm tất cả vì học sinh thì chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, cản trở và cả sự vất vả. Rất vui là dù kỳ thi diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt nhưng kết thúc kỳ thi phụ huynh và thí sinh rất phấn khởi. Ngoài làm tốt công tác đảm bảo an toàn thì đề thi năm nay của Bộ phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch, có giảm tải nhưng vẫn đảm bảo được thực hiện hai mục tiêu là công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào đại học.

Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đức Anh
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đức Anh
 Thành công của kỳ thi năm nay còn nhờ vào sự phối hợp của các ban, ngành và của chính quyền địa phương. Sự chỉ đạo rất bài bản, khoa học của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện và sự vào cuộc của các ban ngành đã giúp cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phân luồng, giãn cách, bảo mật được tổ chức nghiêm túc chu đáo.
P.V: Ngay sau kỳ thi kết thúc, ngành Giáo dục cũng sẽ bắt tay vào việc chấm thi. Vậy ngành Giáo dục Nghệ An đã chuẩn bị cho công tác này như thế nào thưa ông?
 GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Khâu chấm thi là khâu rất quan trọng, việc thực hiện nghiêm túc đúng quy chế sẽ đảm bảo kết quả chính xác, công bằng, khách quan cho thí sinh cũng như góp phần quyết định thành công của kỳ thi.
Tại Nghệ An, công tác chấm thi đã được xây dựng từ trước, gồm thành lập ban chỉ đạo chấm thi, thanh tra chấm thi, huy động đội ngũ giám khảo. Hiện đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT đã có mặt tại Nghệ An để hướng dẫn, triển khai chấm từ ngày 11/7 theo kế hoạch. Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 400 giám khảo.
Giám thị phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đức Anh
Giám thị phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đức Anh
 Tại kỳ thi này chỉ có môn Ngữ văn thi hình thức tự luận và Sở chỉ đạo  giám khảo thực hiện công tâm, bám sát đáp án của Bộ GD&ĐT. Các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan và được chấm trên máy tính theo đúng quy trình. chấm thi khách quan, chính xác, đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Kết quả của kỳ thi là thước đo để đánh giá việc dạy và học
 P.V: Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là một thước đo để đánh giá lại kết quả dạy và học của các nhà trường. Với ngành Giáo dục Nghệ An, sau kỳ thi này sẽ có những điều chỉnh như thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học?
 GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Đây là kỳ thi 2 trong 1, với mục đích lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học. Vì vậy, điểm thi là một thước đo quan trọng phản ánh chất lượng dạy học ở các trường phổ thông.
Các thành viên trong ban chỉ đạo kiểm tra công tác thi tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà.
Các thành viên trong ban chỉ đạo kiểm tra công tác thi tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà.

Với tỉnh Nghệ An, sau khi Bộ công bố kết quả thi, Sở sẽ phân tích phổ điểm từng môn, đối sánh điểm thi với kết quả điểm học bạ của thí sinh, và với điểm của năm học trước và gửi phổ điểm từng môn về cho từng địa phương, từng trường. Nếu môn nào có điểm trung bình thấp hơn so với năm trước thì Sở GD&ĐT, Phòng giáo dục trung học của Sở sẽ đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân, tồn tại.

Qua đó đưa ra giải pháp đổi mới kể cả trong chỉ đạo của ngành cũng như hoạt động dạy học của nhà trường. Sự điều chỉnh phải phù hợp với từng địa phương vùng miền, từng nhà trường. Vừa tạo động lực dạy học cho thầy và trò, vừa  khích lệ năng lực của học sinh trong năm học tới.

P.V: Thưa ông, trong những năm gần đây, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được cải tiến và tổ chức ngày một đơn giản, gọn nhẹ hơn nhằm giảm áp lực cho phụ huynh và cho các địa phương. Tuy nhiên, xung quanh việc tổ chức kỳ thi vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Vậy theo ông, trong những năm tới kỳ thi nên có những cải tiến thế nào để giúp cho việc tổ chức được đơn giản, thuận tiện nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra?

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành: Theo chúng tôi đánh giá một cách khách quan thì kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ chỉ đạo rất bài bản khoa học, đáp ứng được nguyện vọng của học sinh và phục vụ được hai mục đích.

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi cuối cùng. Ảnh: Đức Anh
Thí sinh trao đổi bài sau môn thi cuối cùng. Ảnh: Đức Anh
 Tuy nhiên, mong muốn chung của nhân dân và học sinh thì làm sao kỳ thi phải ngày càng gọn nhẹ, đơn giản nhưng vẫn đánh giá được năng lực học sinh, nhất là không tạo áp lực cho phụ huynh, thí sinh và xã hội. Vì thế về lâu dài, chúng ta có một chiến lược để cải tiến công tác thi cử như có thể tổ chức theo nhiều đợt, tổ chức các bài thi đánh giá năng lực để có thể sau khi kết thúc học kỳ I, những học sinh có năng lực và hoàn thành chương trình sớm có thể tham gia sớm. Những thí sinh còn lại có thể thi đợt sau để giảm tải áp lực, mật độ và giúp kỳ thi ngày một nhẹ nhàng.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 Quan trọng nhất là học sinh học được cái gì, làm được cái gì và vận dụng được kiến thức vào trong thực tiễn và cuộc sống.

GS.TS. NGƯT Thái Văn Thành:

Tin mới