Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An: Không có chuyện 'ép' học sinh phân luồng, tất cả đều có quyền thi THPT

(Baonghean.vn) - Bản chất của phân luồng là dành cho những học sinh cảm thấy có xu hướng tay nghề tốt và chủ động không thi vào THPT mà lựa chọn đi vào các trường nghề. Ngoài ra, những cháu muốn thử sức thi vào THPT nhưng năng lực hạn chế, thi không đậu thì các cháu có thể chọn các mô hình như ngoài công lập, các trung tâm GDNN - GDTX, các trung tâm GDTX hoặc đi học nghề. Đây là quyền của học sinh chứ không có tình trạng “bắt” học sinh phân luồng - GS.TS Thái Văn Thành khẳng định.

Thời điểm này, học sinh cuối cấp đang tăng tốc để bước vào các kỳ thi chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023. Trước mùa thi, nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn về phương án mới. Để hiểu rõ hơn về kỳ thi năm nay,  Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh những vấn đề liên quan.

Điều chỉnh phương án thi không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh

P.V: Thưa GS.TS Thái Văn Thành, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là một trong những kỳ thi hết sức quan trọng đối với học sinh phổ thông. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo có sự điều chỉnh khi lần đầu tiên áp dụng 3 môn thi cùng một hệ số. Vì sao có sự thay đổi này?

GS.TS Thái Văn Thành: Như chúng ta đã biết, trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 thì Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 3 môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 và các môn này là tương đồng nhau. Chính vì thế, khi chúng ta áp dụng 3 môn thi cùng một hệ số chính là để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Hương - thị xã Cửa Lò. Ảnh: MH
Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Hương, thị xã Cửa Lò. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, hiện nay Nghệ An đang triển khai đề án nâng cao chất lượng học Ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ, từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông.

Năm học này, việc học của học sinh bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Ảnh: MH
Năm học này, việc học của học sinh bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Ảnh: MH

Do đó, khi chúng ta tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đặt ba môn Toán - Ngữ văn và Ngoại ngữ ngang hàng với nhau sẽ thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để học sinh tỉnh nhà có thể hội nhập khu vực và quốc tế. Hiện nay, trên cả nước, nhiều địa phương đã áp dụng ba môn thi cùng một hệ số như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.

P.V: Từ năm học này và những năm học sau, dự kiến thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 sẽ tiếp tục tăng. Vậy sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến điểm xét tuyển đầu vào của các trường không, thưa ông?

GS.TS Thái Văn Thành: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện đề chung cho toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc xét tuyển sinh đầu vào thường được thực hiện theo từng địa phương khác nhau, chủ yếu học sinh ở địa phương nào sẽ thi ở địa phương ấy. Do đó, dù đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng một hệ số ở cả ba môn thi nhưng sẽ không ảnh hưởng đến điểm xét tuyển và việc tuyển sinh ở các nhà trường bởi mặt bằng của các địa phương là tương đồng nhau.

Chỉ có điều, nếu như trước đây, khi chúng ta áp dụng hệ số 2 cho hai môn Toán và Ngữ văn thì điểm đầu vào của các trường sẽ cao hơn. Còn hiện tại nếu áp dụng một hệ số thì tổng điểm đầu vào sẽ thấp và điều này sẽ tạo áp lực cho các nhà trường, cụ thể là các hiệu trưởng Trường THCS, các phòng Giáo dục và Đào tạo về chất lượng giáo dục và buộc các nhà trường phải thúc đẩy chất lượng. Nếu điểm xét tuyển đầu vào thấp thì rõ ràng chất lượng dạy học ở bậc THCS chưa đảm bảo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022. Ảnh: Mỹ Hà
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022. Ảnh: Mỹ Hà

 Tôi cũng phải nói rằng, dù đây là năm đầu tiên triển khai nhưng từ hơn một năm trở lại đây, ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An đã triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục ở tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh và đây cũng là mô hình đi đầu của cả nước, chưa địa phương nào triển khai. Theo đó, việc đảm bảo chất lượng trường phổ thông phải được đảm bảo từ yếu tố đầu vào gồm đội ngũ giáo viên, chất lượng tuyển sinh, cơ sở vật chất, tài chính và các nguồn lực…

Quá trình thực hiện, thầy cô phải tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, công tác giáo dục học sinh phải được chăm lo. Song song với đó phải thực hiện phối hợp giữa gia đình và cộng đồng, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên kết nối chia sẻ thông tin, bàn bạc với phụ huynh về những tác động về giáo dục đạo đức, nhân cách để học sinh có thể phát triển toàn diện và có năng lực đầy đủ…

Nhờ sự chuẩn bị này nên chất lượng giáo dục ở các nhà trường đang từng bước đi vào thực chất và giáo viên chủ nhiệm phải ký cam kết với hiệu trưởng, hiệu trưởng phải ký cam kết với các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các Trường THPT phải ký cam kết với Sở Giáo dục và Đào tạo để đánh giá hiệu quả quản lý của nhà trường.

GS-TS Thái Văn Thành

P.V: Theo khảo sát của ngành thì những năm tới, học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ tăng ở tất cả các bậc học, cấp học. Vậy điều này có tạo nên áp lực cho công tác tuyển sinh không, thưa ông?

GS.TS Thái Văn Thành: Việc tăng học sinh là điều nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, phụ huynh có thể yên tâm vì trong những năm tới chúng ta tiếp tục làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp và sẽ chỉ có từ 75% - 78% học sinh vào học các trường THPT, còn lại khoảng 25% các cháu đi học nghề.

Trong quá trình này, các cháu vẫn có thể học văn hóa chương trình THPT và vẫn có bằng tốt nghiệp. Ngoài ra, các cháu có thêm một bằng nghề để sau khi ra trường có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Chúng ta cũng cần phải xác định, nếu một học sinh có kỹ năng nghề giỏi thì cũng sẽ được trân trọng. Thế giới hiện nay cũng tổ chức các cuộc thi nghề như các cuộc thi Toán, Vật lý, Hóa học... quốc tế.

Thứ hai, khi học sinh gia tăng, Sở cũng đã tính đến các phương án như mở một số cơ sở 2 (đặc biệt là khu vực thành phố Vinh) hay tăng cường số lớp ở các trường công lập… Chúng ta cũng có hai trường chuyên, trường năng khiếu của Sở Văn hóa và Thể thao. Bên cạnh đó cần tiếp tục thúc đẩy chất lượng ở các trường ngoài công lập.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Sở cũng đang tiếp tục kêu gọi các trường quốc tế vào Nghệ An nhằm tạo điều kiện cho những gia đình muốn đầu tư để các con đi du học. Năm nay, Nghệ An có mở các lớp tiên tiến nằm ngoài chỉ tiêu của các trường công lập và điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho học sinh.

P.V: Ông đã nói về hiệu quả của vấn đề phân luồng hướng nghiệp, nhưng xung quanh vấn đề này thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đâu đó vẫn có trường hợp nhà trường “ép” phân luồng khiến cho phụ huynh có định kiến xấu về chủ trương này. Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo như thế nào để việc phân luồng thực chất, hiệu quả?

GS.TS Thái Văn Thành: Bản chất của phân luồng là dành cho những học sinh cảm thấy có xu hướng tay nghề tốt và chủ động không thi vào THPT mà lựa chọn đi vào các trường nghề. Ngoài ra, những cháu muốn thử sức thi vào THPT nhưng năng lực hạn chế, thi không đậu thì các cháu có thể chọn các mô hình như ngoài công lập, các trung tâm GDNN - GDTX, các trung tâm GDTX hoặc đi học nghề. Đây là quyền của học sinh chứ không có tình trạng “bắt” học sinh phân luồng.

Từ hơn hai năm trở lại đây, Sở đã chỉ đạo các trường THCS và yêu cầu các trưởng phòng giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Học sinh có quyền được thi lên THPT. Đây hoàn toàn là sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh.

P.V: Một trong những khó khăn của các thí sinh lớp 10 năm nay đó là các trường “hạn chế” đăng ký tuyển sinh nguyện vọng (NV2 và NV3). Điều này có gì bất thường không, thưa ông? Và ngành giáo dục có những giải pháp nào để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh?

GS.TS Thái Văn Thành: Khi duyệt kế hoạch năm học, chúng tôi đã tính đến số lượng học sinh và chỉ tiêu giao cho các nhà trường đã cao, tối đa với năng lực đào tạo của nhà trường. Việc tuyển sinh NV2 thực tế chỉ tăng được khoảng 1 lớp và thay vì thế trường nào cũng đã được tăng kế hoạch 1 lớp nên cũng không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh. Vì thế phụ huynh không quá lo lắng và điều quan trọng là phải cân nhắc để đăng ký ngôi trường phù hợp với năng lực của các con.

Các kỳ thi cuối cấp luôn tạo áp lực cho nhiều thí sinh. Ảnh: Đức Anh
Các kỳ thi cuối cấp luôn tạo áp lực cho nhiều thí sinh. Ảnh: Đức Anh

Sở cũng dành một tuần để học sinh có quyền đổi nguyện vọng. Vì thế, sau khi các trường công bố tỷ lệ trúng tuyển nếu học sinh thấy không phù hợp thì có thể đổi nguyện vọng.

Mô hình trường tiên tiến nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện

P.V: Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện thí điểm đề án trường tiên tiến chất lượng cao. Ông hãy nói rõ hơn về mô hình này?

GS.TS Thái Văn Thành: Mô hình trường tiên tiến chất lượng cao là để thúc đẩy giáo dục toàn diện và phát triển các năng khiếu sở trường của học sinh như âm nhạc, thể dục, thể thao. Hơn nữa, ở môi trường này, các cháu được học tin học, ngoại ngữ với đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế. Với việc thành lập các mô hình tiên tiến sẽ giúp cho giáo dục Nghệ An không tụt hậu, ít nhất là với các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh…và hội nhập được với khu vực.

Đây là cơ sở để có nguồn nhân lực cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng của tỉnh nhà. Rõ ràng khi có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ mở ra nhiều cơ hội trong tương lai cho học sinh. Nghị quyết số 26 cũng đã xác định, Nghệ An sẽ là trung tâm văn hóa, chính trị của khu vực Bắc Trung Bộ thì chất lượng giáo dục phải hơn các tỉnh khác, phải có đầu tàu dẫn dắt và có mô hình để các địa phương khác có thể học tập.

Hiệu trưởng Trường TH School trực tiếp giới thiệu lớp học thử nghiệm cho học sinh thành phố Vinh. Ảnh: MH
Hiệu trưởng Trường TH School trực tiếp giới thiệu lớp học thử nghiệm cho học sinh thành phố Vinh. Ảnh: MH

Trong quá trình thực hiện, từ khi đề án ban hành đến khi chính thức đi vào thực hiện chỉ chưa đến một năm nhưng trước đó đề án đã được vận hành và chuẩn bị hơn hai năm. Việc xây dựng đề án được triển khai trên cơ sở sẵn có của các nhà trường về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và hợp tác với các cơ sở giáo dục có uy tín nên các trường đã chủ động trong thực hiện.

P.V: Một trong những vấn đề được phụ huynh quan tâm khi triển khai mô hình trường thí điểm, đó là vấn đề tuyển sinh đầu vào và học phí. Vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo như thế nào về vấn đề này?

GS.TS Thái Văn Thành: Về vấn đề này, tôi có thể khẳng định phụ huynh không phải quá lo lắng về đầu vào vì mô hình này chỉ cần học sinh đậu vào một trường công lập trên địa bàn tỉnh và có nguyện vọng vào học trường tiên tiến. Quan trọng là các cháu có đam mê, có nhiệt huyết được phát triển năng khiếu bản thân và phụ huynh mong muốn được con phát triển toàn diện. Chúng tôi cũng đã tính toán, mức học phí dự kiến chỉ trên, dưới 2 triệu/tháng và điều này không quá khó đối với phụ huynh nhiều địa phương. Trong khi đó, các cháu được học 2 buổi/ngày và được đảm bảo các điều kiện để phát triển, có nhiều kỹ năng tốt.

Thí sinh tham dự Kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Đức Anh
Thí sinh tham dự Kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Đức Anh

Trong thời gian qua, tôi cũng nhận được ý kiến của một số phụ huynh lo lắng khi mở trường tiên tiến thì học sinh tiểu học và THCS sẽ mất đi cơ hội phổ cập ở địa bàn. Vấn đề này chúng tôi đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cân nhắc và tạo điều kiện để các em được phân luồng sang các trường khác, đảm bảo quyền được phổ cập theo quy định.

P.V: Áp lực thi cử là điều vẫn diễn ra nhiều năm nay, đặc biệt là với những địa phương có tỷ lệ cạnh tranh cao. Vậy, trước kỳ thi năm nay, ông muốn nhắn nhủ điều gì tới các thí sinh và phụ huynh?

GS.TS Thái Văn Thành: Chúng tôi luôn xác định dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo cơ hội và quyền lợi học tập của học sinh tỉnh nhà. Do đó, trước kỳ thi năm nay, phụ huynh hãy an tâm và các nhà trường cũng đã tính toán để tăng quyền lợi cho học sinh.

 Như tôi cũng đã chia sẻ, Sở đã và đang thưc hiện mô hình đảm bảo chất lượng, thực hiện giám sát đầu vào và đảm bảo chất lượng đầu ra nên chất lượng giữa các trường sẽ tương đồng. Học sinh không nên quá lo lắng vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi và kết quả thi. Sự thoải mái sẽ giúp cho học sinh bình tĩnh làm bài.

Năm nay, Sở cũng đã chỉ đạo các nhà trường kiểm tra, rà soát cả về mặt kiến thức và các biểu hiện tâm lý của học sinh sau khi trở lại trường để có biện pháp tác động giáo dục phù hợp. Trong quá trình thi, các phòng chuyên môn của Sở sẽ tính trên mặt bằng chung, chỉ thi những phần học và không thi những phần tinh giản để phù hợp với việc tổ chức dạy học trong một năm học đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tin mới